Tháng 9, ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới

PHAN THẢO

(SGGPO). - Chiều 24-3, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý 1-2017. Nhiều vấn đề liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ 2017, Chương trình Giáo dục phổ thông mới, điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư... được báo chí tập trung chất vấn bộ GD-ĐT.

Báo chí đặt vấn đề về tiến độ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, liệu có kịp tiến độ vào năm 2018 như đã đặt ra?

Trả lời về câu hỏi này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, Chương trình đã được thông qua Hội đồng Thẩm định, dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9-2017. Hiện nay, dự thảo đã được chuyển đến các cục, vụ chức năng của Bộ GD-ĐT để cho ý kiến, sau đó Bộ trưởng quyết định ngày công bố.

Theo dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học, gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương (TPHCM) nghe tư vấn về cách nuôi dưỡng tâm hồn, sống đẹp

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số. Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2. Giai đoạn THPT là giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Về điểm mới nhất của chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết khác biệt lớn nhất là ở THPT, vì sẽ theo tinh thần giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc, là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2. Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; còn lại là các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Trước băn khoăn liệu mốc thời gian 2018 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới có thể được thực hiện, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định sẽ bảo đảm, vì phấn đấu tháng 9 chương trình được ban hành. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện để đội ngũ viết sách giáo khoa làm việc; Bộ cũng cần làm việc với Chính phủ để chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm điều kiện tối nhiều về giáo viên, cơ sở vật chất. Vì nếu không chuẩn bị đủ điều kiện, không thể thực hiện thành công chương trình.

“Quan điểm của Ban Soạn thảo là phải bảo đảm chất lượng, nếu đến thời điểm đó mà cảm thấy chương trình chưa bảo đảm thì cần thiết phải xin ý kiến của Ban Bí thư, Quốc hội”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Nhiều vấn đề về Chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng được đặt ra như năm học 2018-2019 triển khai thì theo hình thức nào, cuốn chiếu hay đồng loạt, có dạy thử nghiệm không? Điều kiện để bảo đảm chương trình giáo dục phổ thông, vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất đã được Bộ GD-ĐT chuẩn bị đến đâu, vì chương trình-sách giáo khoa có hay đến mấy mà không bảo đảm đủ điều kiện thì cũng sẽ khó thành công…?

Trả lời điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong quá trình biên soạn chương trình đã được đưa vào vận dụng trong thực tế giảng dạy để tiếp nhận phản hồi của giáo viên, học sinh. Khi đi vào triển khai, sẽ dạy cuốn chiếu, bắt đầu dạy từ các lớp đầu cấp, sau đó triển khai ra các lớp khác.

Vừa qua xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm lại tình dục, thành vấn đề nhức nhối, vì vậy xã hội đặt vấn đề về giáo dục giới tính trong nhà trường. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, giáo dục giới tính, bảo vệ quyền trẻ em được đặt ra sâu sắc tại Chương trình Giáo dục phổ thông mới, mục tiêu đặt ra là xây dựng môi trường giáo dục an toàn. Giáo dục giới tính sẽ lồng ghép vào môn sinh học, giáo dục giới tính, được tích ở những môn như sư phạm. 

“Để bảo vệ trẻ em, cần sự chung tay của gia đình và toàn xã hội. Qua những vụ ấu dâm vừa rồi càng cho thấy điều đó. Song song, pháp luật phải xử lý thật nghiêm tội phạm ấu dâm”, GS Thuyết nhấn mạnh.

Về tuyển sinh 2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm 2017, tổng chỉ tiêu đại học và cao đẳng sư phạm là khoảng 392.000, so với năm 2017 giảm 30.000. Tổng thể chỉ tiêu là giảm, trong đó sư phạm giảm 20% (chỉ còn khoảng  52.000 chỉ tiêu). Trên tổng số thí sinh thi năm nay là gần 1 triệu thí sinh, thì thí sinh học lên ĐH, cao đẳng sư phạm không nhiều, vẫn còn trên 600.000 thí sinh không trúng tuyển vào ĐH-CĐ mỗi năm. Số này sẽ vào học cao đẳng, nghề. Riêng chỉ tiêu sư phạm giảm 20% để  không xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên. Sau này có quy hoạch này thì sẽ tính toán được mỗi năm cần đào tạo bao nhiêu chỉ tiêu sư phạm.


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục