Bất ngờ năm nay

Sức mua nhiều chợ giảm, siêu thị tăng

Sức mua nhiều chợ giảm, siêu thị tăng

Thông thường, bước vào đầu quý 4, sức mua tại các chợ sẽ tăng đều và khá mạnh ở nhiều ngành hàng. Thế nhưng, năm nay sự bất thường đã và đang xảy ra khiến nhiều tiểu thương phải mất ăn, mất ngủ.

  • Sức mua giảm ở nhiều ngành hàng
Sức mua nhiều chợ giảm, siêu thị tăng ảnh 1

Cảnh vắng người mua hàng tại một chợ.
 

Chúng tôi có mặt tại chợ Bình Tây vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 5-11, tại nhiều gian hàng vẫn rất vắng khách. Chị N.N.Lan, tiểu thương kinh doanh ở ngành hàng quần áo cho biết: “Những năm gần đây, mặc dù sức mua tại các chợ liên tục rơi vào tình trạng giảm dần đều, nhưng vào quý cuối còn vớt vát được.

Khách hàng từ các tỉnh và mối lái tại các chợ bán lẻ đổ về đóng hàng khá đông. Nhưng năm nay, đã bước vào giữa tháng 11, những ngày lễ tết cũng đang tới rất gần nhưng khách hàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy toàn người bán với nhau. Cứ kiểu này riết chúng tôi đến phải đóng cửa gian hàng để né thuế!”.

Theo tính toán của một tiểu thương ngành hàng vải, mỗi ngày một hộ phải chi cho việc ngồi chợ không dưới 150.000 đồng, trong khi buôn bán thì ngày càng ế ẩm.

Tương tự, tại chợ An Đông, một trong những chợ đầu mối từ trước đến nay vẫn duy trì được sức mua khá tốt. Nhưng đến thời điểm này, nhiều hộ kinh doanh cho biết doanh số bán ra của họ đã giảm tới 25%-30% so với cùng kỳ. Mặt hàng chạp phô ở chợ này vốn nổi tiếng là ngon, hàng “nước một” nhưng lượng khách du lịch, khách vãng lai đến mua hàng rất ít. Dạo qua các ngành hàng khác như quần áo, giày dép, mỹ nghệ… cũng đang rơi vào tình trạng người bán đông hơn người mua. Không riêng các chợ đầu mối, hiện tượng vắng khách cũng đang diễn ra tại nhiều chợ bán lẻ, chợ “mặt tiền” của TP.

Trái ngược với chợ, tại các siêu thị, sức mua từ đầu năm đến nay tăng liên tục. Theo thống kê của các siêu thị trong hệ thống Co.opMart, Maximart, siêu thị Hà Nội,…. sức mua tăng khoảng 25%-30% so với cùng kỳ. Riêng tại siêu thị trong hệ thống Co.opMart, trong tháng bán hàng khuyến mãi vào tháng 9 vừa qua, sức mua đã tăng tới 50% so với những tháng trước đó. Vào những ngày cuối tuần thì sức mua đã bị quá tải ở hầu hết các siêu thị.

  • Sức mua ở chợ giảm, vì sao?

Có ý kiến cho rằng sở dĩ sức mua tại các chợ giảm là do giá bán nhiều mặt hàng năm nay tăng mạnh, khiến người tiêu dùng phải cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định mua hàng. Riêng tại các tỉnh, bão, lũ liên tiếp xảy ra và kéo dài trong nhiều ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến sức mua toàn xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các loại hình kinh doanh khác hấp dẫn hơn cũng đã làm thay đổi dần nhu cầu, cũng như thói quen mua sắm của người dân TP. Giờ đây, nhiều DN không còn dựa vào mạng lưới phân phối khác mà tự họ đã chủ động chuyển hàng xuống tận đại lý ở các tỉnh theo dạng ký gửi, hoặc bán theo đơn đặt hàng. Điều này đã khiến bạn hàng của tiểu thương ở các chợ đầu mối bị chia nhỏ… Tuy vậy, những lý giải này cũng mới chỉ đúng một phần.

Theo chị N.B.Thu (Q. Bình Thạnh), đã từng là khách hàng “ruột” chợ An Đông, các chợ truyền thống nếu muốn duy trì và tăng sức mua thì từ cán bộ trong ban quản lý đến từng tiểu thương phải thay đổi một cách toàn diện về nếp nghĩ đến cung cách bán hàng, trưng bày hàng hóa. Một điều quan trọng không kém là người bán phải chứng minh cho được nguồn hàng để tạo niềm tin cho khách. Đặc biệt là ở các mặt hàng nhạy cảm như hóa mỹ phẩm, vải, quần áo hàng hiệu….

Chị Thu nói: “Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải về tiểu thương tại một số chợ kinh doanh hàng trôi nổi. Nghĩ lại thấy rất sợ, vì từ trước đến nay tôi thường mua mỹ phẩm tại các chợ về dùng, biết đâu trong số những sản phẩm tôi đã mua là hàng giả. Hậu quả thật khôn lường!”.

Tệ hơn, mới đây ngày 2-11, chính mắt PV báo SGGP đã chứng kiến cảnh tiểu thương ở chợ “mặt tiền” của TP (chợ B.T) đã rượt đuổi, đánh một khách hàng nữ chỉ vì mua một bộ quần áo nhưng không vừa ý, đưa ra đổi hơi sớm (lúc 11 giờ trưa), làm ảnh hưởng đến sự hên xui của người bán. Ngay lúc đó, PV đã gọi điện thoại cho trưởng ban quản lý chợ nhưng rất tiếc ông này đã không nhấc máy. Chưa hết, trong những lần đi thực tế tại các chợ như Bà Chiểu, Bình Tây,… thỉnh thoảng PV báo SGGP vẫn còn thấy cảnh rượt đuổi hoặc có những hành động bất lịch sự như chửi thề, đốt phong long ngay trước mặt khách hàng nếu họ không mua hàng hoặc trả chưa tới giá bán…

Trên đây chỉ là một trong những hình ảnh rất đáng tiếc, “một con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng không hiểu ban quản lý các chợ này có hay biết? Như chị Thu đã nói, nếu chúng ta không thay đổi một cách nhìn toàn diện trong cung cách bán hàng, thì e là khu vực các chợ truyền thống sẽ khó có thể cạnh tranh được với các loại hình kinh doanh khác. 

HẢI HÀ - THIÊN HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục