Xã hội hóa công tác đăng kiểm

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh và hạn chế tiêu cực

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh và hạn chế tiêu cực

Bộ trưởng Bộ GT-VT vừa ký quyết định thông qua đề án “Xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành”, cho phép tư nhân thành lập các trạm kiểm định xe cơ giới. Theo ông Nguyễn Văn Ban, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề án được thực hiện sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, và góp phần hạn chế tiêu cực trong công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành.

  • Quá tải kiểm định = tiêu cực
Tạo sự cạnh tranh lành mạnh và hạn chế tiêu cực ảnh 1

Một trạm đăng kiểm ô tô.

Hiện nay, trên cả nước có 83 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, với 105 dây chuyền cơ giới hoá trải đều trên các thành phố trực thuộc Trung ương và các trục giao thông chính trên các quốc lộ. Tính từ năm 1995 đến nay, hệ thống này đã tiến hành kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho khoảng gần 5 triệu lượt phương tiện, với tỷ lệ đạt tiêu chuẩn bình quân 81%.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay, tổng số xe cơ giới cần kiểm định là gần 600.000 chiếc/năm, và hàng năm tăng thêm từ 10%-15%. Do vậy, cần có thêm nhiều trạm đăng kiểm nữa mới có thể đáp ứng được nhu cầu kiểm định xe cơ giới.

Trên thực tế, do lượng xe ô tô thường tập trung hoạt động tại các thành phố lớn, nên có thời điểm lượng xe vào kiểm định quá lớn, vượt quá mức kiểm định cho phép gây ra cảnh xếp hàng chờ đợi. “Đây là cơ hội cho các hành vi tiêu cực, hối lộ nhằm hạ thấp tiêu chuẩn, hoặc bỏ qua nhiều khiếm khuyết của xe” – ông Nguyễn Văn Ban đánh giá.Trong khi đó, để xây dựng được một trung tâm kiểm định xe cơ giới cần khoản đầu tư khá lớn, nếu chỉ Nhà nước làm thì sẽ rất khó khăn.

Theo tiêu chuẩn, một trung tâm kiểm định cỡ trung bình cần diện tích mặt bằng khoảng 3.000-5.000m2 với yêu cầu phù hợp tiêu chuẩn quy định và quy hoạch được phê duyệt. Việc xin cấp đất hoặc đền bù giải phóng mặt bằng ở các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn, chi phí lớn. Do đó, các trung tâm đăng kiểm hiện nay đều phải thuê mặt bằng, với giá thuê chiếm khoảng 25% tổng mức thu hàng năm. Đó là chưa kể đến chi phí xây dựng nhà kiểm định, sân bãi, đầu tư thiết bị kiểm định...

  • Xóa tiêu cực, giảm phiền hà

Từ thực tế trên, việc xã hội hóa công tác đăng kiểm là tất yếu. Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình cho rằng, cần phải mở cửa cho nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động đăng kiểm. Cục Đăng kiểm Việt Nam về lâu dài chỉ tập trung vào xây dựng chính sách và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra. Theo đánh giá của Bộ GT-VT, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đăng kiểm sẽ góp phần giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay ở các trạm đăng kiểm. Ngoài ra, việc xóa bỏ “độc quyền” cấp giấy chứng nhận an toàn chất lượng cho phương tiện cơ giới đang lưu hành cũng sẽ giúp người dân giảm bớt phiền hà.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của loại hình cung ứng dịch vụ kỹ thuật mang tính công ích này. Rất có thể do ý thức chấp hành pháp luật yếu kém, một số trạm đăng kiểm tư nhân sẽ chạy theo lợi nhuận, cạnh tranh không lành mạnh, hạ thấp tiêu chuẩn, bỏ bớt quy định để “hút” xe vào kiểm định, dẫn tới chất lượng kiểm định thấp, an toàn kỹ thuật cho phương tiện tham gia giao thông không bảo đảm. Để hạn chế nguy cơ này, Bộ GT-VT đưa ra các điều kiện về việc thành lập và hoạt động các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành khá chặt chẽ.

Ngoài việc chấp hành các quy định hiện hành về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, các trung tâm đăng kiểm còn chịu sự kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên ngành đột xuất, thanh tra và cơ chế giám sát hoạt động kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Qua thanh tra, kiểm tra, tùy theo mức độ sai phạm, trung tâm đăng kiểm có thể bị buộc ngừng hoạt động tạm thời, đình chỉ hoạt động có thời hạn, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Theo kế hoạch, trong năm 2006 sẽ có 3 trạm thí điểm thực hiện theo mô hình xã hội hóa: 1 trạm được thành lập mới tại TP Hồ Chí Minh, và 2 trạm được cổ phần hóa từ các trạm hiện có của Cục Đăng kiểm Việt Nam (1 tại Hà Nội và 1 tại TP Hồ Chí Minh).

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục