Sử dụng nguồn vốn ODA

Sức ép chính không phải là nợ nước ngoài

Sức ép chính không phải là nợ nước ngoài

Sức ép chính không phải là nợ nước ngoài ảnh 1

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc trả lời báo chí. Ảnh: MINH ĐIỀN

Kết thúc hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN (CG), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc và Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Klaus Rohland đã chủ trì cuộc họp báo xung quanh kết quả của hội nghị, các vấn đề nâng cao hiệu quả nguồn vốn ODA  và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ODA cam kết.

° Phóng viên: Nguồn vốn ODA mà các nhà tài trợ đã cam kết cho Việt Nam sẽ được tập trung ưu tiên vào những lĩnh vực nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng VÕ HỒNG PHÚC: Chúng tôi có kế hoạch thực hiện nguồn vốn ODA theo 2 hướng lớn với phần cứng và phần mềm. Phần cứng là tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đường giao thông, cầu cảng, nhà xưởng…; phần mềm là xây dựng nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, y tế…

Việc phân bổ ODA cũng sẽ tiến hành theo 2 cách: đối với nguồn vốn cho vay thì triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ cho lợi ích phát triển và tạo ra lợi nhuận từ nguồn vốn vay; đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại thì tập trung việc giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế cho nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, xa.

° Việc cộng đồng quốc tế cho chúng ta vay nhiều có thể sẽ là gánh nặng cho thế hệ mai sau. Bộ KH-ĐT có tham mưu gì cho Chính phủ để thế hệ sau không phải trả nợ cho thế hệ trước?

Sức ép lớn là việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA chứ không phải là nợ nần. Chỉ số nợ của Việt Nam vẫn ở trong phạm vi cho phép. Thậm chí, một phần nguồn vốn ODA chúng tôi cũng có thể cho các nhà đầu tư vay lại với lãi suất cao hơn và thời hạn ngắn hơn để tạo kinh phí trả nợ cho cộng đồng quốc tế.

° Liệu việc giải ngân chậm nguồn ODA cam kết có cản trở cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội không, thưa ông?

Việc giải ngân ODA chậm không làm cản trở quá trình phát triển mà chỉ làm chậm hiệu quả nguồn vốn ODA.

° Năm 2005, Trung Quốc cam kết tài trợ cho Việt Nam 200 triệu USD. Lý do vì sao, năm 2006, Trung Quốc không có cam kết tài trợ cho Việt Nam?

Việc một nước năm trước có cam kết mà năm sau không cam kết tài trợ cho Việt Nam, hoặc năm trước không cam kết mà năm sau cam kết là hết sức bình thường, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi đối tác và điều kiện của Việt Nam. Phía Trung Quốc cho biết, thời gian tới, tập trung vào việc giải ngân các cam kết trước đối với Việt Nam nên không đưa ra cam kết mới trong hội nghị lần này.

° Phóng viên: Năm 2006, cam kết của cộng đồng quốc tế là trên 4,4 tỷ USD, thưa ông Klaus Rohland, ông dự đoán có khoảng bao nhiêu vốn ODA được giải ngân trong năm 2007?

Ông K. ROHLAND: Mục tiêu chủ yếu của các cam kết ODA trong năm nay là khởi động và làm mới các dự án. Dự án thực hiện nhanh thì tốc độ giải ngân nhanh. ODA cam kết trong năm nay không phụ thuộc vào thời hạn giải ngân mà quan trọng là hiệu quả nguồn vốn và người dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ODA. Năm 2006, đã giải ngân được 1,8 tỷ USD, năm 2007 hoàn toàn có thể cao hơn và đạt khoảng trên 2 tỷ USD.

° Trước hội nghị CG, còn có nhiều nghi ngại về vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt là vụ PMU 18, nhưng nguồn vốn cam kết tăng, vậy đâu là lý do chính khiến các nhà tài trợ tiếp tục tăng nguồn vốn cho Việt Nam?

Đúng là các nhà tài trợ rất quan tâm và e ngại đến vấn đề tham nhũng ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là những cam kết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khiến cho lòng tin của các nhà tài trợ tăng lên. Không chỉ vậy, những kế hoạch hành động phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010 phù hợp với mong muốn của cộng đồng quốc tế và cộng đồng quốc tế ủng hộ kế hoạch này. Việc tăng 700 triệu USD nhưng năm qua, trị giá đồng USD có sụt giảm, nên so sánh với giá trị thực thì mức tăng là khoảng 200 triệu USD.

° Theo ông dự báo, nguồn vốn ODA có bao nhiêu phần trăm là viện trợ không hoàn lại, bao nhiêu phần trăm là vốn vay ưu đãi?

Có khoảng 60%-70% là vốn vay ưu đãi, còn lại là viện trợ không hoàn lại.

° ODA tập trung nhiều vào lĩnh vực giao thông, nhưng tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam vẫn tăng có phải là hiệu quả nguồn vốn ODA không được như mong muốn?

Nguyên nhân quan trọng là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người Việt Nam còn chưa cao. Việc đầu tư ODA vào lĩnh vực giao thông là đúng đắn và đem lại hiệu quả rõ ràng.

° Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có nói, nợ nước ngoài của Việt Nam trong giới hạn cho phép, thưa ông Klaus Rohland, ông có bình luận gì về vấn đề nợ nước ngoài của Việt Nam?

Chuyên gia kinh tế trưởng WB – ông M. RAMA (trả lời thay ông Klaus Rohland): Hiện nay, tổng nợ nước ngoài của Việt Nam khoảng 40% GDP; tuy nhiên, nếu tính về ODA là vốn vay ưu đãi thì chỉ bằng khoảng 30% GDP so với vay lãi suất thị trường. Trong vòng 5-10 năm tới, nợ nước ngoài của Việt Nam bằng khoảng 50% GDP, tương đương với 40% GDP so với vay lãi suất thị trường. Ngưỡng nợ nước ngoài an toàn cho phép của Việt Nam là bằng 60% GDP.

THÀNH NAM (ghi)

Thông tin liên quan

- Cam kết tăng nguồn vốn ODA

- Để quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA

- Chống tham nhũng và sử dụng hiệu quả ODA là quan tâm hàng đầu của Việt Nam

- Triển vọng thu hút vốn ODA rất khả quan

- Tôi đã kiến nghị từ 7 năm trước về việc quản lý vốn ODA

- Lãng phí hàng trăm triệu USD

Tin cùng chuyên mục