Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khóa X (diễn ra từ ngày 7 đến 9-12), trong tờ trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM đã kiến nghị tạm dừng 17 dự án có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm, chưa thể triển khai trong năm 2023; dành ngân sách cho các dự án cấp bách: cải tạo rạch Xuyên Tâm, xây đường Vành đai 2 và 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài…
Dù đã có một “thể trạng” tương đối khỏe, có “kháng thể” sau giai đoạn phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng TPHCM vẫn cần nhìn lại nguồn lực thực tế để sắp xếp và ưu tiên cho các khu vực, đầu việc trọng tâm tương thích với từng lộ trình tái thiết - phát triển.
Những “gam màu xám” của nền kinh tế đã hiện rõ trong những tháng cuối năm 2022 thông qua các chỉ số vĩ mô: dự trữ ngoại hối suy giảm, lãi suất liên ngân hàng chạy đua chưa có hồi kết, sự bất ổn của lĩnh vực ngân hàng, sự bất an của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán giảm mạnh. Ở TPHCM nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung, thị trường bất động sản đóng băng, ảnh hưởng khá nặng nề lên hoạt động của ngành nghề liên quan khác; sản xuất giảm đơn hàng dẫn đến nhà máy tạm dừng hợp đồng lao động trong thời gian cuối năm.
Để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, TPHCM đã có nhiều kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, từ ổn định hệ thống ngân hàng thương mại đến khơi thông các dòng thanh khoản cho hoạt động sản xuất kinh doanh; hay cần phải giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu (qua đề xuất cho phép sử dụng nguồn tiền 300.000 tỷ đồng tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân/bảo lãnh cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán kỳ hạn ngắn; hay xem xét, sớm thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm)…
TPHCM cũng chủ động thiết kế và xây dựng các kế hoạch điều hành đính kèm từng kịch bản nhằm “quản trị rủi ro” liên quan đến các tình huống nhạy cảm ở từng lĩnh vực nóng có thể xảy ra trên địa bàn. Và như đã nêu trên, “nhìn thẳng, làm thật” bằng nội lực của thành phố, cả ưu thế lẫn điểm yếu để tính toán, phát huy sức “vận động tự thân” của kinh tế thành phố, như: tập trung đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa; mở rộng hoạt động kinh tế đêm; đa dạng hóa các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch MICE; xây dựng chương trình đặc biệt kích cầu ngay trong dịp Tết Quý Mão 2023; thúc đẩy giáo dục, y tế, các sản phẩm văn hóa.
Riêng nhiệm vụ tập trung vào 2 dòng thanh khoản là đầu tư công và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, ở dòng thứ hai, đã đến lúc phải ngồi lại để tính toán chiến lược nâng cấp cấu trúc công nghiệp - nông nghiệp - thương mại của thành phố, thay thế dần mức độ phụ thuộc nhập khẩu chỉ từ một số quốc gia. Trong bối cảnh xung đột thương mại, quân sự trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp thì việc đa dạng hóa - thay thế thị trường, cả về nguyên liệu, phân phối là một lựa chọn tất yếu.
Để khơi thông hai dòng thanh khoản này thì việc “đầu tiên” là cần tháo gỡ những điểm nghẽn thông qua việc nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính các cấp; phải giữ “đà” cải cách hành chính và nâng lên ở mức độ cao hơn trong các tháng đầu năm để thật sự tạo chuyển biến - đột phá mạnh mẽ. Với các “chỉ số thực” luôn cần phải giám sát và kiểm tra như: trách nhiệm người đứng đầu của việc thi hành công vụ, phối hợp giữa các sở ngành quận huyện, ứng dụng công nghệ trong thủ tục hành chính, thu thập - đánh giá sự hài lòng của người dân để tạo sức ép cho các cơ quan thực hành công vụ, đặc biệt ở các điểm nóng như tài nguyên, xây dựng, thủ tục kinh doanh.