Thấm thía nhiều bài học sâu sắc về một nhân vật lịch sử

Tại hội thảo tưởng niệm 80 năm ngày mất Phan Châu Trinh, nhiều ý kiến đã làm rõ những khía cạnh khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.GS-NGND Đinh Xuân Lâm: Người có tư tưởng dân chủ đầu tiên ở VN
Thấm thía nhiều bài học sâu sắc về một nhân vật lịch sử

Tại hội thảo tưởng niệm 80 năm ngày mất Phan Châu Trinh, nhiều ý kiến đã làm rõ những khía cạnh khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp của cụ. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.

GS-NGND Đinh Xuân Lâm:
Người có tư tưởng dân chủ đầu tiên ở VN

Thấm thía nhiều bài học sâu sắc về một nhân vật lịch sử ảnh 1

Cụ Phan Châu Trinh (1872-1926)

Tổng kết cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh, có thể khẳng định rằng: đặt trong điều kiện lịch sử VN đầu thế kỷ 20, xu hướng chính trị và những hoạt động của Phan Châu Trinh đã có tác dụng tích cực đến phong trào cách mạng thời đó, do chỗ yêu cầu khát vọng dân chủ, khát vọng dân quyền cụ đề xướng là phù hợp thời đại, phù hợp với bước tiến của cách mạng VN đang chuyển từ phạm trù cũ phong kiến sang phạm trù mới có tính chất tư sản.

Dưới ảnh hưởng của xu hướng chính trị và những hoạt động sôi nổi của cụ, một cuộc vận động cải cách dân chủ rộng lớn đã được phát động tại miền Trung và nhanh chóng lan rộng ra cả nước, tấn công khá quyết liệt vào hệ tư tưởng phong kiến, thực hiện cải cách phong tục, đẩy mạnh phát triển công thương nghiệp…Không còn nghi ngờ gì nữa, Phan Châu Trinh là người đầu tiên có tư tưởng dân chủ ở VN.

Phan Châu Trinh đã xuất hiện trên vũ đài chính trị nước ta đầu thế kỷ 20 với tư cách một nhà yêu nước khẳng khái, trung thực, bất khuất trước cường quyền, một sĩ phu tiến bộ suốt đời hăng hái và kiên trì phấn đấu cho việc phát huy dân chủ, dân quyền ở nước ta.

Với tư cách đó, Phan Châu Trinh thật xứng đáng chiếm một vị trí cao trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, trong công cuộc đổi mới hiện nay của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, những bài học về dân chủ, dân quyền từ thời gian Phan Châu trinh vẫn còn giá trị, đã có và đang có ý nghĩa to lớn.

Giáo sư Văn Tạo:
Đám tang của con người bất tử

Cụ Phan không bị cái chết bi thảm như các chiến sĩ cách mạng khi lên đoạn đầu đài còn để lại những di ngôn bất hủ thôi thúc hậu thế đứng lên, nhưng cái chết của cụ lại gieo mầm cho sự sống. Hoạt động yêu nước của cụ tuy chưa thành công nhưng tư tưởng duy tân, tinh thần bất khuất, chủ trương duy tân cứu nước của cụ lại thấm sâu vào lòng người khiến đám tang của cụ lại là đám tang của con người bất tử. Đám tang của cụ đã có tác dụng thúc đẩy các phong trào yêu nước lúc đó lên cao…

Đám tang của cụ Phan Châu Trinh còn là dịp để các nhà báo cách mạng công khai trên trường báo chí. Nó đã góp phần đưa phong trào quần chúng để tang cụ Phan Châu Trinh ở cả lục tỉnh, đặc biệt là ở Sài Gòn, Chợ Lớn lên cao… Tác động lớn nhất và sâu xa nhất từ phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh là đã làm dấy lên hành động bãi khóa của học sinh các trường học, nhất là các trường trung học có tiếng lúc đó như trường Bưởi Hà Nội, Trường Trung học Nam Định, Trường Quốc học Huế…Học sinh bãi khóa đòi để tang nhà ái quốc…

Dưới chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, tang lễ cụ Phan Châu Trinh được tổ chức thành công như ngòi pháo cổ vũ phong trào đấu tranh yêu nước bung ra toàn quốc. Tiến theo các nhà cách mạng xuất sắc xuất hiện trong cuộc để tang Phan Châu Trinh, đòi ân xá Phan Bội Châu, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên, sinh viên, học sinh, trí thức yêu nước ở cả ba kỳ, từ thành thị đến thôn quê, xuất thân từ công nhân, nông dân, con em các gia đình trung, tiểu địa chủ, thậm chí con em các gia đình quan lại, hào mục…đã tìm đến với cách mạng. Một số đã trở thành lực lượng trung kiên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thế kỷ XX theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn…

“Sống là thể phách, còn là tinh anh”. Trong xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà chúng ta đang xây dựng, tinh anh của Phan Châu Trinh là bất diệt.

* Phan Châu Trinh sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc nguyên thuộc tổng Vĩnh Quý huyện Hà Đông tỉnh Quảng Nam, nay là huyện Phú Ninh tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình, một võ quan nhỏ và mẹ là Lê Thị Chung.

Năm 28 tuổi, Phan Châu Trinh đậu cử nhân, năm 29 tuổi, đậu phó bảng. Năm 31 tuổi (1903) ra Huế làm quan thừa biện Bộ Lễ. Thời gian này ông kết giao với Phan Bội Châu nhưng bác thuyết bài ngoại và bạo động của Phan Bội Châu. Năm 32 tuổi, Phan Châu Trinh thắt chặt quan hệ với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp triển khai vận động phong trào duy tân tại Quảng Nam.

Năm 34 tuổi, cụ ra Bắc kết giao với các nhân sĩ Bắc Hà và những người Pháp tiến bộ, đi Nhật 2 tháng rồi quay về hoạt động ở Hà Nội. Năm 36 tuổi (1908), cụ bị bắt và bị đày đi Côn Đảo. Giữa năm 1909, Phan Châu Trinh được tha về đất liền. Năm 39 tuổi (1911), được sự đồng ý của nhà cầm quyền Pháp, Phan Châu Trinh xuống tàu đi Pháp và ở lại Pháp 14 năm. Thời gian này cụ vẫn tiếp tục hoạt động chính trị và có liên hệ với Nguyễn Tất Thành.

Sau 14 năm ở Pháp, ngày 26-6-1925, Phan Châu Trinh trở về Việt Nam, công bố chủ trương đường lối của phong trào duy tân và lãnh đạo phong trào cho đến ngày qua đời (24-3-1926).

NHÓM PVCT

Hội thảo tưởng niệm 80 năm ngày mất Phan Châu Trinh

“Cụ Phan Châu Trinh là nhà yêu nước lớn, có nhiều đóng góp trong phong trào yêu nước trong những năm đầu thế kỷ 20 của nhân dân ta. Vào thời điểm này cách đây 80 năm, ngày 24-3-1926, đám tang của cụ Phan Châu Trinh đã có hàng vạn người tham gia, có tác động lớn đối với phong trào cách mạng ở thành phố và cả nước. Chính vì ý nghĩa quan trọng này, hàng năm, TPHCM đều tổ chức tưởng niệm tại Khu lưu niệm của cụ Phan Châu Trinh ở quận Tân Bình. Năm nay, hội thảo tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ Phan Châu Trinh được tổ chức ở tầm lớn hơn, phong phú hơn, giúp chúng ta thấm thía nhiều bài học sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử, một nhà yêu nước khẳng khái, trung thực, bất khuất, kiên trì phấn đấu cho tư tưởng dân chủ, dân quyền ở nước ta”. Đó là phát biểu của đồng chí Phan Xuân Biên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban TT-VH Thành ủy TPHCM và là thành viên ban tổ chức Hội thảo tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ Phan Châu Trinh diễn ra tại TPHCM vào ngày 23-3-2006 do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước là cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh; Phạm Phương Thảo, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Sĩ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam; Hồ Thị Thanh Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam; Võ Công Trí, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo TP Đà Nẵng; Nông Thị Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Giáo sư-Anh hùng Lao động Vũ Khiêu; GS-NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS-TS Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện gia đình con cháu cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Nguyễn An Ninh cùng hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học đã tới dự.

Hội thảo đã nghe 7 bài tham luận và 8 ý kiến thảo luận về thân thế, sự nghiệp của cụ Phan Châu Trinh; những đóng góp to lớn của cụ Phan Châu Trinh đối với phong trào yêu nước, phong trào cách mạng Việt Nam, nhất là những năm đầu thế kỷ 20; tác động của đám tang cụ Phan Châu Trinh (năm 1926) đối với phong trào yêu nước thế kỷ 20. Phát biểu tổng kết hội thảo, GS-NGND Phan Huy Lê đã khẳng định: “Phan Châu Trinh là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn”.

Tin cùng chuyên mục