Tay cắt tóc, óc hành văn

Tay cắt tóc, óc hành văn

Thấy cái quán cắt tóc đơn sơ, nép bên cổng làng lại trưng bảng hiệu một cách văn vẻ là Tô Xuân (chứ không xuề xòa như những “Hùng, cắt tóc” hay “Dũng, phó cạo” hoặc hợm hĩnh với những “Tay kéo vàng”, “Hà Thành đệ nhất kéo”… vốn mọc đầy rẫy trên phố phường Hà Nội), tôi ghé lại. Nghe tiếng khách chào, ông lão người nhỏ thó và đen đúa đang cặm cụi bên cái bàn gỗ cũ kỹ nơi góc quán tuềnh toàng, ngước nhìn lên, cười sởi lởi, khẽ bảo: “Nếu không vội, chú chịu khó ngồi chờ một lát, tôi đang viết dở mấy câu văn; bằng không thì cho lão xin lỗi, ta gặp nhau sau vậy!”. Thấy là lạ, tôi kiên trì ngồi đợi…

  • Lão phó cạo kỳ khôi
Tay cắt tóc, óc hành văn ảnh 1

Nhà nghèo, lại đông anh em nên Cao Văn Tuế chỉ được học hết cấp một rồi phải ở nhà phụ giúp mẹ cha bươn bả kiếm miếng ăn, nuôi đàn em ăn học. 15 tuổi đầu, trong khi chúng bạn vẫn còn lêu lổng thì người con trưởng của cái gia đình nheo nhóc ấy đã phải khăn gói gió đưa, rời quê nhà lang bạt khắp băm sáu phố phường của đất Tràng An sinh nhai bằng nghề cắt tóc dạo.

Cơ duyên đưa chân Cao Văn Tuế đến cắm chốt cạnh cổng làng Bưởi suốt đến tận bây giờ, khi đã bước sang tuổi 75. Hơn 60 năm, chỉ làm mỗi một việc, mà cái nghề thợ cạo đâu có hứng thú gì?

Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông lão cười tuế tóa, tung ngay chiêu phủ đầu: “Có ngày nào không vít đầu vít cổ, xách tai, vặt râu, sờ cằm... vài chục người. Thế mà cấm ai cựa quậy, cứ ngoan ngoãn ngồi im cho mình mặc sức hành hạ. Hỏi có nghề nào được cái vinh hạnh ấy!”.

Tính đến năm 2006 này, ông đã về làm rể làng Bưởi được ngót 50 năm trời. Vật đổi sao dời, nhiều cô bé, cậu bé ngày nào còn vắt mũi chưa sạch nay đã lên ông, lên bà; người thành công nhân lành nghề, người là giáo sư, bác sĩ...; riêng ông thì vẫn cặm cụi nơi góc quán bình dị để ngày ngày sửa sang sắc đẹp cho lớp lớp người. Ông cười hiền, tự tin trả lời tôi: “Khách nào đến với mình cũng đều là một người khách mới. Và mỗi ngày, hiệu cắt tóc Tô Xuân mỗi mới. Thế thì buồn tẻ sao được?”.

  • Người viết văn độc đáo
Tay cắt tóc, óc hành văn ảnh 2

Ông Tuế đang sửa sang sắc đẹp cho khách. Ảnh: Bằng Vân

Cao Văn Tuế sinh ra và lớn lên ở làng Sủi (xã Phú Thị huyện Gia Lâm Hà Nội) - vùng quê khốn khó của đất Kinh Bắc xưa nhưng nổi tiếng về khoa bảng. Nội cái làng nhỏ bé này đã góp cho nước nhà tới 10 ông tiến sĩ, có những gia tộc có 3 tiến sĩ, có triều vua có những 4 ngài Thượng thư (Nhất gia tam Tiến sĩ/Đồng triều tứ Thượng thư) là người làng Sủi.

Chưa hết, người phó cạo họ Cao này chính là hậu duệ đời thứ 5 của thánh thơ Cao Bá Quát (1808-1855) - nhà Nho khí tiết lẫy lừng bình sinh chỉ cúi đầu trước hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa).

Trải qua những 60 năm làm nghề cắt tóc, được trò chuyện với đủ loại khách sang hèn, nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, kim cổ Đông Tây: từ chuyện vặt trong gia đình, chuyện nghề nghiệp, đến cả những chuyện quốc gia đại sự..., lão tỉ mỉ ghi chép lại và biến nó thành tư liệu quý giá cho cái nghiệp chữ nghĩa của mình.

Học hành chả đến đâu, ngay đến cái kiểu cầm bút của ông - mấy ngón tay ghì múp mãi sát tận ngòi - chữ nghĩa thì cứ như thể những quả cầu gai, ấy thế mà ông lão nhăn nheo ấy lại viết được văn mới lạ chứ!

Tôi càng tá hỏa khi biết lão đã là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội từ tận thập niên 60 của thế kỷ trước (lứa đầu tiên). “Chả mất công sức gì, lão cứ ngồi rút tỉa cái bồ chuyện mà nhân gian tự nguyện cho không ấy ra là thành văn rồi mang gieo trồng khắp các báo trong Nam ngoài Bắc” - lão tự hào.

Viết về các em đội viên, ông có bài thơ “Chú công an tý hon” đăng báo Độc lập, ngày 1-6-1959 và được NXB Văn học đưa vào “Hợp tuyển Thơ văn thiếu nhi 1945-1960”. Viết về làng Sủi quê mình, cả 6 lần tham gia các cuộc thi, ông đều đoạt giải: “Đường về làng quê không bị lấm giày” (Giải nhì cuộc thi Phóng sự - Bút ký báo Giao thông Vận tải năm 1998), “Nếp làng Sủi” (Giải ba cuộc thi Phóng sự báo Quân đội nhân dân năm 1998), “Hạnh phúc trên tay bà đỡ” (Giải B cuộc thi Sáng tác văn học “Tấm lòng người thầy thuốc” 1999-2000)... Nhưng đặc biệt nhất ở văn nghiệp của ông phó cạo này chính là mảng truyện ngụ ngôn, câu đối và châm ngôn.

