Tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng đô thị thông minh

Hôm nay 28-12, nhân Ngày hội Doanh nghiệp công nghệ thông tin và Trí tuệ nhân tạo, UBND TPHCM đã tổ chức trao Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông lần thứ 11 năm 2019 với chủ đề “Hành trình vươn tới đô thị thông minh”. 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã dành cho phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng cuộc trao đổi xoay quanh giải thưởng và các vấn đề về thành phố thông minh mà TPHCM đang xây dựng.

°Phóng viên: Thưa đồng chí, Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) có đáp ứng được kỳ vọng của TPHCM là phát hiện những sản phẩm, giải pháp, công nghệ của doanh nghiệp Việt góp phần xây dựng đô thị thông minh, cũng như tạo thêm động lực để doanh nghiệp, cá nhân phát huy tính sáng tạo, đột phá để đóng góp cho thành phố?

°Đồng chí NGUYỄN THÀNH PHONG: Trải qua 10 lần trao giải, giải thưởng ngày càng chứng minh sự lớn mạnh và uy tín khi thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia. Sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp và cá nhân đạt giải thưởng đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thành phố. Theo báo cáo từ đơn vị thực hiện là Sở TT-TT, với 65 hồ sơ tham dự giải thưởng, qua tuyển chọn đã xuất hiện nhiều sản phẩm phục vụ tốt quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM ở các lĩnh vực như chuyển đổi số, kết nối vạn vật, điều hành và giải pháp ứng dụng cho người dân.

Với sự tham dự của các cơ quan quản lý nhà nước như UBND quận 12, Sở Y tế, Tổng Công ty Điện lực TPHCM… cùng các giải pháp đã triển khai, gắn liền với đô thị thông minh là sự chuyển động rất lớn từ các cấp, kỳ vọng rất lớn cho việc đảm bảo phát triển bền vững của thành phố, mang lại cuộc sống chất lượng cho người dân. Với các sản phẩm của doanh nghiệp, tôi đánh giá cao các giải pháp chuyển đổi số, đặc biệt là trên lĩnh vực y tế đã có nhiều thành tựu nổi bật, các dịch vụ cung cấp nội dung trên nền viễn thông; dịch vụ hạ tầng CNTT trên nền điện toán đám mây; dịch vụ cung cấp chữ ký số; dịch vụ lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu… mang lại khả năng cạnh tranh trong tương lai và là một phần không thể thiếu trong ứng dụng để xây dựng đô thị thông minh.

°TPHCM kỳ vọng gì khi tổ chức Ngày hội Doanh nghiệp CNTT và Trí tuệ nhân tạo (AI) với chủ đề “Nhận thức mới, thay đổi nhanh, sáng tạo đột phá”?

°Đây là sự kiện nhằm đánh giá thực trạng, thách thức đối với việc phát triển doanh nghiệp CNTT trên địa bàn thành phố. Qua đó lắng nghe những đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ, góp phần để ngành CNTT tăng trưởng nhanh và bền vững, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, chính quyền số. Tại đây, thành phố cũng định hướng, đưa ra các nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, phát triển các mô hình kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT. Trong khuôn khổ chương trình này, còn kết nạp HueCIT tham gia Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Song song đó, Hội đồng Quản lý Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung tổ chức Hội thảo “Hợp tác phát triển và thu hút đầu tư vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung”, cũng là sự kiện để thúc đẩy phát triển ngành CNTT của thành phố.

Từ tháng 9-2019, UBND TPHCM cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng AI - Khuyến cáo cho TPHCM” nhằm mục tiêu xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2019 - 2025. Qua đó, đã đúc kết những kiến thức, kinh nghiệm để có những quyết sách để hoàn thiện Chương trình phát triển AI của thành phố từ nay đến năm 2020. Mục tiêu của chương trình AI của thành phố cũng nhằm ứng dụng AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh, là một nội dung quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh.

°Xin đồng chí cho biết kết quả ban đầu của giai đoạn 1 xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM cùng những chuyển biến trong năm 2020 và sự tham gia của doanh nghiệp vào giai đoạn tiếp theo?

°Thành phố triển khai thực hiện các trung tâm thuộc Đề án xây dựng Đô thị thông minh, đã đạt được một số kết quả giai đoạn 1. Chúng ta thấy rằng, thành phố đã triển khai hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu ở nhiều lĩnh vực, vận hành cổng thông tin cung cấp dữ liệu mở (về khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, dự án đầu tư nước ngoài…); đồng thời UBND TPHCM đã ban hành Quy chế tích hợp và vận hành Kho dữ liệu dùng chung nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc chia sẻ nguồn dữ liệu này.

Trung tâm Điều hành đô thị thông minh TPHCM - giai đoạn 1 (tại UBND TPHCM) đã triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu hệ thống camera giám sát của Sở GTVT và UBND một số quận huyện với hơn 1.100 camera; ứng dụng hệ thống GIS quản lý hạ tầng đô thị gồm các lớp dữ liệu bưu chính viễn thông, điện nước, cấp thoát nước, tài nguyên môi trường; Cổng thông tin tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân, doanh nghiệp và tổ chức (Cổng thông tin 1022) với 8 lĩnh vực quản lý thông qua 6 kênh tiếp nhận thông tin…

Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển) đã được thành lập, bước đầu thực hiện dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố (chủ yếu cho năm 2020), phục vụ Đề án khoa học “Nghiên cứu đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2016 - 2020 và dự báo kịch bản phát triển giai đoạn 2021 - 2025” của thành phố.

Như vậy, giai đoạn 1 tập trung xây dựng các trung tâm, là bước đầu của Đô thị thông minh trong công tác quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo. Trong khi đó, đô thị thông minh cần sự tương tác, đóng góp của người dân qua các giải pháp, ứng dụng công nghệ và để thực hiện được tương tác này, doanh nghiệp sẽ làm cầu nối bằng chính sản phẩm của doanh nghiệp để kết nối người dân với hệ thống chung.

Như tôi đã nói trên, qua giải thưởng CNTT-TT lần thứ 11, rất nhiều doanh nghiệp đã chứng minh dịch vụ hạ tầng công nghệ trên nền điện toán đám mây; các loại dịch vụ lưu trữ, xử lý, khai thác dữ liệu… đầy triển vọng để phát triển các ứng dụng phục vụ trong đô thị thông minh. Năm 2020 là năm thành phố sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp CNTT-TT phát triển các ứng dụng. Trong thực tế, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn của ngành y tế thành phố trong năm qua khi đã tập trung xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành phục vụ công tác quản lý điều hành công việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM, cung cấp ứng dụng tra cứu khám chữa bệnh, hẹn bác sĩ… cũng từng bước cho thấy hình ảnh của ngành y tế thông minh. Đó là chưa nói đến hàng trăm thủ tục mà người dân chỉ cần dùng smartphone hay máy tính là có thể thực hiện, tương tác với chính quyền thành phố thông qua Cổng thông tin 1022; hay các mô hình của quận huyện trực tuyến…

°Với Chiến lược phát triển CNTT-TT, TPHCM sẽ làm gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo, khởi nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có ứng dụng, giải pháp tốt trong lĩnh vực CNTT-TT và đổi mới sáng tạo?

°TPHCM với vai trò là một thành phố năng động, có tiềm lực khoa học công nghệ cao đến từ các trường đại học, viên nghiên cứu và các cơ sở - tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và hơn 390.000 doanh nghiệp, đã và đang mang đến những giá trị to lớn cho thành phố. Nhưng để thành phố phát triển bền vững hơn, người dân được thụ hưởng các tiện ích tốt hơn thì thành phố cần tiếp tục có những giải pháp cụ thể để xây dựng thành công đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số hóa, tạo điều kiện phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, không chỉ tại thành phố mà ở các địa phương lân cận.

TPHCM hiện được xem là điểm sáng trong bức tranh khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, chiếm tới 40%-45% trong khoảng 3.000 startup của cả nước. Trong năm 2019, nhiều startup Việt đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD cho khoảng 50 thương vụ; riêng TPHCM chiếm gần một nửa, với 23 thương vụ, tương ứng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp của TPHCM cũng đã tự tin xuất ngoại, tham gia các đấu trường quốc tế. Thành phố đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để startup phát triển, đồng thời thu hút các nguồn lực và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua rất nhiều chương trình nên thành phố kỳ vọng sẽ có những điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ở đây cũng cần chú ý, 70% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc lĩnh vực CNTT, điều này cho thấy tiềm năng của việc phát triển doanh nghiệp CNTT thông qua các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ có những chính sách quyết liệt hơn cho việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực CNTT và AI.

°Xin cảm ơn đồng chí! 

Tin cùng chuyên mục