Tây nguyên kéo nước chống hạn

Tây nguyên kéo nước chống hạn
  • Tây Nguyên: Kéo nước chống hạn cho cà phê

Do mùa mưa 2004 dứt sớm nên tình hình hạn hán trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang ngày một gay gắt, vì thế bà con nông dân ở các tỉnh đã đồng loạt ra quân chống hạn ngay từ những ngày đầu năm Ất Dậu. Tại Di Linh, Lâm Đồng (một trong những huyện trọng điểm cà phê của Tây Nguyên), ước có đến gần 60% trong tổng số 36.071 ha cà phê bị hạn và trong đó có 50% – 60% diện tích chưa được tưới do không có nguồn hoặc quá xa nguồn, không đủ chi phí. Giá thuê tưới cũng không quá cao: từ 40.000 – 60.000đ/giờ nhưng người dân vẫn đang chờ mưa xuống. Những diện tích nào tưới được bà con khoan giếng, đào ao để tưới.

Tây nguyên kéo nước chống hạn ảnh 1

Đào ao chống hạn cho rau ở phường 12 thành phố Đà Lạt.
  

Mới mùng 4-5 tết mà hầu như đi đâu cũng bắt gặp cảnh kéo ống nhựa, khiêng máy nổ để chống hạn cho cà phê và rầm rộ nhất vẫn là các xã có diện tích cà phê lớn như Tân Châu, Đinh Trang Thượng, Hòa Bắc. Được biết, vụ cà phê 2004 Di Linh thất thu do hạn sớm, năng suất giảm – mặc dù là khu vực trồng cà phê tốt nhất Tây Nguyên nhưng năng suất chỉ đạt bình quân 1,8 – 2 tấn/ha.

Ngay tại TP Đà Lạt, tình hình hạn hán cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất rau – hoa vụ đông-xuân. Ở dưới chân núi Lang Biang, nhiều nhà vườn thuộc Phước Thành (phường 7) phải tranh thủ thức đến tận khuya mới mong tích được nước mạch, suối chảy từ núi ra với khoảng 6 - 7m3/lần. Đây là điều chưa từng xảy ra ở vùng rau, hoa lớn nhất nước này.

Tại khu vực Thánh Mẫu, nhiều bà con phải thuê máy khoan từ dưới Phương Lâm, Định Quán lên khoan sâu 50m – 60m, chi phí khá cao lên đến hơn 10 triệu đồng nhưng cũng chỉ tưới được hơn 1 sào. Anh Lê Ngọc Dũng, một nông dân ở đây cho biết, có khoảng 20% diện tích đất trồng rau vụ này đang phải nghỉ do không có nước, nhiều bà con thuê máy khoan là vì họ đang chăm cây bó xôi theo hợp đồng xuất khẩu… Một số khác trồng hành lá thì đỡ lo nước hơn.

Tại tỉnh Đắc Lắc, ngay trong ngày làm việc đầu tiên (mùng 6 Tết), Sở NN-PTNT đã cử ngay một đoàn đi khảo sát tình hình chống hạn ở vùng hồ EaKao. Đây là một trong những hồ lớn của tỉnh và TP Buôn Ma Thuột với diện tích mặt hồ 200 ha, nhưng mực nước đã tụt so với trước gần 3m. Theo thống kê của sở này thì đã có khoảng 48.800 ha cà phê bị hạn không còn nguồn nước để tưới, chiếm diện tích 33% và nếu 2-3 tháng nữa không mưa là coi như tắc. Các hồ, sông suối nhỏ đã cạn, chỉ còn các hồ chứa lớn và ngành nông nghiệp đã chỉ đạo bà con chỉ tưới cầm chừng để tiết kiệm nước.

Đối với cây lúa, nhờ kiên quyết giảm gần 6.000 ha diện tích gieo trồng ở những vùng thiếu nước hay bị mất trắng nên vụ đông-xuân năm nay diện tích bị hạn chỉ còn 2.000 ha, nếu có mất trắng cũng chỉ khoảng 300 ha. Biện pháp tích cực mà ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra lúc này là ủ gốc bằng rơm rạ và lá cây khô để giữ ẩm cho cà phê, giữ ẩm cho đất, hạn chế bốc hơi.

Cũng do khô hanh nên ở một số nơi của tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông đã xảy ra cháy rừng lẻ tẻ nhưng diện tích không đáng kể.

  • ĐBSCL: Hàng chục ngàn ha rừng có nguy cơ cháy
Tây nguyên kéo nước chống hạn ảnh 2

Nhiều kênh rạch ở ĐBSCL bị khô cạn. 

Liên tục những ngày gần đây, nắng hạn gay gắt, nhiều cánh rừng ở ĐBSCL kiệt nước nghiêm trọng. Tại Kiên Giang, khoảng 60.000 ha rừng ở các đảo Phú Quốc, Kiên Hải và tứ giác Long Xuyên đứng trước nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5. Gần 1.000 ha rừng tràm và đồng cỏ năn ở Vườn Quốc gia Tràm chim (Đồng Tháp) cũng bị khô kiệt.

Báo động nhất là khoảng 10.000 ha rừng thuộc Lâm ngư trường U Minh 1, U Minh 3, Trần Văn Thời, rừng Đặc dụng Vồ Dơi (Cà Mau) đã bị khô kiệt nhiều ngày; dưới chân rừng không còn độ ẩm nên nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lực lượng kiểm lâm các tỉnh ĐBSCL tăng cường nhiều biện pháp canh giữ nghiêm ngặt, không cho người lạ vào rừng, đồng thời, chủ động bơm nước vào giữ độ ẩm. Riêng đảo Phú Quốc đã chủ động đốt gần 500ha đồng cỏ xung quanh rừng nhằm giảm nguy cơ cháy.

Chiều 15- 2, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Hiện nay, mực nước ở vùng Gò Công đã thấp hơn cùng kỳ từ 15 - 20cm. Tình hình nắng hạn và xâm mặn đến sớm hơn các năm khoảng 20 ngày và có chiều hướng diễn biến phức tạp trong những ngày tới.

Tại 3 huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công, có khoảng 29.000 ha lúa đông xuân trong giai đoạn trổ bông, cần nước tưới. Cống Vàm Giồng đã đóng kín nhiều ngày nay do xâm mặn, cống Xuân Hòa cũng bị ảnh hưởng nên việc lấy nước ngọt rất khó khăn. Giải pháp trước mắt là huy động nhiều máy bơm tập trung cứu lúa, tiếp tục nạo vét thủy lợi nội đồng để đưa nước vào càng nhiều càng tốt”. Trong khi đó, một số giếng nước ở đảo Kiên Hải và Phú Quốc (Kiên Giang) đang bị khô cạn từng ngày do nắng hạn. Hàng ngàn hộ dân đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, phải vào tận đất liền mua nước ngọt với giá cao. 

VĂN PHONG – PHƯỚC LỢI
 

                   Gieo cấy ngay những diện tích đã lấy nước
Ngày 15-2, Bộ NN - PTNT đã có cuộc họp đầu năm triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, lấy nước phục vụ sản xuất vụ chiêm xuân. Theo Bộ NN - PTNT, từ đầu tháng 2-2005 đến nay, các địa phương hầu như không có mưa, tại khu vực Bắc bộ lượng mưa phổ biến chỉ đạt từ 10-20mm nên nước trên hệ thống sông ở khu vực này đã xuống rất thấp.

Đặc biệt, sông Hồng chỉ dao động ở mức 2m. Tại Tây Nguyên và khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận, mực nước tại các công trình thủy lợi chỉ bằng 60% so với thiết kế. Trong khi đó, nhiều nơi còn lấy nước ngâm ải mà không tổ chức cấy ngay.

Bộ NN – PTNT đề nghị các địa phương tổ chức gieo cấy ngay những diện tích đã lấy nước, phân phối hệ thống nước liên tỉnh dưới hình thức tưới luân phiên. Bộ NN – PTNT cũng đề nghị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam duy trì lượng xả nước hồ Hòa Bình, Thác Bà lên mức 900 - 1.000m3/giây đến hết ngày 20-2. Các tỉnh phía Nam tập trung cho công tác tưới dưỡng những diện tích cây nông nghiệp đã gieo trồng.

Đến ngày 15-2, khu vực Bắc bộ đã gieo cấy được 480.000/656.800 ha, bằng 75% kế hoạch; Tây Nguyên gieo cấy xong 25.000 ha lúa nước; Ninh Thuận, Bình Thuận gieo cấy xong 13.000 ha lúa.  TH.N.

Tin cùng chuyên mục