Hợp tác quy mô giữa 7 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn

Tăng sức mạnh để phát triển toàn diện

Sáng ngày 28-9-2007, tại Dinh Thống Nhất, 7 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 (HYCO 4), Tông Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6), Tập đoàn Sovico (Sovico Group) và Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn VN (Agribank) đã cùng nhau thông nhất ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện… Các chuyên gia kinh tế cho rằng với sự hợp tác này, 7 doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế nêu trên sẽ ngày càng củng cố, tăng cường thêm sức mạnh để phát triển bền vững trong môi trường hội nhập WTO.

Theo đó, các bên cùng thống nhất thành lập một liên danh để đấu thầu hoặc cùng đầu tư vào những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy điện, thủy lợi, bến cảng, sân bay, các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới và các dự án có tầm cỡ quốc gia và quốc tế khác hoặc những dự án trọng điểm do Chính phủ Việt Nam giao. Cùng góp vốn để đầu tư vào các dự án mà một bên trong liên danh đang làm chủ đầu tư khi bên đó có nhu cầu và các bên cùng quan tâm.

Ngoài ra, khi các bên cùng tham gia đầu tư vào một dự án thì các bên thống nhất sẽ thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án, bên chủ dự án hoặc bên giới thiệu dự án sẽ giữ quyền chi phối trong công ty này (trừ trường hợp bên đó nhận thấy không cần thiết phải giữ quyền chi phối), các bên còn lại sẽ tham gia góp vốn và cùng tham gia quản lý, điều hành phù hợp với năng lực của mình. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, từng thành viên cam kết dành cho nhau quyền là cổ đông chiến lược của nhau khi thực hiện cổ phần hóa trong phạm vi thẩm quyền, phù hợp với yêu cầu, điều kiện do pháp luật quy định. Trong đó mỗi thành viên trong liên danh sẽ đóng vai trò là cổ đông chiến lược cùng với các đối tác khác….

Các bên thống nhất giao cho VRG là đơn vị đứng đầu liên danh, điều phối các mối quan hệ, hợp tác trong nội bộ liên danh và giữa liên danh với các đối tác khác. Mỗi bên sẽ cử ra một cán bộ lãnh đạo có đầy đủ thẩm quyền trong quá trình bàn bạc trong liên danh, bộ phận lãnh đạo liên danh sẽ tổ chức họp tối thiểu 3 tháng một lần để giải quyết các vấn đề phát sinh và định hướng cho hoạt động của liên danh. Các kỳ họp sẽ được tổ chức luân phiên theo sự phân công của người đứng đầu liên danh. Mỗi bên cử một cán bộ nghiệp vụ tham gia vào Tổ thư ký của liên danh, Tổ thư ký sẽ thực hiện việc tập hợp tài liệu, thông tin để cung cấp cho các bên trong.

Đặc biệt, Agribank, ngoài việc tham gia đầu tư như các thành viên, Agribank còn là đối tác cung cấp cho liên danh các dịch vụ tài chính-ngân hàng, như: hỗ trợ các thành viên trong liên danh mở và duy trì hoạt động tài khoản tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn, tài khoản vay vốn (nội và ngoại tệ). Cung ứng tín dụng cho các thành viên trong liên danh theo các phương thức cho vay, bảo lãnh, cho thuê tài chính, chiết khấu bộ chứng từ hàng xuất… theo yêu cầu của từng thành viên trong liên danh và phù hợp với quy chế hiện hành.

Căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng thành viên trong liên danh và khả năng nguồn vốn của Agribank, hàng năm Agribank cung cấp cho thành viên trong liên danh các hạn mức tín dụng ngắn hạn (tối đa 12 tháng), trung hạn (tối đa 5 năm), dài hạn (trên 5 năm) theo đúng quy chế tín dụng của NHNN Việt Nam và Agribank Việt nam. Ngoài ra, Agribank còn cung cấp dịch vụ thuê mua tài chính trên nguyên tắc từng thành viên trong liên danh là đối tác trực tiếp với các công ty cho thuê tài chính 1 và 2 của Agribank Việt Nam nhằm cung ứng vốn cho các dự án đầu tư chiều sâu của từng thành viên theo điều lệ hoạt động của các công ty cho thuê tài chính 1 và 2 của Agribank Việt Nam…

S.NÂU – HƯNG VY

Tin cùng chuyên mục