Tạo quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp

Tiếp giáp với TPHCM, đồng thời là “cửa ngõ” nối TPHCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, Long An là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để phát huy lợi thế này, Long An tập trung mở rộng quỹ đất sạch để đón các nhà đầu tư, đồng thời thực hiện tốt công tác tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.
Khu công nghiệp Long Kim (huyện Cần Giuộc) lấp đầy gần 90% diện tích
Khu công nghiệp Long Kim (huyện Cần Giuộc) lấp đầy gần 90% diện tích

Mở rộng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư

 Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Long An đã khéo léo, linh hoạt hoạt “vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, xúc tiến đầu tư”, nhờ đó duy trì được “mạch sản xuất, thu hút đầu tư”, các khu công nghiệp của tỉnh duy trì hoạt động tốt. Hiện nay, tỉnh đang tập trung mở rộng quỹ đất sạch để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Long An.

Ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Long An, cho biết: Các khu công nghiệp trên địa bàn có gần 600ha, sẵn sàng để cho thuê. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của địa phương. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp hoạt động với tổng diện tích quy hoạch gần 3.800ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 89,55%. Các khu công nghiệp này hiện còn 306ha đất sạch chưa cho thuê. 7 khu công nghiệp khác hiện đang thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp với diện tích khoảng 290ha. Như khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông đã đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư với diện tích khoảng 92ha. Còn khu công nghiệp Hựu Thạnh đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư với diện tích khoảng 120ha. Khu công nghiệp Trần Anh Tân Phú đã san lấp, xây dựng hạ tầng đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư khoảng 40ha... Song song với quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư thứ cấp về việc cho thuê đất.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Thanh, toàn tỉnh hiện có 35 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích là gần 12.000ha. Ngoài các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động hoặc đang thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, có 13 khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục thực hiện các thủ tục để đầu tư dự án. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đồng thời, việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh diện tích quy hoạch khu công nghiệp; tình hình dịch bệnh… cũng gây ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư hạ tầng. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện thủ tục; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án… Từ đó sớm đưa các dự án hạ tầng đi vào hoạt động, gia tăng quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án

 Để tiếp tục thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn, Long An sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư trên cả 3 lĩnh vực: công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ và du lịch; nông - lâm nghiệp, thủy sản. Tỉnh sẽ phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương. Có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu; tạo nhiều việc làm; hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng… Trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng giải phóng mặt bằng và tình hình triển khai đầu tư hạ tầng thực tế tại các khu công nghiệp và kế hoạch triển khai xây dựng của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Thực hiện kế hoạch trên, hiện đã có 4 dự án khu công nghiệp tiến hành khởi công, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nhất là do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19 nên đến nay tiến độ triển khai cũng còn chậm so với kế hoạch đề ra. Do đó, các đơn vị, địa phương liên quan sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Cụ thể như Khu công nghiệp IDICO - Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa, Long An) có tổng diện tích 524ha; trong đó có gần 400ha đất công nghiệp cho thuê. Dự án này có vị trí thuận lợi trong việc kết nối với TPHCM, Cảng quốc tế Long An, được đánh giá là điểm đến lý tưởng với nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư khi phát triển sản xuất kinh doanh tại đây như: Được hưởng lợi từ các công trình giao thông - đô thị mở rộng từ TPHCM; dễ dàng tuyển dụng lao động; dễ dàng tiếp cận với một thị trường tiêu dùng rộng lớn và năng động, nhất là đối với các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, dệt sợi, may mặc, giày dép; chế biến lương thực, thực phẩm; đồ gỗ, nội thất; điện, điện gia dụng, điện tử - công nghệ thông tin; cơ khí chế tạo…

Hiện tại, chủ đầu tư dự án đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Các hạng mục như san lấp, đường chính, đường nội bộ, nhà máy xử lý nước thải đang được các nhà thầu triển khai thi công đồng bộ. Chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty IDICO cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với một số doanh nghiệp về việc cho thuê đất trong khu công nghiệp này.

Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút gần 1.700 dự án, trong đó có 814 có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD và 870 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 95.000 tỷ đồng. Trong đó, có gần 1.600 dự án đã hoạt động với gần 200.000 lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã nộp vào ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục