Tết an hòa

Giá trị của sự an hòa có lẽ xuất phát từ trong thâm tâm, mọi người chia sẻ và cảm thông với nhau hơn và người ta dễ dàng bỏ qua, cảm thông cho nhau vì tình hình khó khăn chung.

Quan niệm chung của nhiều người, tết là dịp để trở về với gia đình, chốn quê để cảm nhận được tình cảm của người thân trong không khí đoàn viên. Đặc biệt là những người lao động đi làm xa quê vốn dĩ có quan niệm cả năm vất vả mưu sinh nên tết là phải trở về với gia đình, với người thân để nghỉ ngơi, thăm hỏi cha mẹ, kính nhớ tổ tiên. Tập quán đó, dường như đã ăn sâu trong tâm trí nhiều người. Thế nên, năm nào cũng vậy, mỗi dịp cuối năm, dù khó khăn vất vả, giá cả tàu xe tăng cao so với ngày thường, nhưng ít người chọn phương án ở lại đô thị, nơi làm việc ăn tết. Bởi lẽ, trong sâu thẳm mỗi người, không có gì cô quạnh hơn khi phải ăn tết xa nhà. Ai cũng có nhu cầu kể cho nhau nghe những chuyện buồn vui, những tháng ngày vất vả mưu sinh để cùng nguyện ước một năm mới an hòa.

Tết năm nay có lẽ khác, không ít người cảm nhận những khó khăn của kinh tế hiện hữu và dự cảm kéo dài nên có nhiều phương cách ứng xử khác nhau. Người chọn về quê sớm hơn để sắp xếp việc gia đình; người tranh thủ ở lại làm thêm việc này việc kia để có thêm thu nhập... Một cái tết có lẽ sẽ rất khác với những cái tết trước đây. Nhưng ăn tết ở đâu, không khí dịu mát tiết trời và sự ấm áp của tình người, cùng với những nguyện ước chân thành từ mỗi người, chúng ta cũng sẽ hy vọng một năm mới an hòa, để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức có thể đến trong những ngày tháng sắp tới.

Tết năm nay có lẽ sẽ có nhiều người ở lại TPHCM ăn tết hơn. Các khu xóm trọ của người công nhân, lao động có lẽ cũng rộn ràng hơn mọi năm vì còn những người ở lại cùng nhau đón thời khắc giao thừa. Và dường như, TPHCM vẫn luôn là nơi dung dị để mọi người có thể sẻ chia cho nhau bao tình cảm tốt đẹp. Những ngày này, ở đâu chúng ta cũng thấy sự sôi nổi về các hoạt động xã hội, việc thăm hỏi, động viên, chia sẻ cho những người khó khăn một cách chân thành. Điều đó đang làm cho cái tết năm nay độc đáo hơn với ý nghĩa của sự an hòa.

Giá trị của sự an hòa có lẽ xuất phát từ trong thâm tâm, mọi người chia sẻ và cảm thông với nhau hơn và người ta dễ dàng bỏ qua, cảm thông cho nhau vì tình hình khó khăn chung. Mọi người đều cố gắng mang đến cho nhau những món quà chứa đựng tình cảm chân thành. Nhiều hội đoàn, khu phố, xóm - hẻm dân cư đều đang có những hoạt động chăm lo tết cho người khó khăn. Sinh viên các trường đại học cũng đang tất bật tổ chức chương trình Xuân tình nguyện, đến những mái ấm, nhà mở để trang hoàng, sửa sang nơi ở của những người kém may mắn hơn mình, giúp họ được đón tết đầm ấm, an yên.

Tết năm nay, ta cũng cảm nhận sự an hòa khi thấy những món quà vượt ra khỏi khuôn khổ của phạm vi hành chính TPHCM để đến những tỉnh thành xa hơn. Những món quà đong đầy tình cảm, sự sẻ chia hơn là hoạt động mang tính nghĩa vụ với những người dân trong phạm vi thành phố. Hình ảnh lãnh đạo thành phố, những đoàn thiện nguyện đến những nơi xa xôi để trao gửi những món quà vốn dĩ mang nhiều giá trị tình cảm hơn là giá trị vật chất. Đó là sự an hòa của lòng người, là tình cảm đong đầy của người dân TPHCM với những nơi từng sẻ chia tình cảm với thành phố trong những thời khắc khó khăn do dịch bệnh.

Tết năm nay, trong hành lý của người thân xa quê trở về có lẽ cũng không có nhiều quà bánh như thường lệ của người đi xa trở về với một chút lòng thành. Tết năm nay, có thể có những gia đình ăn tết không sung túc như mọi năm. Nhưng có lẽ giá trị tình thân và sự hiện diện của nhau, biết nhau còn khỏe và trao nhau những nguyện ước tươi đẹp cho năm mới là món quà quý giá nhất.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội

Tin cùng chuyên mục