Không chỉ là nhà cách mạng thuộc thế hệ tiền phong, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu còn là nhà văn hóa lớn. Ngoài những dấu ấn lãnh đạo cuộc đấu tranh chống ngoại xâm ở Sài Gòn - Nam bộ, ông còn là người thầy, tác giả nhiều công trình trước tác, khảo cứu đồ sộ về lịch sử, tư tưởng, triết học Việt Nam mà sức ảnh hưởng sẽ còn bền lâu.
Ngày 6-9-2016 là kỷ niệm 105 ngày sinh của GS Trần Văn Giàu. GS Trần Văn Giàu thuộc thế hệ đi trước rất xa, nên tôi không có may mắn trực tiếp được làm học trò của ông. Tôi chỉ là một người hâm mộ ông, từ tác phẩm đến nhân cách, được nhiều dịp gặp gỡ, nghe ông nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn. Tôi cũng là người từng làm cầu nối cho một số cuộc tiếp xúc của đồng nghiệp tỉnh xa khi về TPHCM muốn thăm hỏi, phỏng vấn GS Trần Văn Giàu lúc sinh thời ông ở trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TPHCM hay khi về ở cư xá Lữ Gia. Theo dòng lịch sử đầy biến động, có thể có những góc nhìn khác nhau về Trần Văn Giàu, nhưng trước sau ông vẫn là nhân vật đặc biệt và tiêu biểu của Sài Gòn và Nam bộ thế kỷ 20.
Vào tháng 8-1995, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám, GS Trần Văn Giàu vẫn tràn đầy cảm xúc khi trò chuyện với chúng tôi: “Tôi rất tự hào và hạnh phúc, vì mình được trực tiếp tham gia và góp phần vào sự thành công của sự kiện lịch sử trọng đại này. Suốt thời tuổi trẻ, từ hồi còn đi học cho tới lúc làm cách mạng, tôi không nghe ai nói tới hai chữ Việt Nam cả. Trước năm 1945, tôi đi hàng chục nước trên thế giới cũng chưa từng nghe ai nói tới Việt Nam. Nhưng bây giờ trên thế giới không ai không biết Việt Nam. Và khi nói tới Việt Nam, người ta nói Việt Nam - Hồ Chí Minh”.
Giáo sư - Nhà giáo nhân dân - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu
Từ năm 1946-1948, Trần Văn Giàu được Trung ương điều sang giúp tổ chức lực lượng kháng chiến ở nước bạn Campuchia, vận động mua sắm vũ khí ở Thái Lan và Malaysia chuyển về tiếp tế cho chiến trường Nam bộ theo con đường Xuyên Tây.
Năm 1949, ông ra chiến khu Việt Bắc nhận chức vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền, tới năm 1951 theo yêu cầu của tổ chức muốn chuyển ông sang quân đội làm binh vận, nhưng ông xin sang ngành giáo dục, vì ông thích dạy học và nghiên cứu khoa học hơn. Từ đó, ông lần lượt thực thi sứ mệnh mới mẻ của mình ở các trường: Dự bị đại học, Đại học Sư phạm văn khoa, Đại học Tổng hợp, Viện Sử học. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng của cuộc đời GS Trần Văn Giàu, khi chuyển từ một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp sang nhà nghiên cứu, giảng dạy sử học.
Cho dù với ông, làm khoa học cũng là làm cách mạng, hai lĩnh vực này hòa quyện với nhau và những đóng góp của ông trong khoa học cũng to lớn không kém công lao của ông trên hành trình làm cách mạng giải phóng dân tộc. Vì vậy, trong tác phẩm Cách mạng 1945 của Việt Nam (The Vietnamese Revolution of 1945), nhà sử học nổi tiếng của Bắc Âu Stein Tonnesson đã rất đúng khi gọi Trần Văn Giàu là “giáo sư - nhà cách mạng”.
Trong di sản nghiên cứu của GS Trần Văn Giàu, ấn tượng nhất đối với tôi là công trình Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám gồm 3 tập, được ông công bố trong khoảng thời gian 1973-1993.
Đây cũng là đứa con tinh thần mà GS Trần Văn Giàu dành nhiều tâm huyết, thời gian và công sức nhất đời mình để hoàn thành. Ngay từ khi mới vào đời với 2 tập đầu tiên, bộ sách đã gây tiếng vang lớn trong nước và thế giới, như nhà sử học nổi tiếng người Mỹ David G. Marr đã nhận xét: “Trong số các công trình đã xuất bản bằng mọi thứ tiếng trên thế giới thì đó là bộ sử tốt nhất về tư tưởng Việt Nam”.
Còn nhà sử học hàng đầu Việt Nam là GS Đinh Xuân Lâm, người học trò thân thiết nhất của GS Trần Văn Giàu, nhìn nhận: “Quả thật là đến cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ 20, không chỉ cách mạng Việt Nam mà chính là nhu cầu phát triển chung của đất nước, đặc biệt của bản thân các ngành khoa học xã hội - nhân văn, đòi hỏi phải có một sự trình bày mang tính hệ thống và tổng kết về diễn trình tư tưởng Việt Nam từ khi Pháp xâm lược tới năm 1945. Đó là nhiệm vụ nan giải và quá phức tạp, ngoài Trần Văn Giàu khó ai có đủ tư cách, năng lực và bản lĩnh đảm nhận. Trần Văn Giàu đã tự nhận lấy nhiệm vụ đó về mình, lao tâm, khổ tứ, thận trọng và bền bỉ khảo cứu suốt hơn 20 năm, và chính ở đây, cái tâm và cái tài của ông đã tỏa sáng mạnh mẽ nhất”.
HÙNG PHAN