Sứ mệnh với những kỷ vật từ nửa vòng trái đất

Hơn 450 tài liệu, hiện vật liên quan tới cuộc gặp mặt vào năm 1965 của Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ với phụ nữ 2 miền Nam - Bắc Việt Nam tại Jakarta (Indonesia), do một nữ luật sư danh tiếng của Mỹ lưu giữ 54 năm qua, đã có hành trình nửa vòng trái đất đến Hà Nội. Bà Nancy Hollander, chủ nhân của những tư liệu quý ấy, đã chính thức trao tặng khối kỷ vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 
Bà Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollander cùng nhau xem lại kỷ vật
Bà Nguyễn Thị Bình và bà Nancy Hollander cùng nhau xem lại kỷ vật

Cơ duyên từ một tấm ảnh cũ

Câu chuyện bắt đầu từ một bức ảnh và cuộc gặp gỡ đầu tiên của Lady Borton với Nancy Hollander. Nữ nhà văn Lady Borton, người dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, nhớ lại cuộc gặp gỡ năm 2018 và kể: “Năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tổ chức tại Hà Nội, có phái đoàn Mỹ sang Việt Nam, gặp tôi đúng lúc đang xem lại cuốn sách Nguyễn Thị Bình - gia đình, bạn bè và đất nước mà tôi đã dịch trước đó để tái bản, tôi tặng mỗi người một cuốn làm quà. Là một trong những người được tặng sách hôm ấy, ông James W.Russell, sau khi đọc sách đã nhận ra có tấm hình của bạn mình là Nancy Hollander chụp cùng với bà Bình ở Jakarta năm 1965. Ông đã viết thư báo cho tôi cũng như bà Hollander để thông báo về phát hiện thú vị này. Chính ông cũng là cầu nối để chúng tôi bắt liên lạc”. 

Bà Nancy Hollander, người có mặt trong bức hình cũ ấy chính là thành viên Phái đoàn Phụ nữ Hoa Kỳ. Nữ luật sư Nancy Hollander lúc đó là sinh viên và là thành viên trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ. Bà Nancy Hollander không chỉ lưu giữ nhiều ký ức về cuộc gặp gỡ giữa những người phụ nữ ở 2 đất nước, mà bất ngờ hơn là trải qua hơn nửa thế kỷ với 4 lần chuyển nhà nhưng bà Hollander vẫn còn lưu giữ hơn 450 tư liệu, hiện vật của phái đoàn Việt Nam mang đến hội nghị và một số tài liệu gửi theo đường bưu điện sau đó.
Qua nhiều lần trao đổi email, cả 2 người phụ nữ đến từ nước Mỹ xa xôi đã có ý định trao tặng số hiện vật quý giá này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Và vào ngày 7-3 vừa qua, một lễ trao tặng hiện vật đặc biệt đã được tổ chức trang trọng tại Hà Nội.

Nặng lòng với Việt Nam

Sang Việt Nam lần đầu tiên năm 1969, bà Lady Borton dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, là một “người Mỹ thầm lặng” luôn thúc đẩy hòa bình trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Có thể nói, nếu như không có Lady Borton, không có những sự gắn kết với lịch sử và phụ nữ Việt Nam thì chúng ta không có được khối tài liệu hiện vật quý giá này. Song chính Nancy Hollander - cô gái trẻ đầy cá tính của cuộc gặp gỡ lịch sử năm nào mới là người nắm giữ trong tay những kỷ vật vô cùng giá trị ấy. 

Trước khi trở thành nữ luật sư hình sự người Mỹ nổi tiếng thế giới, cô nữ sinh Nancy Hollander đã tham gia nhiều hoạt động với các tổ chức vì hòa bình, trong đó có việc tham gia phong trào ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Cuộc gặp gỡ tại Jakarta năm ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của bà. Bà Nancy Hollander tâm sự, chuyến gặp gỡ ấy và chuyến đi tới Việt Nam lần này đều đem lại cho bà nhiều cảm xúc. Đây là lần đầu tiên bà công bố và trao tặng những hiện vật đã theo mình suốt nửa thế kỷ. Sự kiện còn là dịp gặp gỡ sau nhiều năm xa cách giữa nữ luật sư người Mỹ với những người bạn Việt Nam. 

Không ồn ào, vồn vã, chỉ một cái nắm tay rất nhẹ của 2 người phụ nữ tóc đã đều pha sương tuyết là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Trưởng phái đoàn phụ nữ 2 miền Nam - Bắc Việt Nam tại Jakarta) và luật sư Nancy Hollander cũng khiến trái tim của những người có mặt ở đó phải tan chảy. Vượt qua rào cản về không gian, thời gian, tuổi tác, cả hai đã cùng nhau quay trở lại ký ức của 54 năm trước khi cùng tham dự cuộc gặp mặt. Những câu chuyện chia sẻ của mỗi người đều hồi tưởng về ký ức đặc biệt trong cuộc đời mình. Đó là sứ mệnh thực hiện cuộc ngoại giao nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Khi được hỏi tại sao lưu giữ khối tài liệu hiện vật này suốt 54 năm, bà Nancy Hollander xúc động: “Tôi cũng không biết tại sao, nhưng tôi cứ đau đáu suốt nhiều năm qua là làm thế nào để đưa những khối tài liệu này về được Việt Nam, nó thuộc về Việt Nam và phải về Việt Nam. Dù chuyển nhà đến 4 lần, tôi bỏ lại nhiều thứ sau lưng, nhưng những chiếc hộp đựng tài liệu này tôi luôn phải mang theo vì cảm thấy mình có một sứ mệnh với nó. Và hôm nay, khi tôi được tận tay trao cho các bạn, được gặp lại bà Nguyễn Thị Bình, tôi thực sự xúc động, rất xúc động”.

Theo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bước đầu đã phân loại, lược dịch khối tài liệu này. Bảo tàng cũng đã trao đổi thêm với bà Nguyễn Thị Bình, bà Lady Borton, bà Nancy Hollander và tổng hợp được một số thông tin quan trọng về cuộc ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua nước thứ 3 được thực hiện bởi những người phụ nữ. Sau khi được phân loại và bảo quản, những tư liệu, hiện vật quý này sẽ được trưng bày, giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Tin cùng chuyên mục