Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội

Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội

Chiều 13-1, các đại biểu thảo luận tại hội trường góp ý về các văn kiện của đại hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đoàn Chủ tịch điều khiển phiên họp.

Cầu Phú Mỹ nối quận 7 và quận 2, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM. Ảnh: Thái Bằng

Cầu Phú Mỹ nối quận 7 và quận 2, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM. Ảnh: Thái Bằng

Sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội

“Với sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu, CNXH lâm vào suy thoái, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời?”. Bác bỏ luận điểm trên của các nhà chính trị, tư tưởng tư sản, đồng chí Tạ Ngọc Tấn (Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản) khẳng định tại diễn đàn Đại hội XI của Đảng: “Trải qua hơn 80 năm lịch sử của mình, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là cơ sở lý luận, phương pháp luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở và nền tảng cho chủ thuyết phát triển trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Đảng ta khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.

Lý giải nguyên nhân cơ bản mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đồng chí Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh: Chính là vì xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH và xây dựng CNXH, sa vào chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh nghiệm, không phát triển và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin lên ngang tầm với những đòi hỏi mới của các giai đoạn lịch sử; rồi chủ quan, duy ý chí, vội vã đốt cháy giai đoạn.

Sau khi phân tích quá trình hình thành và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta, đồng chí Tạ Ngọc Tấn cho rằng, cần nhận thức lại cho đúng, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với bối cảnh thế giới và các điều kiện cụ thể hiện nay. Đảng ta ngày càng làm sáng tỏ con đường tiến lên CNXH ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Đó là con đường phát triển quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng TBCN, nhưng lại tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đạt được dưới chế độ TBCN, đặc biệt là khoa học và công nghệ.

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu trao đổi bên ngoài hội trường. Ảnh: Minh Điền

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm phát biểu tại đại hội: Đảng cần tăng cường lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền chăm lo, phát huy và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân theo pháp luật, tăng cường đồng thuận xã hội.

Theo đồng chí Huỳnh Đảm, chỉ có XHCN thực sự mới tạo đồng thuận xã hội và đoàn kết thực sự; cần thực hiện dân chủ và đoàn kết từ trong Đảng ra toàn xã hội. Việc kết hợp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong mặt trận chính là nhằm làm phong phú thêm nền dân chủ XHCN ở nước ta.

Giải phóng triệt để sức sản xuất

"Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội"

Đồng chí Huỳnh Đảm
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Trình bày tại hội trường về 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001 – 2010 và những bài học rút ra để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định, 10 năm qua chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội, song thể chế kinh tế thị trường chưa theo kịp yêu cầu phát triển; sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để.

Sau 20 năm đổi mới, nhất là 10 năm qua, tiềm lực kinh tế Việt Nam được nâng cao, đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, song “chất lượng tăng trưởng, năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm được cải thiện; cân đối vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Công tác quy hoạch, kế hoạch và việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, kém hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố phát triển theo chiều rộng…”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thẳng thắn phát biểu. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường chậm, chưa đồng bộ, môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng, thông thoáng, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực, kinh tế tập thể vẫn còn lúng túng, hợp tác xã và các hình thức hợp tác khác phát triển chậm; việc hình thành các loại thị trường chậm và chưa đồng bộ…

Để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phải huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước để giải phóng triệt để sức sản xuất toàn xã hội. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc phải thực hiện đổi mới toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, tập trung vào mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Bên cạnh đó, cần đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng…

Bày tỏ đồng tình với quan điểm phát triển bền vững của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, đại biểu Vũ Hồng Khanh (Hà Nội) cho rằng, trong tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng thời đại và các cam kết quốc tế cho thấy muốn phát triển nhanh, bền vững cần phải dựa vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ hiện đại mà nội dung chính cần tập trung là phát triển kinh tế tri thức. Từ thực tiễn phát triển của chính nước ta trong những năm vừa qua trên các lĩnh vực: công nghệ thông tin, chế tạo thành công sản phẩm nano, những thành tựu trong các lĩnh vực sinh học, toán học, vật lý… cho thấy, Việt Nam có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế tri thức.

Theo chương trình dự kiến, hôm nay (14-1), đại hội tiếp tục thảo luận các văn kiện; ngày mai (15-1), đại hội sẽ thảo luận về vấn đề nhân sự.

Các nước gửi điện chúc mừng Đại hội Đảng lần thứ XI

Nhân dịp Đại hội lần thứ XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được rất nhiều điện, thư chúc mừng của các đảng các tổ chức và bạn bè quốc tế từ khắp các châu lục trên thế giới.

Điện mừng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có đoạn viết: “Chúng tôi rất tự hào nhận thấy, truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản kính yêu, cùng các thế hệ lãnh đạo tiền bối của hai đảng, hai nước dày công xây dựng và vun đắp trong nhiều thập kỷ qua, ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Mối quan hệ đó đã trở thành tài sản vô giá, nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước chúng ta, đồng thời là tấm gương sáng, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, kế tục sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam anh em sẽ giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trở thành một nước công nghiệp hiện đại và thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Điện mừng của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Trung Quốc có đoạn viết: “Tình hữu nghị Trung - Việt do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các bậc tiền bối cách mạng của hai nước đích thân xây dựng và dày công vun đắp, là tài sản quý báu chung của hai đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Những năm qua, với sự coi trọng cao độ của hai bên và cố gắng chung của nhân dân hai nước Trung Quốc - Việt Nam, tình hữu nghị Trung - Việt không ngừng được củng cố và phát triển, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước. Đảng và Chính phủ Trung Quốc coi trọng cao độ việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị Trung - Việt. Chúng tôi nguyện cùng với phía Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam phát triển sang một giai đoạn mới, dưới sự chỉ đạo của phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt””.

Điện mừng của Ban Chấp hành Đảng Nhân dân Campuchia có đoạn: “Hiện nay, nước CHXHCN Việt Nam đang vững bước tiến vào một thời kỳ phát triển mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Trong công cuộc phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Việt Nam xác định lấy phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Việt Nam phát triển rất nhanh chóng, ổn định nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội trong từng bước đi và chính sách phát triển trên cơ sở quan tâm đặc biệt tới bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn kiên trì chính sách độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa và tích cực hội nhập quốc tế. Đảng Nhân dân Campuchia xin nhiệt liệt chúc mừng những thắng lợi mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện chính sách đổi mới sáng suốt trong thời gian qua và xin chúc Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công rực rỡ”.

Điện mừng của Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Cuba viết: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa công nghiệp hóa. Vượt qua những thách thức trên là trách nhiệm của tất cả các lực lượng chính trị, xã hội, dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau đấu tranh vì hòa bình và sự sống còn của hành tinh xanh. Chúng tôi rất vui mừng trước những thành tựu kinh tế và xã hội mà các đồng chí giành được để biến ước mơ “Xây dựng một nước Việt Nam 10 lần to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu thành hiện thực. Chúng tôi cũng rất hài lòng trước việc quan hệ anh em khăng khít, bền chặt giữa hai đảng, hai nước chúng ta trong suốt 50 năm qua đã không ngừng được củng cố, phát triển và tài sản hữu nghị, đoàn kết quý báu này đang được thế hệ hôm nay và sẽ được các thế hệ mai sau gìn giữ, kế tục”.

Ban Chấp hành Đảng Lao động Triều Tiên cũng gửi điện mừng chúc Đại hội lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp.

Đến ngày 13-1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được 149 điện mừng của các chính đảng, tổ chức và bạn bè quốc tế.

Nhóm PV

Thông tin liên quan:

>> Đại hội Đảng lần thứ XI - Các đại biểu tiếp tục thảo luận các văn kiện

>> Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng

>> Kiến nghị một số giải pháp nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế

>> Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài

>> Giáo dục “làm người” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

>> Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng: Đặc biệt chú trọng phát triển giao thông ở các đô thị lớn

Tin cùng chuyên mục