Theo số liệu được công bố, số tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng và mất tích trong bão số 1 (Chanchu) của TP Đà Nẵng còn 4,7 tỷ đồng chưa giải ngân. Cũng hơn 7 tháng qua có nhiều gia đình gặp nạn trong cơn bão này đang phải chịu cảnh túng thiếu, không có điều kiện để chuyển đổi ngành nghề, tìm nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.
Trong sáng 12-12, hàng chục người trong số họ thuộc địa bàn quận Liên Chiểu đã kéo đến UBND quận để khiếu nại về việc chậm hỗ trợ tiền khắc phục hậu quả...
Ông Nguyễn Đức Ký (tổ 44, phường Xuân Hà), đại diện cho 33 hộ dân ở phường Thanh Lộc Đán và phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) có thân nhân bị thiệt mạng trong bão số 1 vừa qua, bức xúc: “Báo chí đã nhiều lần phản ánh về việc chính quyền và các ngành chức năng chậm giải ngân số tiền hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân, thế nhưng đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được số tiền còn tồn đọng đó. Trong khi tiền thì bỏ tủ khóa kín, còn chúng tôi thì thiếu trước hụt sau, không có vốn để chuyển đổi ngành nghề, tìm kế sinh nhai”.
Theo đơn khiếu nại mà thân nhân của các ngư dân bị nạn gởi các cấp chính quyền TP Đà Nẵng thì đã mấy tháng nay gia đình họ không có tiền để làm ăn. Số tiền mà các tổ chức cá nhân cũng như những hỗ trợ ban đầu của chính quyền thành phố họ đã chi tiêu cho việc ma chay, sửa chữa nhà cửa và một số nằm trong sổ tiết kiệm dài hạn không thể rút sớm trước thời hạn. Trong khi đó, khu chợ Quán Hộ mà chính quyền quận Liên Chiểu đầu tư xây dựng để giải quyết việc chuyển đổi ngành nghề cho những gia đình này đến ngày 15-12 này là đưa vào hoạt động, nhưng hiện tại thì họ không biết lấy đâu ra vốn để mua hàng hóa về buôn bán.
Bà Bùi Thị Kê, trú tổ 22, phường Thanh Khê Đông, có chồng và con trai bị thiệt mạng trong bão số 1, than thở: “Do một lúc mất đi chồng và con trai là 2 lao động chính nuôi sống cả gia đình gần 10 người, nên cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, tôi hỏi văn phòng UBND thành phố nhờ hỗ trợ thì ở đây chỉ xuống Sở LĐ-TB-XH, Sở thì chỉ xuống quận, quận lại chỉ lên thành phố. Cứ lòng vòng như thế nên bây giờ tôi không biết phải gõ cửa nào cho đúng? Nếu không giải quyết thì tôi viết đơn gởi lên Trung ương nhờ can thiệp. Bởi tiền thì nằm ứ đọng, trong khi nhiều gia đình như tôi phải chịu cảnh khó khăn”.
Tại Quyết định số 6143 của UBND TP Đà Nẵng ngày 8-9-2006, có ghi rõ: Dành khoảng 4,7 tỷ đồng hỗ trợ thân nhân gặp nạn trong bão số 1/2006 bằng hình thức cấp sổ tiết kiệm. Giao cho Sở LĐ-TB-XH phối hợp cùng UBND các quận có liên quan và các tổ chức xã hội, đoàn thể thực hiện và phải hoàn thành trước ngày 10-9-2006. Ngay sau đó, Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng đã có tờ trình gởi UBND TP Đà Nẵng với đề nghị hỗ trợ theo 3 mức: 50, 70 và 80 triệu đồng cho mỗi hộ có thân nhân bị thiệt mạng trong bão số 1 bằng hình thức sổ tiết kiệm dài hạn. Thế nhưng, đến nay đã gần 2 tháng trôi qua nhưng số tiền 4,7 tỷ đồng vẫn chưa được giải ngân. Không hiểu vì lý do gì mà UBND TP Đà Nẵng lại chậm trễ đến vậy?
Một điều đáng nói nữa là, nếu thực hiện theo Quyết định số 6143 của UBND TP Đà Nẵng là hỗ trợ bằng sổ tiết kiệm dài hạn (nghĩa là người dân không được rút tiền trước thời hạn – NV) thì không biết rằng những năm “ngồi chờ” cho sổ tiết kiệm đến hạn, người dân sẽ sống bằng nguồn thu nhập gì trong khi hiện tại không có vốn để buôn bán, làm ăn.
Ông Nguyễn Đức Ký, cho rằng: Hiện tại thì gia đình chúng tôi cũng đã có 1 đến 2 sổ tiết kiệm của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân từ thiện trong cả nước hỗ trợ, nhưng toàn là sổ tiết kiệm dài hạn. Trong khi, chúng tôi đang cần vốn để làm ăn sinh sống. Nếu nguồn tiền 4,7 tỷ đồng mà thành phố hỗ trợ bằng sổ tiết kiệm nữa thì “của để dành” thì nhiều, trong khi cuộc sống trước mắt khó khăn và việc làm thì không có. Thiết nghĩ thành phố nên có quyết định hợp lý, sát với thực tế người dân hơn.
NGUYỄN HÙNG