Tây Nam bộ không lo thiếu hàng hóa

Người tiêu dùng ở 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ có thể yên tâm, do hàng hóa thiết yếu đã được chính quyền địa phương, doanh nghiệp (DN) bán lẻ chuẩn bị đầy đủ. Số lượng hàng hóa ngành công thương đưa ra thị trường tăng gấp đôi so với thời điểm tết vừa qua. 
Hàng hóa đầy ắp trong các siêu thị ở ĐBSCL
Hàng hóa đầy ắp trong các siêu thị ở ĐBSCL

Hàng đầy ắp

Gần đây, khi số ca nhiễm virus gây bệnh Covid-19 tại Việt Nam tiếp tục tăng, người dân ở các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ đã có xu hướng mua hàng thiết yếu tích trữ để tránh tới nơi đông người. Nắm bắt nhu cầu của người dân, ngành công thương khu vực này đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu tăng công suất, đảm bảo cung cấp ra thị trường, không để xảy ra tình trạng đứt hàng, sốt giá.

Ở Long An, Sở Công thương tỉnh Long An đã thực hiện khảo sát, nắm thông tin về cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường tại 4 DN kinh doanh phân phối, bán lẻ (Công ty cổ phần Thương mại Mộc Hóa, siêu thị Co.opmart Tân An, Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An, Công ty Lương thực Long An). Qua làm việc, sở yêu cầu các đơn vị này chủ động nguồn hàng hóa tăng gấp đôi so với trước đó, nhất là những mặt hàng thiết yếu, để cung ứng khi người dân cần, ổn định thị trường và tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, khẳng định trong tỉnh chỉ xảy ra khan hiếm hàng hóa cục bộ duy nhất vào ngày 7-3 do người dân lo lắng và đổ xô đi mua tích trữ gạo, mì gói, nước chấm, gia vị, nước tẩy rửa... Từ ngày 8-3 tới nay, hàng hóa luôn được các nhà sản xuất, phân phối cung ứng kịp thời, không có tình trạng khan hàng, nhảy giá. 

Cũng như Long An, Sở Công thương tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường năm 2020 với sự tham gia của 22 DN có 76 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh, Tổng giá trị hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, sở đã liên kết với các nhà mạng triển khai thực hiện dịch vụ gửi tin nhắn cho 7.000 thuê bao di động trên địa bàn, tuyên truyền nhằm bình ổn thị trường hàng hóa. 

Tại Hậu Giang, như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thậm, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, ngay khi Việt Nam công bố ca mắc Covid-19 thứ 17, tỉnh đã lập đoàn kiểm tra liên ngành để khảo sát, chỉ đạo kịp thời cung cấp hàng hóa cho người dân. Qua kiểm tra cho thấy, hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa trong tỉnh dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Những địa phương khác như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ… sau khi nghe tin xuất hiện thêm ca mắc Covid-19, nhiều người dân đổ xô nhau đến mua hàng tại siêu thị, khiến sức tiêu thụ các loại nước rửa tay, khẩu trang... tăng đến 100%; nhóm hàng lương thực, thực phẩm bảo quản được lâu như đồ hộp cũng tăng mạnh. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc, thông tin kịp thời tới người dân về nguồn cung, giá cả và tới nay sức mua của người dân đã trở lại bình thường. 

Tăng hàng dự trữ, đảm bảo cung ứng

Theo các ngành chức năng, việc thiếu hàng hóa thiết yếu là khó xảy ra, bởi những DN sản xuất gạo, mì, nui, thực phẩm chế biến… đều đã tăng công suất gấp đôi, gấp ba so với thời điểm trước. Thêm vào đó, vùng ĐBSCL mỗi năm đều sản xuất hàng triệu tấn gạo để cung cấp cho xuất khẩu lẫn nội địa, nên việc thiếu lương thực là hoàn toàn khó xảy ra. Do đó, dù thời điểm TP Hà Nội có ca mắc Covid-19 thứ 17, ở khu vực này cũng chỉ có lượng mua tăng đột biến trong 2 ngày 7 và 8-3. Kể từ đó tới nay, tình trạng khan hiếm, thiếu hàng cung ứng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm chưa diễn ra. 

Đáng chú ý, nguồn hàng thiết yếu được đảm bảo lưu thông thông suốt tới tận tay người tiêu dùng, một phần còn do sự đồng hành của các nhà bán lẻ. Theo Saigon Co.op, nhà bán lẻ này có hệ thống siêu thị Co.opmart phủ đều khắp các tỉnh thành ĐBSCL. Trong nhiều năm nay, các siêu thị đều làm tốt công tác phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong vùng. Chính vì thế, khi có dịch xảy ra, Saigon Co.op đã chỉ đạo hệ thống siêu thị Co.opmart ở các tỉnh dự trữ hàng hóa tương đương với dịp Tết Nguyên đán 2020. Các mặt hàng này bao gồm gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống dịch như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường.

Để giúp người dân tránh tụ tập nơi đông người, các siêu thị Co.opmart đã tăng cường triển khai phương thức bán hàng và thanh toán trực tuyến. Cụ thể, từ ngày 16-3, siêu thị Co.opmart đã mở thêm dịch vụ nhận giao thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm qua phiếu đặt hàng. Đại diện của Saigon Co.op cho biết, điểm hạn chế của mua sắm qua điện thoại là người mua không được tận mắt nhìn thấy, đặc biệt đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống, gần như phải nhờ cậy hoàn toàn vào khả năng chọn lựa của nhân viên siêu thị. Chính vì vậy, hàng hóa được kinh doanh tại đơn vị được kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, từ giai đoạn nhập hàng đến lưu kho, vận chuyển và đưa lên kệ kinh doanh. Khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm với những món hàng do chính tay các nhân viên lành nghề của Co.opmart chọn. 

Có thể nói, sự vào cuộc của chính quyền và chung tay của DN, nhà phân phối đã và đang tạo sự ổn định trong cung ứng hàng hóa. Vấn đề quan trọng nhất trong lúc này, người tiêu dùng cần thông thái và tỉnh táo khi mua sắm, không đổ xô đi mua gom, mua vét hàng hóa số lượng lớn để tích trữ. Điều này sẽ làm bất ổn thị trường và tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng dân cư.

Ngành công thương các tỉnh Tây Nam bộ cho biết, các địa phương sẽ liên tục cập nhật tình hình cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đặc biệt, ngành chức năng các địa phương khu vực này sẽ tăng cường công tác kiểm tra niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục