Theo giới phân tích, phân khúc điện và điện tử (E&E) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế, và Malaysia đang duy trì đảm bảo các dự án chất lượng cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này.
Malaysia hiện là nhà xuất khẩu chất bán dẫn và vi mạch tích hợp (IC) lớn thứ 6 trên thế giới - chiếm 6,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, và ngành E&E chiếm 61,7% xuất khẩu của Malaysia. Mặc dù không ở mức kỷ lục như năm 2021, nhưng E&E tiếp tục được kỳ vọng là ngành đầu tư đóng góp lớn nhất, với số vốn đã được phê duyệt trong năm 2022.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng do Malaysia có một trong những hệ sinh thái toàn diện nhất trong khu vực về E&E, máy móc và thiết bị, hàng không vũ trụ, ô tô và thiết bị y tế… Các khoản đầu tư được phê duyệt cho ngành E&E trị giá 18,6 tỷ RM (4,22 tỷ USD) trong quý đầu năm 2022, và tổng số 13.700 cơ hội việc làm dự kiến sẽ được tạo ra từ các dự án này.
Về lâu dài, ngành E&E đặt mục tiêu đóng góp 120 tỷ RM vào GDP của Malaysia, tạo ra thu nhập xuất khẩu 95 tỷ RM (21,56 tỷ USD) trong năm 2025. Dự báo, sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Malaysia, theo chân các công ty điện tử lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới, cụ thể là Intel, ST Microelectronics, Infineon, Micron, Texas Instruments, TF-AMD và Osram.
Trong bối cảnh thương mại kỹ thuật số ngày càng trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế trên toàn thế giới, thì nền kinh tế Malaysia cũng không ngoại lệ. Báo Bangkok Post dẫn số liệu của Cục Thống kê Malaysia cho biết, nền kinh tế kỹ thuật số của nước này, bao gồm thương mại điện tử và công nghệ thông tin, đã đóng góp 68,6 tỷ USD hay 19,1% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2019. Các con số tiếp tục tăng, và thương mại kỹ thuật số được dự báo sẽ chiếm 22,6% GDP vào năm 2025.
Tuy nhiên, tỷ lệ số hóa tổng thể và tỷ lệ chấp nhận kỹ thuật số cho các doanh nghiệp ở Malaysia vẫn còn tương đối thấp. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các công ty lớn hơn áp dụng thương mại điện tử với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Tỷ lệ chấp nhận thương mại điện tử và công nghệ kỹ thuật số thấp đặt ra thách thức lớn đối với việc mở rộng thương mại kỹ thuật số, do SMEs chiếm 98,5% doanh nghiệp của Malaysia. Chỉ số chấp nhận kỹ thuật số của WB cho thấy, các doanh nghiệp Malaysia tụt hậu xa so với các doanh nghiệp cùng ngành ở Singapore và các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có thu nhập cao khác, cũng như một số nền kinh tế ASEAN - bao gồm Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Hiện tại, Malaysia được xếp hạng trong số 11 quốc gia hạn chế nhất đối với thương mại kỹ thuật số, dựa trên Chỉ số hạn chế thương mại kỹ thuật số do OECD tổng hợp. Con số này cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn nhiều so với các nền kinh tế láng giềng như Philippines và Singapore.
Theo ông Calvin Cheng, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, để mở rộng thương mại được hỗ trợ kỹ thuật số, quốc gia này phải giải quyết từ các rào cản ở cấp độ vĩ mô - như sự sẵn có của cơ sở hạ tầng chất lượng và các hạn chế thương mại kỹ thuật số, đến những thách thức ở cấp độ vi mô - như việc áp dụng công nghệ của SMEs.