Sức ép cạnh tranh

Sau thời gian dài ảm đạm của những tháng đầu năm, bước sang quý 2 và tháng đầu quý 3-2009, thị trường thép trong nước đã có dấu hiệu phục hồi. Điều này cho thấy tác động từ các gói kích cầu của Chính phủ đang phát huy tác dụng tích cực. Thể hiện rõ nét là hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp... “hồi sinh” đã và đang làm tăng nhu cầu thép xây dựng, góp phần kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước. Tuy nhiên, song song với nguồn cung vừa nhích lên, việc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép đồng loạt đẩy giá lên cao đã tạo cơ hội cho thép ngoại chiếm lĩnh thị phần, tự gây khó cho bản thân.

Chỉ tính riêng trong tháng 6 và tháng 7, một số doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam đã có tới ba lần tăng giá thép cuộn với mức tăng tổng cộng 400.000 đồng/tấn, hai lần điều chỉnh giá thép cây với mức tăng 200.000 đồng/tấn. Để “hợp thức hóa” cho việc tăng giá bán, các doanh nghiệp sản xuất và đại lý viện dẫn nguyên nhân do chưa bù đắp được chi phí sản xuất, biến động tỷ giá, giá xăng tăng làm tăng chi phí vận chuyển… Thực ra, chưa thể đánh giá mức tăng như vậy sẽ giúp các doanh nghiệp khấm khá lên được bao lâu, nhưng có điều chắc chắn, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp trong nước mất thị phần trước các “đồng nghiệp”ở khu vực láng giềng đang hưởng thuế nhập khẩu 0%.

Trên thực tế, với mức giá bán thép hiện nay tại các nhà máy, thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang rẻ hơn thép cuộn cùng loại trong nước 500.000 - 700.000 đồng/tấn. Với lợi thế này, bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 tấn thép ngoại nhập khẩu vào nội địa, từ đó càng gây sức ép lên thị trường.

Trở lại với thị trường thép trong nước, điệp khúc mỗi lần thép ngoại tràn vào, các doanh nghiệp cán thép trong nước lại đề nghị nâng thuế nhập khẩu thép lên mức tối đa theo cam kết WTO và khu vực ASEAN. Lần này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, giải pháp nâng thuế nhập khẩu được xem xét thận trọng mối tương quan bảo đảm lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất phôi thép và doanh nghiệp cán thép. Giữa doanh nghiệp thép và các doanh nghiệp xây dựng, cơ khí, cũng như giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng.

Vậy, “cứu” ngành thép bằng cách nào? Giải pháp cấp bách nhất hiện nay là chính các doanh nghiệp phải tự giải cứu cho bản thân bằng nội lực có thể. Trước hết, doanh nghiệp thép phải tính ngay đến các biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất để giảm lỗ, hạ giá thép ở mức cạnh tranh hơn. Song song đó, phải rà soát loại bỏ các máy móc lạc hậu, đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến để tiến lên chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa trong sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ các lô hàng về xuất xứ hàng hóa thép khi nhập khẩu, phải đạt mức nội địa hóa 40% trở lên; đủ công nghệ hai bước (luyện phôi, cán thép) mới được hưởng thuế ưu đãi. Tăng cường kiểm soát, chỉ cho nhập khẩu số lượng thép cuộn theo hạn ngạch nhất định và vẫn có thể áp mức thuế cao hơn khi sản xuất thép trong nước bị đe dọa. Đây là biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm một số doanh nghiệp thương mại nhập khẩu thép ồ ạt về bán, đẩy các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vào tình thế ngày càng khó khăn.

Các giải pháp trên phải phối hợp nhịp nhàng, áp dụng đồng bộ, quyết liệt thì ngành thép mới mong thoát cảnh “thua trên sân nhà” bởi sức ép cạnh tranh trước thép ngoại, đồng thời có thể phát triển bền vững. 

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục