Quốc hội thảo luận Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Sửa và đổi như thế nào?

6 kiến nghị cải cách giáo dục
Sửa và đổi như thế nào?

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 1

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Trong phiên họp sáng nay, 13-5-2005, thay mặt UB Thường vụ QH, bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên, và nhi đồng của QH báo cáo tiếp thu giải trình về góp ý Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó có một số nội dung đáng chú ý như sau:

- Về hệ thống giáo dục quốc dân: có những ý kiến khác nhau về tên gọi của các cấp học phổ thông. UB thường vụ trình hai phương án, phương án 1 giữ nguyên cách gọi như hiện nay (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); phương án 2 đổi tên là phổ thông cấp 1, phổ thông cấp 2, phổ thông cấp 3.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 2

Bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên, và nhi đồng của QH báo cáo trước Quốc hội.

Đa số ý kiến đồng ý đổi tên trung học chuyên nghiệp thành trung cấp chuyên nghiệp.

-  Về giáo dục thường xuyên, UB thường vụ QH đề nghị thể hiện lại nội dung điều 4 quy định về giáo dục thường xuyên như sau:

Hệ thống giáo dục quốc dân

Phương án 1:

a. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên

b. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: giáo dục mầm non có nhà trẻ, mẫu giáo; giáo dục phổ thông gồm 3 cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ

Phương án 2:

a. Hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

b. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục mầm non có nhà trẻ, mẫu giáo; giáo dục phổ thông gồm 3 cấp (cấp 1, cấp 2, cấp 3); giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.  
 
- Quy định về việc dạy và học tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục: có ý kiến đề nghị cần quy định một ngoại ngữ chính thức học xuyên suốt các cấp học, bậc học và khuyến khích học ngoại ngữ thứ 2 theo nhu cầu nghề nghiệp. Tuy nhiên  đây là môn học chính thức trong chương trình của các cấp học  và trình độ đào tạo vì vậy UB thường vụ QH đề nghị nên giao cho Bộ Giáo dục- Đào tạo nghiên cứu, cải tiến vấn đề này và báo cáo Chính phủ để Chính phủ quyết định.

- Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở: có 2 ý kiến. Ý kiến 1 đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở. Ý kiến 2 cho rằng duy trì kỳ thi tốt nghiệp để đảm bảo chất lượng giáo dục.

- Chương trình và sách giáo khoa phổ thông, có 2 loại ý kiến. Đa số ý kiến nhất trí chương trình gồm nhiều bộ sách giáo khoa song đề nghị nghiên cứu, quy định chặt chẽ việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa sử dụng thống nhất, ổn định trong địa phương. Có ý kiến khác chỉ đề nghị chương trình chỉ có 1 bộ sách giáo khoa.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 3

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng phát biểu ý kiến

Trong phần thảo luận, các đại biểu tập trung đề cập đến vấn đề tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp và cho rằng, hiện nay hệ thống giáo dục của ta có quá nhiều kỳ thi tốt nghiệp nên gây nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh, tạo nên nhiều tiêu cực trong học tập, giảng dạy; ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Do vậy đề nghị nên  bỏ bớt kỳ thi tiểu học và THCS.

Về tên gọi của các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, đề nghị nên giữ nguyên tên gọi như hiện nay, vì sự thay đổi tên gọi không làm thay đổi bản chất của việc đào tạo.
 

 6 kiến nghị cải cách giáo dục

Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (KHKT) Việt Nam đã trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ... bản kiến nghị 6 giải pháp cải cách giáo dục. 6 giải pháp mà Liên hiệp kiến nghị gồm:

1/ Cân nhắc kỹ việc thông qua trong Luật Giáo dục (GD) sửa đổi.

2/ Điều chỉnh lại chiến lược giáo dục đào tạo 20 năm đã ban hành.

3/ Cải cách ngay cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (GDQD) theo hướng gắn kết GD phổ thông và GD chuyên nghiệp.

4/ Thành lập Ủy ban GD - ĐT quốc gia là cơ quan giúp Chính phủ điều phối toàn bộ công cuộc cải cách toàn diện.

5/ Nhà nước cần khẳng định rõ ràng chủ trương vận dụng những mặt mạnh của cơ chế thị trường vào phát triển giáo dục.

6/ Cải cách cơ chế quản lý giáo dục.

Đề cập đến quyền và nghĩa vụ của việc học tập, Điều 10 của Luật Giáo dục qui định rõ không phân biệt dân tộc, thành phần… Nhưng thực tế học sinh không có hộ khẩu thường trú không được nhập học các trường công lập, phải học các trường dân lập. Đề nghị nghiên cứu, có chính sách giúp các em có cơ hội học tập ở những trường, những địa phương phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình.

Về chương trình giáo dục đại học, nhất là chương trình đào tạo cao học, tiến sĩ, nên để các trường ĐH nghiên cứu bổ sung nghiên cứu các chương trình nội dung giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Các đại biểu cho rằng, ở một số nước, các trường ĐH có bộ phận nghiên cứu tìm hiểu các luận án, các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng kiến để rút ra những kiến thức mới, bổ sung cho chương trình giảng dạy. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín của  nhà trường.

Trong ý kiến phát biểu của mình, đại biểu Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) cho rằng, hệ thống giáo dục của ta hiện nay có nhiều kỳ thi tốt nghiệp, đề nghị nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, trung học PTCS. Khi học hết chương trình, các trường được cấp bằng tốt nghiệp THCS cho học sinh.

Tại Điều 48, về mô hình các trường, hiện có 3 lọai trường: ĐH công lập, ĐH bán công và dân lập, theo đại biểu Đặng Thị Phượng, nên duy trì trường bán công để tạo điều kiện cho các em học sinh không vào được các trường công lập vào học. Đây cũng là hình thức xã hội hóa, huy động nguồn đầu tư từ nhân dân trong việc phát triển dạy và học bậc đại học.

Về vấn đề phí và học phí, hiện nay các trường thu nhiều loại phí, gây ảnh hưởng không tốt trong nhân dân, theo Điều 105 Luật giáo dục sửa đổi, đề nghị chỉ nên thu học phí, còn các nguồn phí khác nên bỏ.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 4

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Nguyễn Nghiễm phát biểu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Nghiễm (tỉnh Bình Phước) bức xúc, trong 7 vấn đề đang được tập trung thảo luận, theo tôi, có 3 vấn đề đang cần tiếp tục thảo luận thêm, đó là hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục thường xuyên và các kỳ thi tốt nghiệp THCS.

Về hệ thống giáo dục quốc dân, nên giữ nguyên tên gọi của các cấp học. Còn giáo dục thường xuyên, cả về thực tiễn và lý luận đều chứng minh rằng giáo dục thường xuyên là rất quan trọng, vì nhiều người còn có nhu cầu, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là nguồn đào tạo nhân lực cho các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đối với các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS, nhà nước chủ trương đến năm 2010 phải phổ cập trung học cơ sở trong cả nước, nên vấn đề quan trọng là xây dựng ý thức học tập trong học sinh, học để có kiến thức, để sau này ra đời làm việc. Còn việc thi tốt nghiệp THCS nên bỏ vì không cần thiết.

Về vấn đề sách giáo khoa, nên khuyến khích các nhà giáo viết càng nhiều càng tốt, trên cơ sở đó lựa chọn những sách có chất lượng đã được Bộ GD-ĐT duyệt, đưa vào chương trình.

Đối với các lọai hình trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, hiện có 4 loại : công lập, tư thục, dân lập và bán công, nên công nhận 3 lọai trường, bỏ bán công vì thực chất duy trì hình thức dân lập là khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Đề nghị có những chính sách khuyến khích phát triển hình thức dân lập, nghiên cứu miễn các loại thuế cho loại hình này.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 5

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tây Phạm Thị Hồng Nga phát biểu ý kiến

Đại biểu Phạm Thị Hồng Nga (Hà Tây) nhất trí với ý kiến của UBTV QH về các vấn đề trong Bộ Luật giáo dục (sửa đổi). Tuy nhiên, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, bỏ trường bán công vì trên thực tế, dân lập và bán công không khác nhau.

Về sách giáo khoa, hiệu trưởng các trường có thể tự chọn sách giáo khoa đưa vào chương trình học của trường, nhưng phải có ý kiến thẩm định của tập thể giáo viên.

Đại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) cho biết, về vấn đề đầu tư cho giáo dục, Luật qui định nhà nước phải ưu tiên ngân sách cho giáo dục, ưu tiên về tiền, đất đai xây dựng trường học, nhưng thực tế hiện nay là chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy đề nghị Bộ KH –ĐT, Bộ Tài chính quan tâm dành ngân sách thích hợp cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục Mầm non.

Theo đại biểu Mã Điền Cư ( Bình Thuận), về vấn đề học ngọai ngữ, hiện nay đa số các trường tổ chức cho học sinh học tiếng Anh, để khuyến khích, nên tổ chức học thêm ngọai ngữ thứ hai cho học sinh có điều kiện lựa chọn.

Về vấn đề cấp bằng, nên để hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp nhằm nâng cao trách nhiệm và uy tín của trường.
 
Đối với chính sách giáo dục cho các huyện miền núi và hải đảo, các trường này nên có chính sách miễn học phí ở cấp phổ thông trung học nhằm giải quyết khó khăn cho đối tượng này.

Đại biểu Phạm Phương Thảo (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị QH nên xem xét, thông qua Luật Giáo dục sửa đổi ngay tại kỳ họp này.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, đại biểu Phạm Phương Thảo cho rằng: nói về bồi dưỡng nhân tài trong 3 điều (9 - 10 - 62) như dự Luật còn quá chung chung, trong khi một nhân tài có khi bằng hàng triệu người. "Luật cần nêu rõ có chính sách, kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, không chỉ có trường chuyên năng khiếu, có khi phải đưa các em đi học tập nước ngoài ở những ngành cần thiết. Chúng ta cần đầu tư chiều sâu để có được những nhà khoa học đầu đàn trong bối cảnh "săn chất xám" đang ngày một quyết liệt như hiện nay".

Trong buổi thảo luận chiều nay, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) cũng tán thành với ý kiến của một số đại biểu góp ý trong buổi sáng về việc nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS. Bà Mai Hoa cũng băn khoăn về chương trình và sách giáo khoa đang sử dụng hiện nay.

Theo bà, chương trình, sách giáo khoa mới đang triển khai thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Liệu vài ba năm nữa, sách giáo khoa lại có thay đổi nữa hay không? Mặt khác, cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cấp quốc gia rồi đây sẽ như thế nào để theo kịp tình hình phát triển chung của nền giáo dục đất nước và các nước trong khu vực, thế giới...

Đại biểu Nguyễn Văn Khoát (Thanh Hóa) phàn nàn về tình trạng liên kết đào tạo trong giáo dục thường xuyên ở một số địa phương hiện nay và cho rằng, nhiều địa phương coi liên kết, liên thông với các trường ĐH, CĐ là mốt, không phản ánh đúng đắn kết quả đào tạo về chất lượng. Đội ngũ cán bộ không đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, Luật cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về vấn đề này.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 6
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu Nguyễn Thị Hồng Xinh phát biểu ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị Luật Giáo dục sửa đổi nên quy đinh thế nào đó để tạo điều kiện cho tất cả công dân được bình đẳng trong học tập đúng nghĩa theo quy định về "Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân". "Trong thực tế, đã có sự phân biệt nếu không có hộ khẩu thường trú không được học quốc lập. Trong khi con cái phải theo bố mẹ. Phải nghiên cứu điều này để các em không học nơi này thì học nơi khác trong đất nước" - bà Xinh dẫn chứng.

Chưa yên tâm về chương trình giáo dục phổ thông của ta hiện nay: quá nặng so với các nước, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) băn khoăn: "HS các cấp học này không có thời gian nghỉ ngơi, nội dung chương trình học tuy nặng nhưng hiệu quả lại không cao".

Điều 53 của Dự luật quy định về Hội đồng trường nhưng theo đại biểu Kim Anh, dự Luật nói giao trách nhiệm cho Hội đồng trường lớn nhưng lại chưa quy định rõ ràng một số nội dung thiết yếu, ví như Hiệu trưởng có là thành viên HĐ trường không? "Nếu không có quy định cụ thể, đầy đủ, Luật Giáo dục khi đi vào cuộc sống sẽ rất khó áp dụng".

Lý lẽ mà đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) đưa ra để thuyết phục cho đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS là việc bỏ thi tốt nghiệp sẽ khuyến khích HS có thái độ, ý thức học tập nghiêm túc trong suốt 4 năm học.

Đại biểu Niêng Kim Chang (An Giang) tha thiết đề nghị những quy định trong luật về giáo dục cần thật cụ thể, tránh tình trạng ban hành những văn bản triển khai dưới luật rất chậm được thực hiện. Ví dụ vấn đề bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học cũng nên đưa vào luật.

Đại biểu này phân tích thêm: tổ chức nhiều kỳ thi chỉ làm phát sinh thên việc học thêm, dạy thêm tràn lan. Bên cạnh đó, kinh phí để tổ chức các kỳ thi rất tốn kém.

Bà Niêng Kim Trang nên con số: hàng năm, một tỉnh, thành chi khoảng 1,5 tỷ đồng cho việc tổ chức các kỳ thi, như vậy 64 tỉnh thành trong cả nước sẽ chi xấp xỉ 100 tỷ đồng cho việc này. Quá tốn kém trong khi số tiền trên có thể chi cho những việc thiết thực hơn cho giáo dục.

Sửa và đổi như thế nào? ảnh 7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Huỳnh Thị Dã Thanh phát biểu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Phương Thảo (Hải Phòng) đề nghị, Luật Giáo dục sửa đổi nên quy định thế nào đó để tạo điều kiện cho tất cả công dân được bình đẳng trong học tập đúng nghĩa theo quy định về "Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân". Bởi trong thực tế, đã có sự phân biệt nếu không có hộ khẩu thường trú không được học quốc lập. Trong khi con cái phải theo bố mẹ. Phải nghiên cứu điều này để các em không học nơi này thì học nơi khác trong đất nước.

Về việc nên giữ nguyên tên gọi các cấp học phổ thông như hiện nay, ĐB Đỗ Phương Thảo cũng đồng ý với phương án này, vì theo bà Thảo, việc thay đổi tên gọi sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi khác, gây lãng phí, tốn kém không cần thiết.

Bà Thảo còn cho rằng, không cần giữ kỳ thi tốt nghiệp THCS như hiện nay vì "Chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp mà phụ thuộc rất nhiều vào quá trình học, trình độ giáo viên cũng như chương trình học. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng cho được ý thức học tập cũng như nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên".

Về vấn đề SGK, bà Đỗ Phương Thảo tán thành phương án nên sử dụng nhiều SGK cùng một chương trình. Tất nhiên, SGK phải được soạn thảo dựa trên chuẩn mực nội dung cụ thể và phải được Bộ trưởng đích thân duyệt.

Nhìn chung, trong tổng số 36 ý kiến phát biểu thảo luận ngày hôm nay, phần lớn đề cập đến việc cần cân nhắc kỹ nên hay chưa nên thông qua Dự thảo Luật Giáo dục trong kỳ họp này. Các đại biểu cho rằng, trong một Bộ luật mà Bộ trưởng có quyền quyết định, xem xét ý kiến đến 38 điều là hơi chủ quan.

Đúng 16 giờ 50 phút, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu phát biểu kết thúc một ngày làm việc thật căng thẳng nhưng không kém phần sôi động tại nghị trường. Phó Chủ tịch cho rằng, các ý kiến đại biểu thảo luận trong ngày hôm nay phần lớn tập trung nhiều ý hay, sắc sảo, ngắn gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu thật kỹ từng phương án các đại biểu đưa ra để chọn một phương án tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua Luật giáo dục sửa đổi.

Khi lấy biểu quyết toàn thể Quốc hội về việc có nên dành thời gian thảo luận thêm nữa hay không, 60% đại biểu đã biểu quyết kết thúc phần thảo luận tại đây.

 Dự thảo Luật GD sửa đổi bao gồm 9 chương, 116 điều

So với Luật hiện hành bỏ bớt 4 điều, bổ sung 10 điều mới, sửa đổi 83 điều cả về nội dung và kỹ thuật.

10 điều mới gồm: Điều 5, chương trình giáo dục; điều 50, hội đồng trường/hội đồng quản trị nhà trường; điều 62, nhiệm vụ, quyền hạn của trường ngoài công lập; điều 63, chế độ tài chính của trường ngoài công lập; điều 64, tài sản của trường ngoài công lập; điều 65, chính sách ưu đãi đối với trường ngoài công lập; điều 70, hành vi nhà giáo không được làm; điều 81, quyền, chính sách với trẻ ở cơ sở giáo dục mầm non; điều 85, hành vi bị cấm đối với người học; điều 93, ban đại diện phụ huynh học sinh.

L. QUANG- K.PHAN- V. QUANG- H. NAM

Thông tin tham khảo:

Kiến nghị tạm hoãn thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) – Vì sao?

* Nhấn Ctrl + F5 để liên tục cập nhật thông tin

Tin cùng chuyên mục