
Hôm nay 8-6, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình triển khai dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch HĐQT PetroVietnam, ông Phạm Quang Dự.
- Phóng viên: Thưa ông, phải chăng việc hợp đồng gói thầu chính của dự án được ký ngay trước khi Quốc hội thảo luận là nhằm làm “giảm nhẹ” trách nhiệm về việc dự án thực hiện quá chậm?
- Ông PHẠM QUANG DỰ: Việc PetroVietnam ký hợp đồng gói thầu chính của dự án không phụ thuộc vào chương trình thảo luận của Quốc hội, bởi việc chuẩn bị cho đàm phán, ký kết gói thầu này đã kéo dài khá lâu. Tính từ thời điểm Chính phủ cho phép đàm phán đến nay đã được 3 năm.

Ông Phạm Quang Dự.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một hợp đồng lớn tới hàng tỷ USD, lại có nội dung kỹ thuật rất phức tạp. Trong quá trình triển khai dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã có nhiều sự thay đổi: thay đổi chủ trương đầu tư, thay đổi chủ đầu tư…, nên đã kéo theo nhiều thay đổi về nội dung của công trình. Không những về thu xếp vốn, mà còn về công nghệ cho nhà máy.
Tuy nhiên, việc ký hợp đồng trước khi Quốc hội thảo luận cũng có ý nghĩa nhất định: dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Ban chỉ đạo công trình trọng điểm quốc gia, hợp đồng chính của dự án đã được ký kết, thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, dù còn có nhiều ý kiến khác nhau.
- Nhưng giá cho đầu vào tăng từ 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD, thì giá cho sản phẩm đầu ra có tăng, nghĩa là hiệu quả kinh tế của dự án ra sao khi tổng đầu tư tăng thêm 1 tỷ USD so với dự toán ban đầu?
- Năm 1997, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD. Bây giờ nhiều người còn nhầm lẫn, nghĩ rằng Quốc hội phải duyệt lại khi tổng đầu tư tăng. Nhưng không phải, vì Quốc hội chỉ quyết định về chủ trương đầu tư và giao cho Chính phủ cân đối vốn.
Cần phải nhớ lại rằng, năm 1997, khi quyết định tổng vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD, thì mặt bằng giá dầu thô lúc đó là trên dưới 20USD/thùng, thậm chí năm 1998 tụt xuống còn 10-12USD/thùng. Với mặt bằng như vậy thì giá sản phẩm qua lọc dầu cũng tương ứng.
Lợi nhuận lọc dầu chỉ là cộng thêm khoảng vài USD/thùng so với giá dầu thô. Còn hiện nay, giá dầu thô là trên 50USD/thùng, gấp 2,5 lần giá dầu thô ở thời điểm năm 1997. Tương ứng với đó, giá sản phẩm qua lọc dầu cũng tăng khoảng 2,5 lần. Rõ ràng, với mặt bằng tăng như vậy thì tổng mức đầu tư ở 2 thời điểm là phải hoàn toàn khác nhau.
Tôi không nói rằng, tổng mức đầu tư cũng tăng 2,5 lần, nhưng nó có một điểm quan trọng: khi giá dầu thô và giá sản phẩm qua lọc dầu tăng và cung - cầu trên thế giới hiện đang gay gắt, thì nhiều nhà đầu tư đổ xô vào xây dựng nhà máy lọc dầu. Điều này kéo theo giá sắt thép, nguyên vật liệu tăng, trong khi các nhà chế tạo thiết bị không kịp sản xuất. Tổng đầu tư tăng lên là vì thế.
- Thưa ông, đến năm 2009, khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, chúng ta có còn xuất khẩu dầu thô nữa không, hay đưa hết vào lọc dầu?
- Theo định hướng phát triển của ngành dầu khí trong những năm tới, mỗi năm chúng ta sẽ khai thác khoảng 18-20 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi đi vào hoạt động có công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, cung cấp khoảng 40% nhu cầu trong nước về xăng dầu.
Như vậy, chúng ta vẫn còn một lượng lớn dầu thô để xuất khẩu. Với công nghệ chế biến sâu, nhà máy sẽ đưa ra các sản phẩm giá trị cao như: khí hóa lỏng (LPG), xăng (A90, A92 và A95), dầu hỏa, diesel (DO), dầu đốt lò (FO)… Trong đó, 2 sản phẩm xăng và diesel chiếm khoảng 80% tổng khối lượng sản phẩm của nhà máy, chủ yếu phục vụ nhu cầu thị trường trong nước.
- Hợp đồng gói thầu chính đã được ký kết, liệu có còn thách thức nào nữa không, thưa ông?
- Với những dự án lớn, quá trình đàm phán là rất khó khăn. Nhưng khi đàm phán xong thì thực hiện rất tốt. Trong hợp đồng cũng có các khoản cam kết ràng buộc: nếu nhà thầu làm chậm tiến độ thì sẽ bị phạt. Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có giá trị đầu tư rất lớn, không có nhà thầu nào dại gì làm chậm để chịu phạt.
Điều quan trọng hiện nay là việc thu xếp vốn cho dự án. Chính phủ đã có kế hoạch, về cơ bản sẽ dành một tỷ lệ thích đáng từ nguồn lãi dầu của PetroVietnam mà bấy lâu nay vẫn nộp vào ngân sách.
- Xin cảm ơn ông.
BẢO MINH
Ông Phạm Quang Dự HÀM YÊN |