Nhà văn Hoàng Tiến đã khắc họa chân dung Cao Văn Tuế: “Tác giả Văn Tuế là một ông lão nhỏ bé, xấu xí nhưng trời lại cho ông đầu óc khái quát, sâu sắc, thâm trầm. Nó đúc kết cái lẽ đời đen bạc, đổi thay, cái tình người ấm lạnh sớm chiều, bằng những câu nói ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc. Vừa có hơi khí cổ đại nhuần nhụy, xa xưa pha trộn với cái hiện đại sắc sảo thời thượng, tạo thành một lối nói riêng, khó ai bắt chước được”.

Đến nay, sau 15 năm tập trung vào mảng đề tài này, lão Tuế đã viết được gần 4.000 câu châm ngôn. Đó quả là những dòng tâm thức rút ruột ra mà viết của cả một đời người trải nghiệm. Những dòng tâm thức ấy khi ngắn gọn, mộc mạc: “Chê nhau nhăn mặt”, “Chán nhau quắt gan”; khi hóm hỉnh: “Bố con đều khôn, khó bàn/Chủ khách đều khôn, khó nói”, “Tủ chè có lúc thành chạn bát; chạn bát thành sao được tủ chè”; lúc lại rất biện chứng, suy tư: “Đồ cũ không thay, tủi chủ/Lòng người cũ không đổi, khách mừng”, “Nén hương ở bãi tha ma đượm lòng nhân hơn nén hương nơi cửa chùa”, “Người chê ta về đạo đức, ta cúi đầu/Người chê ta về trí tuệ ta mở mắt”.

Thậm chí, nhiều câu của ông hay đến độ có người khi sưu tầm để đăng lại trên báo, sách, lịch, đã nhầm là của... Khổng Tử: “Chê người mà được thưởng là gặp Thánh/Khen người mà bị phạt là gặp Thần”...

Là hậu duệ họ Cao, Văn Tuế cũng biết tôn kính tiền nhân theo cách của riêng mình: ông dày công khảo cứu về sự nghiệp thơ văn của Chu Thần và có phát hiện khá độc đáo - “Chất Thánh trong thơ Cao Bá Quát”; bài thơ “Cái chết của Cao Bá Quát” của ông cũng được đông đảo các thế hệ độc giả rất yêu thích bởi những vần thơ đã sắc sảo lại chan chứa tình:

Cái chết!
Ba họ chết cùng
Để lại ba bồ chữ
Làng được một Thánh thơ!

... Cái chết!
Xương không nằm trong mộ
Khi tưởng nhớ:
Nhìn trang sách mở
Trông lên trời...

Văn Tuế cũng rất thành công khi viết câu đối chữ Hán, mặc dù vốn Hán học của ông có được toàn là nhờ học lỏm mà cũng chỉ học để hiểu nghĩa chứ lão chẳng viết được lấy một nét mác. Ngoài câu đối quá nổi tiếng về tướng Nguyễn Sơn: “Chí tráng sơn hà lưỡng quốc tạc/Danh truyền sử sách thiên thư lưu”, ông còn có câu đối cực kỳ độc đáo, ngông ở chỗ là ông lão ít học này dám cả gan sửa cả chữ “Tả thanh thiên” của Thần Siêu vốn tồn tại suốt bao đời nay tại Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm: “Sơn tạc thi thư tâm khoát hải/Tháp giương nghiên bút chí cao thiên” (Núi tạc bài thơ, tâm hồn rộng như biển cả/Tháp bút giương lên, chí cao tới trời).

Tính đến nay, trong gần 4.000 dòng tâm thức của Văn Tuế, có hơn 1.000 câu châm ngôn đã được chọn đăng trên sách, báo, lịch. Để kỷ niệm một chặng đường cầm bút của người viết văn độc đáo nhất Việt Nam - người thợ cạo Cao Văn Tuế - năm 1995, NXB Văn hóa Thông tin đã chọn một số tác phẩm tản văn, thơ, châm ngôn, truyện ngụ ngôn của ông để in thành tập “Tâm văn” khá đầy đặn và thú vị.

  • Một tâm hồn bình dị

Đến gặp ông, tôi khó lòng dứt ra được bởi ông luôn say sưa luận bàn về nghề chữ nghĩa, nhất là cái nghiệp châm ngôn. Văn chương đã thành niềm say mê trọn đời nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông nhận mình là nhà văn, nhà thơ.

Cũng có người đã từng hỏi:
- Bác viết văn đã nhiều năm, được bao nhiêu giải thưởng, sao vẫn hành nghề cắt tóc?

Không chút đắn đo, ông cười bảo:
- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đang viết văn. Chỉ nghĩ mình là người thợ cắt tóc bình thường như bao người thợ khác ở đất nước mình. Những câu chuyện và châm ngôn tôi viết ra chẳng qua chỉ là cuộc sống xung quanh, mà tôi được nghe, được biết. Nhiều người khách đến cắt tóc đã kể cho tôi, họ mới chính là tác giả thực sự. Suốt đời tôi yêu nghề thợ cạo bình dị này bởi như câu châm ngôn tôi viết: “Dù đi sắp hết cuộc đời người thợ, cũng chưa khám phá hết cái hay của nghề mình”.

Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục