Sức trẻ chinh phục đại ngàn

Cái tên “cổng trời” An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) đủ gợi lên sự cao xa, hiểm trở của một vùng núi non. Mấy năm trở lại đây, đại ngàn già cỗi này xuất hiện một nhóm bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành, phố thị miền xuôi tìm đến. Với sức trẻ, trí tuệ của mình, nhóm bạn trẻ đã làm thay đổi cả vùng núi hoang sơ, biến những cỏ cây, hoa lá, rẫy nương thành “mỏ vàng” trong ngành nông dược và du lịch.

Chinh phục dốc… trời

Ngồi giữa căn nhà sàn gỗ thông, dược sĩ trẻ Thái Minh Tiến (người sáng lập HTX Nông dược liệu An Toàn) kể lại chặng đường gần 7 năm cả nhóm gắn bó, làm việc tại rừng núi An Toàn. “Ý tưởng khởi nghiệp từ ngành nông dược được chúng em nhen nhóm lúc mới rời Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Lúc đầu, em cùng với 2 bạn Võ Văn Lệnh, Nguyễn Văn Thành Đạt đồng khởi xướng ý tưởng táo bạo này và quyết định rời phố lên rừng”, Tiến tâm sự.

Trước khi đến với rừng núi An Toàn, 3 bạn trẻ đã rong ruổi khảo sát, tìm vùng trồng ở khắp miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, khi đến “cổng trời” An Toàn, cả nhóm bị lôi cuốn bởi cảnh sắc, thổ nhưỡng và tiềm năng dược liệu ở đây. Ngày đầu đến vùng rừng núi An Toàn, nhóm Tiến tìm vào làng Plai Hmia (xã An Toàn) để gặp già làng uy tín Đinh Trai, ngỏ ý thuê mướn đất trồng dược liệu. Nghe có người lạ đến thuê đất, già Đinh Trai gạt phắt vì lo mất đất của các con.

“Nhóm phải ròng rã 2 tháng trời lui tới thuyết phục và phải chấp nhận theo lệ làng, rồi kết nghĩa ông cháu với già Trai thì mới được làng tin tưởng, giúp sức”, Tiến kể.

Nhận được sự bảo trợ của làng và thuê được đất, nhóm dược sĩ trẻ bắt tay vào công việc. Nhưng thời gian sau đó, điều kiện sống ở An Toàn thực sự khiến 3 bạn trẻ này vỡ mộng, bởi thực tế quá khó khăn.

z5a-7561-3276.jpg
Nhiều hoa cỏ bản địa rừng núi An Toàn được nhóm trẻ “giải mã”, phát triển thành các sản phẩm dược liệu

Tiến chia sẻ: “Đường lên An Toàn hiểm trở, biệt lập, phải vượt rừng nhiều giờ đồng hồ. Vật liệu, phân bón và thức ăn ở dưới thị trấn vận chuyển lên đây giá gấp 3-5 lần. Có những tháng mưa tầm tã, cả nhóm gần như mắc kẹt, bế tắc. Còn nữa, ban đầu do cả nhóm thiếu kinh nghiệm canh tác nông nghiệp nên làm gì cũng đổ bể dẫn đến bất đồng, tranh cãi. Mục tiêu đặt ra tiếp đó là tìm thêm cộng sự mới. Sau đó, nhóm níu chân được bạn Vũ Đức Hòa, khi ấy đang học thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh - phát triển bền vững ở Na Uy về nước để cùng cả nhóm thực hiện ý tưởng. Ngoài ra, nhóm cũng mời thêm bạn Tạ Quang Tân (cử nhân ngành Kinh tế) cùng một số bạn chuyên về nông nghiệp, marketing, quản lý đất đai, phát triển thị trường, bào chế dược phẩm… để lập nhóm cùng chinh phục An Toàn”.

“Giải mã” thế mạnh vùng đất

Nhờ sức trẻ, trí tuệ và sự linh hoạt, nhóm trẻ bắt đầu “bén rễ” được ở đại ngàn “cổng trời”. Từ những rẫy nương cằn cỗi, nhóm đã ứng dụng các phương thức canh tác mới, cải tạo lại đất để trồng dược liệu. Sau đó, cả nhóm bắt đầu “giải mã” các thế mạnh ở An Toàn. Mỗi ngày, nhóm cử ra các đoàn để săn tìm các loại cây thuốc bản địa có dược tính tốt để nhân trồng tập trung. Về sau, nhiều dược liệu bản địa được nhóm ứng dụng, bào chế ra nhiều dược phẩm hiệu quả cho sức khỏe, được Bộ Y tế chứng nhận để cung ứng ra thị trường.

Vũ Đức Hòa cho biết, từ những loại dược liệu như môn thục, cẩu tích, ráy các “phù thủy”… nhóm đã phân giải, bào chế thành dược phẩm điều trị xương khớp, còn đương quy, đảng sâm được bào chế thành viên hoạt huyết dưỡng não, hay cây cỏ đuôi chuột tím được phát triển thành sản phẩm trị các bệnh tim mạch. Cỏ ngũ sắc, hoa cúc, hoa tía tô, hoa hồng, vỏ bưởi… được điều chế thành bộ 3 sản phẩm (tắm, gội, ngâm chân) phục vụ khách du lịch lưu trú. Nhóm dược sĩ trẻ còn kế thừa, phát triển nghiên cứu về cây bìm 3 răng chế biến thành kem bôi trị phong dời, zona thần kinh…

Ngoài ra, nhóm tạo ra 5 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho địa phương gồm: mật dứa An Toàn, chè dây thảo mộc, chè tiểu đường, cao kiện vị, cao thắng xạ. Trong khuôn viên khu sản xuất 4ha, nhóm trẻ trồng, bảo tồn được 1.000 cây sâm 7 lá 1 hoa (loài dược liệu quý của Việt Nam) để phát triển thành các sản phẩm giải độc, điều trị ung thư.

Đặc biệt, nhóm di thực nhiều dược liệu ở vùng khác về để kết hợp với dược liệu bản địa tạo ra các sản phẩm thương hiệu như hoạt huyết “hu lang” (từ đương quy), siro “la lang” (từ cây thường xuân). “Hai sản phẩm này là tâm huyết của chúng tôi, lấy cảm hứng từ đời sống ở buôn làng Ba Na trong rừng. Trong đó, “hu lang” nghĩa là khi đau thì bà con thường hú làng, kêu khóc tìm thuốc chữa. Hoặc “la lang” nghĩa là khi đau quá thì người làng thường la làng lên…”, Hòa chia sẻ.

“Đến đầu năm 2024, các sản phẩm của HTX Nông dược liệu An Toàn đã phân phối đến 1.000 nhà thuốc, cơ sở cả nước. Hiện, HTX đã thành lập công ty dược phẩm để “danh chính ngôn thuận” bước ra thị trường. Vừa qua, công ty hoàn tất thủ tục đưa sản phẩm qua thị trường Campuchia và một số nước ở khu vực Đông Nam Á. Tương lai xa hơn, nhóm phấn đấu xây dựng nhà máy đông dược, thực hành theo chứng nhận sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO) và mở rộng 10 vùng trồng trên toàn quốc, hướng đến xuất khẩu dược liệu Việt. Cả nhóm xác định đích đến rất cao xa, nhưng cốt lõi của chúng tôi vẫn hướng đến cộng đồng miền núi. Giá trị bền vững nhất là liên kết cộng đồng, tạo ra sản phẩm bền vững, sạch và nhân văn”, dược sĩ trẻ Thái Minh Tiến thổ lộ.

Năm 2021, nhóm dược sĩ trẻ thành lập hợp tác xã (HTX) chuyên về nông dược liệu kết hợp dịch vụ, du lịch. Sau khi thành lập, HTX đã liên kết với nhiều hộ dân tham gia, cải thiện thu nhập và giúp phát triển, nâng giá trị các sản phẩm OCOP bản địa.

“Chúng tôi hướng đến liên kết rộng rãi với bà con, cung cấp giống dược liệu giá trị cao, phân bón, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho họ. Phấn đấu, qua các mô hình, bà con tham gia sẽ có thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức các đợt từ thiện đền ơn làng, như phát thuốc, quà; lắp đặt điện chiếu sáng; tặng sách, áo quần… cho trẻ em miền núi”, Hòa cho biết.

Ngoài ra, nhóm trẻ còn mở thêm dịch vụ du lịch cộng đồng với các loại hình, như: lưu trú homestay trải nghiệm ẩm thực và văn hóa miền núi, ngắm mây rừng, nghỉ dưỡng dược liệu, trekking tham quan rừng tự nhiên… Nhóm giúp bản Plai Hmia xây dựng 7 mô hình lưu trú du lịch cộng đồng, thiết kế các tour ngắm cảnh, biến nơi đây thành điểm đến du lịch mới của Bình Định.

Vừa qua, Bộ Công thương đã lấy HTX Nông dược liệu An Toàn để triển khai mô hình điểm tại Bình Định về Chương trình mục tiêu quốc gia, với dự án thương mại 2 chiều, tiêu thụ sản phẩm bản địa cho bà con dân tộc thiểu số miền núi. Hiện, HTX đã kết nối được 32 hộ dân người Ba Na để xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất nông dược liệu. HTX cũng đã kết nối được với 130 doanh nghiệp, đơn vị trên 9 tỉnh, thành cả nước để tiêu thụ sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục