Thách thức bản thân


U.23 Việt Nam lọt vào tứ kết giải U.23 châu Á là một sự trùng hợp thú vị với sự kiện mang tính lịch sử tương tự cách đây hơn 1 thập niên. Năm 2007, với tư cách là 1 trong 4 quốc gia đăng cai giải vô địch bóng đá châu Á - Asian Cup, Việt Nam lần đầu tiên tham dự một VCK giải châu Á dành cho đội tuyển quốc gia và chúng ta tạo nên cơn địa chấn khi là đội bóng Đông Nam Á duy nhất lọt vào tứ kết. Đối thủ trong trận đấu tứ kết ngày đó cũng chính là Iraq.

Kỳ tích Asian Cup 2007 còn được nhớ đến nhiều hơn bởi sau đó 1 năm, Việt Nam lần đầu tiên vô địch AFF Cup, cũng là danh hiệu Đông Nam Á duy nhất ở cấp đội tuyển quốc gia, U.23 Việt Nam cho đến nay. Vinh quang AFF Cup 2008 được nhìn nhận là sự tổng hòa của nhiều yếu tố không thể tách rời: Dàn cầu thủ chơi bóng chung lâu năm, được trui rèn từ V-League có chất lượng cao, được thử sức liên tục ở các trận đấu quốc tế tầm cỡ như Asian Cup và cuối cùng là có một huấn luyện viên giàu kinh nghiệm như Henrique Calisto. 

Những gì đang diễn ở VCK U.23 châu Á không khác so với 10 năm trước. Chúng ta có một dàn cầu thủ dù rất trẻ nhưng đã được trưởng thành từ các trận đấu đẳng cấp cao như U.20 World Cup, U.19, U.23 châu Á trong suốt 2 năm qua. Họ cũng đang là trụ cột tại các CLB ở V-League và được dẫn dắt bởi một HLV ngoại giàu kinh nghiệm và có đẳng cấp cao. 
Có một sự trùng hợp khác mà chúng tôi cũng muốn nhắc đến, đó là 10 năm trước, U.23 Việt Nam từng thất bại thảm hại ở SEA Games 2007, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì nhiều đến sức mạnh của đội tuyển quốc gia sau đó. Lần này cũng vậy, những cầu thủ đang đá tại Trung Quốc hiện nay dường như không cho thấy thất bại ở SEA Games 2017 ảnh hưởng đến mình. Điều này chứng minh việc chúng ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào những sân chơi tầm khu vực như SEA Games là không cần thiết bởi ở góc độ nào đó, các đội tuyển Việt Nam hiện đã quen thuộc hơn với những đấu trường đẳng cấp cao như châu Á, Asiad hay thậm chí là World Cup. 

Nói như vậy không có nghĩa là bóng đá Việt Nam đã phát triển đến đẳng cấp đó, cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ xem nhẹ các sân chơi khu vực như SEA Games, thế nhưng bóng đá nói riêng cũng như thể thao nói chung, nếu không tự đặt cho mình các thách thức lớn, không hướng đến việc thu ngắn khoảng cách với những đối thủ vượt xa mình thì sẽ khó có đủ động lực hoặc tầm nhìn để xây dựng chiến lược phát triển. 
Lấy ví dụ như cuộc phiêu lưu của U.23 Việt Nam ở VCK châu Á. Chiếc vé vào tứ kết là thành quả của một lối chơi biết mình - biết người và nỗ lực vượt qua chính mình của các cầu thủ khi họ đối đầu với các đối thủ mạnh hơn về mọi mặt. Cuộc phiêu lưu ấy hoàn toàn có thể được tiếp tục trong trận đấu với Iraq tối nay, nhưng ngay cả khi dừng lại thì người hâm mộ cũng như bản thân các cầu thủ vẫn hoàn toàn có đủ niềm tin để tiến hành cuộc chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018 vào cuối năm nay. Bởi điều quan trọng có được từ những đấu trường lớn tại châu Á là giúp chúng ta có câu trả lời cho những vấn đề như HLV nội hay ngoại, lối chơi nào phù hợp với thể trạng và năng lực cầu thủ Việt Nam.

Thật ra, những vấn đề trên từng được giải đáp hơn 10 năm trước, nhưng suốt thời gian qua, thay vì kiên định duy trì công thức đó, bóng đá Việt Nam lại sa đà vào những sự thay đổi mang tính tiểu tiết, yếu tố ngắn hạn, cục bộ. Hy vọng từ những gì mà HLV Park Hang-seo và các học trò đã làm được tại VCK U.23 châu Á, bóng đá Việt Nam sẽ kiên định và kiên nhẫn hơn để kịp hoàn thành mục tiêu của “Chiến lược phát triển bóng đá tầm nhìn 2030” mà Chính phủ đã phê duyệt.

Tin cùng chuyên mục