Sức hút từ không gian nghệ thuật đương đại

Tại TPHCM, các không gian dành cho nghệ thuật ngày càng mở rộng và phát triển đi vào chiều sâu, đa dạng loại hình, từ biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm, chiếu phim, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, đến triển lãm, giáo dục nghệ thuật… Bản thân mỗi không gian dù mang đặc thù riêng và hướng đến từng đối tượng khác nhau, nhưng các hoạt động được thiết kế phong phú và liên tục đổi mới.   
Một không gian triển lãm sách và thư pháp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một không gian triển lãm sách và thư pháp. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Từ đại chúng đến hàn lâm

Với hai không gian: Tiệm sách san sẻ và rạp hát Những bông hoa nhỏ xíu, Nhà của thời thơ ấu (280/10 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 10, quận 3) gần 3 năm nay trở thành nơi lui tới của nhiều người, nhất là giới trẻ. Nơi đây được xây dựng trở thành không gian văn hóa Nam bộ với các hoạt động, khóa học trải nghiệm về văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc... Nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng, tối 26-3, Nhà của thời thơ ấu tổ chức chương trình Chuyện kể từ trang sách bằng hình thức sân khấu hóa tác phẩm Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngày 27-3, nơi đây diễn ra chương trình của nhóm cộng đồng PFLAG, nơi tập hợp các phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT… 

Gần đây, xuất hiện thêm nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), không chỉ cung cấp những đầu sách hấp dẫn mà còn trình làng các hoạt động như triển lãm, workshop... Sau các buổi triển lãm và trình diễn thời trang, tối 26-3, nơi đây diễn ra khai mạc triển lãm sách và thư pháp Hương thơm quê mẹ, kéo dài đến hết ngày 5-4. Triển lãm mang thông điệp hướng về đất mẹ - quê hương Việt Nam và xa hơn là tâm tình với địa cầu tươi xanh đã dưỡng nuôi và chở che con người. 

Bên cạnh những không gian mang tính đại chúng, TPHCM hiện có nhiều không gian dành cho nghệ thuật hàn lâm hoặc nghệ thuật đương đại. Có thể kể đến The Factory Contemporary Arts Centre (15 đường Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, quận 2), Địa Projects (tầng trệt, Saigon Domaine, 1057 đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh), Cà phê thứ bảy Trẻ (264 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3) - salon văn hóa học thuật cho người trẻ với chuỗi tọa đàm, chiếu phim, trình diễn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn học, nghệ thuật, đến triết học… Xinê House (phòng 1404 lô D, chung cư Phạm Viết Chánh, số 79 đường Phạm Viết Chánh, phường 19, quận Bình Thạnh) được xem là ngôi nhà cho những nhà làm phim trẻ. Toong Coworking Space (126 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) không chỉ là không gian làm việc chung mà còn là điểm hẹn thường xuyên của các workshop, hội thảo và triển lãm thu hút đông đảo bạn trẻ sáng tạo.  

Sức hút từ không gian nghệ thuật đương đại ảnh 1  Triển lãm Mộng bình thường của nhà thiết kế Thủy Nguyễn gây tiếng vang tại The Factory. Ảnh: VĂN TUẤN 
Với nhu cầu rất lớn từ cộng đồng, việc có thêm các không gian nghệ thuật mới là điều tất yếu. Đại diện The Factory cho rằng, do mặt bằng chung về cơ sở hạ tầng dành cho nghệ thuật ở Việt Nam còn nhiều hạn chế nên bất kỳ một sáng kiến nào dành cho nghệ thuật cũng là một đóng góp đáng kể. Việc có thêm các không gian nghệ thuật mới, đặc biệt tập trung vào giáo dục nghệ thuật và bồi dưỡng, tạo cơ hội cho nghệ sĩ trẻ, là một sứ mệnh quan trọng mà nếu có nhiều hơn những tổ chức khác cùng chung tay sẽ tạo được những ảnh hưởng sâu sắc và hiệu quả lâu dài hơn. 

Kết nối và trải nghiệm 

Không chỉ làm nhiệm vụ là không gian dành cho sáng tạo, nơi nghệ thuật - nghệ sĩ được tôn vinh đúng nghĩa; đặc điểm chung của hầu hết các không gian này là tính trải nghiệm, tương tác và sự kết nối - thấu hiểu luôn được đặt lên hàng đầu. Lợi thế của các không gian nghệ thuật mới này là có một lượng đông đảo khán giả trẻ, sự cởi mở trong tiếp nhận và quan tâm ngày càng lớn. 

Sau khi đến Nhà của thời thơ ấu, Việt Trinh (25 tuổi) để lại những dòng tâm sự trong sổ lưu niệm: “Lần đầu tiên ghé Nhà đã thấy cảm giác thân thuộc rồi. Mỗi góc nhỏ trong Nhà đều gợi lại trong mình những ký ức thật dễ thương. Không gian mơ ước của mình cũng y như Nhà vậy. Tiếc là mình ở hơi xa, nếu không, chắc mình ghé mỗi ngày quá!”. Cảm nhận của bạn Việt Trinh cũng chính là mong muốn của những người sáng lập Nhà của thời thơ ấu. Chị Quỳnh Hương, một trong những người sáng lập Nhà của thời thơ ấu, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn tạo ra không gian văn hóa mang những nét nổi bật của Nam bộ. Từ câu chuyện văn hóa đó, chúng tôi muốn biến những câu chuyện văn hóa trở nên gần gũi với đời sống. Chúng tôi tạo ra rạp hát Những bông hoa nhỏ xíu, một không gian về văn hóa mang tính chất gần gũi, thân thiện mà ở đó ai cũng có thể được tham gia và trải nghiệm”. 

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Xinê House đã thực hiện tổng cộng 41 khóa học từ căn bản đến chuyên sâu, 66 talk show về các khía cạnh của công việc làm phim, bao gồm đủ các thể loại: phim ngắn, phim truyện, phim tài liệu… Còn với The Factory, sau 5 năm hoạt động, đã tổ chức nhiều chương trình triển lãm, workshop giáo dục, biểu diễn nghệ thuật, tọa đàm và trình chiếu phim… Đây là điểm đến năng động cho nghệ thuật, với không gian sử dụng đa chức năng, kèm đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm giám tuyển tầm cỡ quốc tế. 

Tuy vậy, các không gian nghệ thuật này hiện đang phải đối diện không ít khó khăn. Theo chị Phương Anh, đại diện Xinê House, khó khăn lớn nhất nằm ở kinh phí. Các hoạt động hầu như hướng tới mục tiêu phi lợi nhuận trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng cho những giá trị mình mang tới cho cộng đồng. Theo đại diện The Factory, khó khăn nằm ở việc giới thiệu và mở rộng khái niệm nghệ thuật đương đại cho công chúng, bởi nó vẫn là thứ gì đó mới mẻ. “Tuy vậy, chúng tôi luôn nhìn khó khăn này như một thử thách thú vị để nghĩ ra nhiều cách thức tương tác, thu hút công chúng hơn đến với nghệ thuật đương đại”, vị này cho biết. 

Để các không gian nghệ thuật hoạt động hiệu quả và phát huy tối đa vai trò của mình, nói như đại diện Xinê House, cần kết nối mạng lưới nhân sự và cung cấp cơ hội nghề nghiệp thực tế trong ngành điện ảnh. Theo biên kịch Khánh Hoàng: “Những không gian chia sẻ cần là nơi cập nhật những xu hướng hiện tại, bóc tách tất cả những gì đang xảy ra đối với điện ảnh Việt Nam. Chúng ta cần học hỏi từ những bộ phim hay, thành công, cũng như phân tích điểm yếu, điểm chưa tốt từ những bộ phim không thành công. Học từ cái hay và cái chưa hay của những người đi trước đều cần thiết để xây dựng một nền điện ảnh chuyên nghiệp hơn”.

Tin cùng chuyên mục