Hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng
Với tiêu đề “Thích ứng và khả năng phục hồi ở ASEAN: Quản lý rủi ro thiên tai do các hiểm họa tự nhiên”, báo cáo cho biết đến năm 2050, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch và ngư nghiệp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và năng suất lao động. Trong khi đó, theo dự báo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey, tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị đe dọa bởi lũ lụt sẽ nằm ở châu Á.
Báo cáo nhấn mạnh 600 triệu người dân khu vực đứng trước nguy cơ phải chịu đựng thời tiết nóng bức hơn, các đợt gió mùa kéo dài và hạn hán gia tăng, do nhiệt độ toàn cầu trong 20 năm tới dự báo sẽ tăng 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo kêu gọi các chính phủ thực hiện chính sách lớn, tăng cường khả năng chống chịu trước các thảm họa thiên nhiên và tập trung chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai nên tập trung vào các điểm yếu của cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái và các nhóm xã hội của ASEAN.
Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu cho thấy những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với hệ sinh thái và các hoạt động nông nghiệp của ASEAN. Theo chỉ số này, có 3 nước ASEAN đối mặt với nguy cơ cao nhất trong giai đoạn 2000-2019 là Myanmar (xếp thứ 2), Philippines (thứ 4) và Thái Lan (thứ 9). Hai nước nằm trong nhóm rủi ro thấp nhất là Brunei và Singapore.
Cần xác định đặc điểm rủi ro
Thiên tai trong nhiều năm qua đã gây ra những tổn thất cả vật chất và con người vô cùng nặng nề trên toàn thế giới. GS Fabrice Renaud, Trường Nghiên cứu liên ngành của Đại học Glasgow, đồng tác giả dự án, cho biết: “Các nước ASEAN có nguy cơ về hiểm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu không đồng đều do có đặc điểm, khả năng bị tác động và tổn thương khác nhau… Việc xác định đặc điểm của các rủi ro từ những hiểm họa ở cấp địa phương sẽ là yếu tố bắt buộc để đưa ra các biện pháp thích ứng phù hợp, giảm thiểu rủi ro một cách bền vững”.
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ về châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến 96% số người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán và 64% bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, như bão, tác động đến ngành nông nghiệp bằng cách gây hư hại tài sản và dòng chảy kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh việc đề xuất tất cả các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai cần được xem xét một cách có hệ thống và bình đẳng để đảm bảo rằng các biện pháp tốt nhất trong dài hạn được lựa chọn, báo cáo lưu ý rằng đến nay, Đông Nam Á đã có nhiều tiến bộ trong việc chuẩn bị đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan, như các dự án khí hậu ở địa phương. Tuy nhiên, việc thông tin hạn chế về tiến bộ này sẽ cản trở các đánh giá thấu đáo về khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai, khiến ASEAN khó dự đoán các điều kiện khí hậu này. GS Benjamin Horton, Giám đốc EOS, người đứng đầu dự án, cho rằng, điều này đe dọa những tiến bộ trong phát triển con người và xóa đói nghèo mà ASEAN đã đạt được trong những thập niên gần đây.