Ngày 8-8-1967, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định 121/CP và mới đây Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm ký Quyết định 134/2002/QĐ-TTg đều quy định giờ chính thức ở Việt Nam là múi giờ thứ 7 và Âm lịch ở nước ta được tính theo múi giờ chính thức này. Tuy nhiên, do không hiểu đúng hoặc không tính toán đúng nên có nhiều ý kiến thắc mắc về sự chênh lệch số liệu trong các ấn phẩm lịch lưu hành trong nước, hiểu không thống nhất về lịch Âm.
Cũng như lịch Trung Quốc, lịch Việt Nam được tính theo các quy tắc sau: Ngày đầu tháng là ngày Sóc (không trăng); năm bình thường có 12 tháng, năm nhuận có 13 tháng; ngày Đông chí luôn rơi vào tháng 11; trong năm nhuận tháng không có Trung khí (tiết khí ứng với một vị trí nhất định của trái đất trên quỹ đạo quanh mặt trời) là tháng nhuận; nếu trong năm nhuận có 2 tháng không có Trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông chí được coi là tháng nhuận. Như vậy, tháng nhuận được xác định dựa trên việc so sánh 2 đại lượng là các ngày Sóc và Trung khí, tháng nào không chứa Trung khí thì đó là tháng nhuận.
Trong khi tính lịch, người ta chỉ cố định ngày đầu tháng là ngày Sóc, còn ngày trăng tròn không phải luôn rơi vào ngày 15. Thí dụ ngày trăng tròn tháng 7 (cả tháng 7 nhuận) và tháng 8 Âm lịch năm nay đều rơi vào ngày 16, còn ở tháng 6 Âm trước đó thì rơi vào ngày 17. Do có sự chênh lệch giữa lịch Âm và lịch Dương, cho nên tháng nhuận là tháng nhằm thu ngắn sự chênh lệch giữa 2 lịch này để khớp với vòng quay của trái đất quanh mặt trời. Năm 2004, tháng nhuận là tháng 2, năm 2006 là tháng 7 và năm 2009 là tháng 5, 2012 là tháng 4.
TRẦN TIẾN BÌNH
(Ban Lịch Nhà nước)