Tái diễn ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy cồn Đại Tân

Việc Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân thuộc Công ty CP Tùng Lâm (xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam) làm rò rỉ dầu fusel ra môi trường vào rạng sáng 18-9 đến nay đã đặt ra nhiều hoài nghi về công tác bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của nhà máy.
Nhiều người dân khu vực xã Đại Tân đã kéo đến trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân phản đối, ngăn cản không cho xe tải chở các nguyên vật liệu ra vào vì gây ô nhiễm
Hôi thối bủa vây

Ông Nguyễn Văn Phương, trú tại thôn Nam Phước cho biết, khoảng 2 giờ sáng ngày 19-9, bất ngờ xuất hiện mùi hôi nồng nặc làm gia đình không thể ngủ được, mấy trẻ nhỏ trong gia đình có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn khiến gia đình hốt hoảng, một số gia đình buộc phải di tản.

Đến sáng 19-9, nhiều người dân tại trong thôn và khu vực xã Đại Tân đã bỏ công việc, kéo đến trước cổng Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân phản đối, ngăn cản không cho xe tải chở các nguyên vật liệu ra vào, yêu cầu lãnh đạo nhà máy sớm giải quyết tình trạng trên.

Ngày 20-9, Sở TN-MT, Công an huyện Đại Lộc cùng với chính quyền xã Đại Tân tiến hành niêm phong các cống xả từ hồ sinh thái ra môi trường. Đến ngày 22-9, cơ quan có thẩm quyền huyện Đại Lộc đã yêu cầu nhà máy cồn Ethanol Đại Tân dừng hoạt động đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra việc xử lý môi trường đảm bảo mới cho phép được hoạt động trở lại.

Theo ông Lê Minh Thiên, Giám đốc điều hành Nhà máy cồn Đại Tân, nguyên nhân sự cố là trong quá trình sản xuất, công nhân vận hành đã để tràn dầu fusel chiết xuất từ quá trình sản xuất cồn từ bồn chứa ra dẫn đến phát tán mùi đặc trưng nên ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời cho biết, ngay sau khi phát hiện sự cố, nhà máy đã cô lập, đóng các cống xả, chặn các vị trí không cho dầu tràn ra môi trường. Đặc biệt, đã tiến hành ngay các biện pháp thu hồi toàn bộ dầu tràn ra tại khu vực kho cồn và theo nước mưa xuống hồ sinh thái, đến nay công tác khắc phục sự cố đã cơ bản hoàn thành.

Ông Mai Xuân Hồng (thôn Nam Phước) khẳng định, đây không phải  lần đầu tiên nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày Nhà máy cồn Đại Tân đi vào hoạt động (năm 2012) đến nay, thường xuyên gây ô nhiễm, heo gà, cây trồng đều không phát triển. Tuy nhiên, chưa khi nào bà con phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc như lần này.

Gần đây nhất, tháng 4-2018, nhiều người dân cũng đã kéo đến Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân phản đối việc xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân bị nhiễm bẩn, không đảm bảo an toàn, cùng với đó là những luồng khí thải từ nhà máy bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước ô nhiễm đến mức các hộ dân gần nhà máy phải sử dụng nước đóng bình để uống và sinh hoạt. Thôn Nam Phước có 200 hộ dân, trong đó khoảng 50 hộ sống lân cận khu vực nhà máy.

Tái diễn ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy cồn Đại Tân ảnh 2 Nguồn nước ô nhiễm đến mức các hộ dân gần nhà máy phải sử dụng nước đóng bình để uống và sinh hoạt
Chờ kết luận điều tra

Nhà máy Ethanol Đại Tân được khánh thành đi vào hoạt động tháng 11-2012 với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng, trong đó hơn 100 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải. Sau khoảng 2 năm đi vào sản xuất, Nhà máy cồn Đại Tân do công ty Cổ phần Đồng Xanh quản lý đã phải tạm dừng hoạt động do thua lỗ và gặp khó khăn về vốn.

Số nợ của nhà máy này lên tới khoảng 700 tỷ đồng với các ngân hàng, đầu mối cung ứng sắn và cung cấp nhiên liệu. Năm 2017, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã mua lại toàn bộ nhà máy. Dưới sự điều hành của Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm nhà máy tiếp tục sản xuất nhưng vẫn không tuân thủ quy trình xả thải khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Quay lại câu chuyện rò rỉ dầu fusel, sau 1 tuần kể từ khi sự cố tràn dầu fulsel xảy ra tại khu vực nhà máy cồn Đại Tân, người dân vẫn túc trực 24/24 tại khu vực nhà máy để yêu cầu làm rõ nguyên nhân tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường từ phía nhà máy. Đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng làm rõ hướng xử lý, giải quyết vụ việc.

Đặc biệt, chiều 24-9 vừa qua, UBND huyện Đại Lộc cũng đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo Nhà máy cồn Đại Tân (Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm) và người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố.

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân đã đặt nghi vấn vụ tràn dầu fulsel thực chất là do nhà máy “cố ý” xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, bởi đây không phải là lần đầu tiên nhà máy gây ra mùi hôi thối.

Ông Nguyễn Văn Phong, thôn Nam Phước, xã Đại Tân phản ánh, từ khi nhà máy hoạt động trở lại đã 2 năm cũng là chừng đó thời gian người dân ở khu vực xung quanh nhà máy bị ảnh hưởng bởi mùi hôi và bụi bẩn do khí thải quá trình nghiền bột sắn nguyên liệu và các đoàn xe chở sắn nguyên liệu vào nhà máy gây ra. Đáng nói, toàn bộ nguồn nước suối, kênh mương có nguồn trực tiếp từ khu vực xả thải của nhà máy liên tục bị đục ngầu và hôi, một số đoạn cống xả của nhà máy có nước đen vốn cục kèm theo mùi hôi khó chịu.

"Tôi nghĩ nhà máy hay lợi dụng trời mưa để xả thải trực tiếp ra môi trường. Bởi hễ mỗi khi có mưa to xuất hiện mùi hôi thối, dứt mưa thì hết. Dù nhiều lần cam kết với người dân nhưng nhà máy lại không thực hiện đúng cam kết”, ông Phong đặt nghi vấn.

Tái diễn ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy cồn Đại Tân ảnh 3 Chính quyền huyện Đại Lộc phải tổ chức đối thoại giữa nhà máy với người dân trong vùng bị ảnh hưởng
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, ngành chuyên môn, cơ quan chức năng cần làm rõ đây là "sự cố" hay "cố ý" để giải thích cho người dân rõ, trường hợp nếu chưa có kết quả cũng giải thích thời điểm nào sẽ công bố kết quả. Đặc biệt, nhà máy cũng cần xem lại trách nhiệm của mình. Nếu tiếp tục hoạt động, nhà máy cần chia sẻ lợi ích với dân như hỗ trợ nước sạch, cam kết không tái phạm, hỗ trợ để người dân tái định cư, riêng quỹ đất tái định cư, khâu hỗ trợ di dời nhà nước lo. Tuy nhiên, trước mắt phải xử lý xong chuyện ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả rồi mới tính tiếp khâu di dời nhà máy hay di dân...

Tin cùng chuyên mục