Tăng tốc truy xuất nguồn gốc, bảo vệ người tiêu dùng

Nhiều địa phương đang tăng tốc thực hiện các dự án truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua ứng dụng công nghệ. Việc này vừa giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng có thông tin minh bạch về sản phẩm, từ đó dễ dàng chọn lựa.
Chế biến khô cá thát lát theo quy trình được truy xuất nguồn gốc
Chế biến khô cá thát lát theo quy trình được truy xuất nguồn gốc

Thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương đang đẩy mạnh triển khai. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào thực tế sản xuất, kinh doanh, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở KH-CN TP Cần Thơ đã triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa” từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022.

Theo Ban chủ nhiệm dự án, đến nay cơ sở dữ liệu và bộ cài đặt cổng thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ đã được vận hành tại địa chỉ http://check.cantho.gov.vn/. Bên cạnh đó, dự án chọn được 17 sản phẩm triển khai truy xuất nguồn gốc: dâu Hạ Châu (Hợp tác xã dâu Hạ Châu Phong Điền), nhãn thanh (Hợp tác xã Hữu Tâm - Cờ Đỏ), giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung), trà mãng cầu (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên), Hapi chả viên thát lát tôm (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa)…

Cũng như TP Cần Thơ, Hậu Giang là vùng đất nông nghiệp, với thế mạnh chính là rau củ, trái cây và thủy sản. Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết, sở đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan trong tỉnh thực hiện hỗ trợ và dán tem truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm như cá thát lát Kỳ Như, trà mãng cầu, cá thát lát, kẹo đậu phộng, khóm Cầu Đúc, xoài cát Bảy Ngàn, sữa dê, chanh không hạt, bưởi da xanh, rượu cam sành, quýt đường…

Còn tại Kiên Giang, hồi đầu năm nay, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch số thực hiện đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” năm 2022. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; giới thiệu, phổ biến mô hình điểm - hệ thống truy xuất nguồn gốc; triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm trọng điểm của tỉnh.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc, họ tham gia vào những đề án tại địa phương để chứng minh với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của mình thông qua việc minh bạch quá trình làm ra sản phẩm. Cụ thể là bắt đầu từ thông tin về vùng nguyên liệu, khâu thu hoạch, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng. Mặt khác, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc giúp họ tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống quản lý do được cung cấp một hệ thống truy xuất nguồn gốc tích hợp những tính năng của hệ thống phần mềm quản lý kho và quản lý bán hàng.

“Với việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc, ngoài việc gây dựng niềm tin cho người tiêu dùng, chúng tôi còn hướng đến xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm cá thát lát trên thị trường. Chúng tôi nhận thấy, một sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc”, đại diện của HTX Kỳ Như (Hậu Giang) cho biết.

Theo các chuyên gia, khi mức sống được nâng cao, người tiêu dùng không chỉ mong mua được những sản phẩm an toàn, chất lượng mà còn muốn hiểu rõ hơn về quá trình nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối sản phẩm. Và ứng dụng truy xuất nguồn gốc là giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu tìm hiểu thông tin từ người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã khi đưa sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này mới có chỗ đứng vững chân để tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục