Chuyện mới ở ĐBSCL

Thanh niên rủ nhau đi làm việc nước ngoài

Thanh niên rủ nhau đi làm việc nước ngoài

Để đổi đời, những năm trước đây, nhiều gia đình ở các tỉnh ĐBSCL cho con đi xuất ngoại - lấy chồng Đài Loan. Còn bây giờ gần 10 ngàn gia đình khác đã chọn con đường mới: đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để thoát nghèo nhanh…

  • Từ người thật, việc thật...
Thanh niên rủ nhau đi làm việc nước ngoài ảnh 1

Anh Huỳnh Tấn Lam ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) đang được tư vấn để đi nước ngoài làm việc.

“Lúc đầu nghe chính quyền địa phương tuyên truyền vận động cho con đi nước ngoài làm việc, vợ chồng tui lo lắm. Đi xa như vậy, lỡ có chuyện gì ai bảo vệ con mình, liên lạc với chúng bằng cách nào?

Thế rồi được tư vấn cặn kẽ, hiểu rõ cái lợi khi cho con đi XKLĐ, gia đình tui quyết định thử cho thằng lớn đi Malaysia làm việc. Sang đến nơi nó viết thư về khoe làm ở hãng dệt, công việc cũng nhẹ nhàng và thu nhập cao gấp nhiều lần so với quê nhà.

Lúc này gia đình tui mới yên tâm. Sau 9 tháng ở bển, nó tiết kiệm gởi về cho gia đình tui trên 20 triệu đồng. Mới đây, vợ chồng tui lại quyết định cho thêm hai đứa nữa đi Đài Loan và Malaysia làm việc…”.

Với giọng chân chất, phấn khởi, bà Nguyễn Thị Nga ở ấp Hoàng Việt xã Tân Phước huyện Tân Hồng tỉnh Đồng Tháp đã kể về chuyện cho con đi xuất ngoại như thế. Làm nghề nông cực nhọc, quần quật suốt năm, gia đình bà Nga chỉ có tổng thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.

Còn bây giờ, mỗi năm gia đình bà Nga có ít nhất 100 triệu đồng do ba đứa con đi nước ngoài gởi về. Noi gương bà Nga, nhiều gia đình ở huyện Tân Hồng cũng đăng ký cho con đi XKLĐ thay vì chỉ nghĩ đến chuyện gả con gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy ở ấp Tân Hùng xã Tân Thuận Tây thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng nhận thấy rằng cho con đi XKLĐ là thoát nghèo nhanh nhất. Sau 2 năm đi làm việc tại nhà máy cơ khí ở Đài Loan, anh Nguyễn Văn Khánh - con trai bà Thủy đã tích lũy mang về cho gia đình trên 200 triệu đồng (đã trừ hết chi phí). Do làm việc tốt, được chủ quý mến nên anh được chủ ký tiếp hợp đồng 3 năm. Thấy lợi đơn lợi kép, bà Thủy tiếp tục cho cô con gái Nguyễn Lệ Thu đi Đài Loan giúp việc nhà.

Ở tỉnh Vĩnh Long, nhiều hộ gia đình nghèo cũng đổi đời nhanh chóng nhờ đầu tư cho con em đi nước ngoài làm việc. Điển hình như gia đình của ông Bảy Tắc ở ấp Lương Trí xã Tường Lộc huyện Tam Bình có 2 con đi Nhật Bản làm việc.

Sau một thời gian đi Nhật làm việc có thu nhập bình quân mỗi tháng 700-800 USD, hai người con của ông đã tích lũy gởi về gia đình số tiền lớn ngoài sự mong đợi. Chẳng những thoát khỏi cảnh nợ nần, nghèo khó bủa vây thường xuyên, gia đình ông còn được liệt vào “top” khá giả ở địa phương.

Từ thực tế khảo sát thu nhập bình quân của lao động đi XKLĐ ở các thị trường, trong đó Nhật Bản cao nhất (860 USD/tháng), Đài Loan (gần 400 USD/tháng) và Malaysia (thấp nhất 200 USD/tháng), ông Lê Anh Dụ, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Vĩnh Long cho biết: Với 2.000 lao động của tỉnh Vĩnh Long đang làm việc ở nước ngoài đã tạo ra khoản thu nhập tương đương 93 tỷ đồng/năm. Đây là khoản thu nhập khá cao so với thu nhập từ nông nghiệp.

Ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng đưa lao động nghèo đi XKLĐ là giải pháp xóa nghèo nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Đồng Tháp đạt trên 350 USD/năm và tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh đạt trên 900 tỷ đồng/năm thì chỉ riêng thu nhập từ hoạt động XKLĐ mang về cả trăm tỷ đồng/năm là một con số không nhỏ.

  • Chất xúc tác từ chính quyền
Thanh niên rủ nhau đi làm việc nước ngoài ảnh 2

Nhiều lao động ĐBSCL đi Malaysia chịu khó làm việc nên được chủ nước ngoài tín nhiệm.

Hai năm về trước, nói đến việc đi nước ngoài lao động, nhiều người dân ở các tỉnh ĐBSCL còn cảm thấy xa lạ. Thế rồi, từ bước đột phá khai thông thị trường Malaysia-thị trường tiềm năng thu hút nhiều lao động mà không đòi hỏi trình độ tay nghề, Bộ LĐTB-XH đã cử nhiều đoàn công tác xuống các tỉnh ĐBSCL hướng dẫn, triển khai rộng rãi chương trình liên thông về xuất khẩu lao động cho người nghèo.

Song song đó, Bộ LĐTB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước còn giới thiệu các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín về các tỉnh phố, hợp việc thông tin, tuyên truyền và tuyển chọn, đào tạo lao động đi xuất khẩu.

Thấy rõ lợi ích kinh tế và xã hội từ hoạt động này, lãnh đạo các tỉnh ở ĐBSCL không chỉ quan tâm đặc biệt mà còn coi đây là nghị quyết phải thực hiện để đạt mục tiêu tạo nhiều việc làm ở nước ngoài, tăng thu nhập cho người nghèo - xóa đói giảm nghèo nhanh nhất.

Để huy động sức mạnh và tiềm lực cho chương trình này, các tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang,… đã thành lập Ban chỉ đạo XKLĐ với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND và các thành viên trực thuộc như ngành lao động thương binh xã hội, công an, ngân hàng, y tế, các đoàn thể…

Không chỉ giao chỉ tiêu cho từng huyện, xã vận động thanh niên thất nghiệp hoặc nghèo đi XKLĐ, nhiều tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… còn cử cán bộ, đảng viên phụ trách, đôn đốc từng ấp, xã hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Để tháo gỡ rào cản đầu tiên-chi phí đi nước ngoài làm việc, các tỉnh đã chỉ đạo hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho người đi xuất khẩu vay vốn bằng tín chấp. Bài bản hơn, tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Quỹ hỗ trợ XKLĐ với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 15 tỷ đồng.

Ngoài hỗ trợ vốn vay cho người lao động trước khi đi, quỹ này còn trợ giúp họ khi gặp rủi ro, bị bệnh tật phải trở về nước trước thời hạn. Tỉnh còn hỗ trợ mỗi lao động 1 triệu đồng trước khi đi XKLĐ để mua sắm những vật dụng cần thiết. Chỉ sau 2 năm, các tỉnh ở ĐBSCL đã đưa được gần 10 ngàn lao động đi nước ngoài làm việc ở các thị trường Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số này, tỉnh Đồng Tháp đã đưa được số lượng lao động đi xuất khẩu lớn nhất (gần 3.000 lao động); tỉnh Vĩnh Long: 2.000 người; tỉnh Bến Tre: gần 2.000 người, còn lại nhiều tỉnh khác ( trừ Trà Vinh và Long An) đều đưa được 500-1000 người.

Không dừng ở kết quả này, nhiều tỉnh đặt ra mục tiêu mỗi năm đưa thêm 1.500-2.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Nhờ các tỉnh làm tốt khâu chuẩn bị nguồn, chọn lựa lao động có phẩm chất tốt đi nước ngoài làm việc nên tỷ lệ lao động bỏ trốn, vi phạm hợp đồng phải về nước trước thời hạn ở khu vực này chiếm tỷ lệ rất thấp. Với lợi thế này, các tỉnh ở ĐBSCL đang trở thành điểm hẹn thu hút các doanh nghiệp XKLĐ đến ký kết tuyển chọn người đi XKLĐ.

Trong chuyến khảo sát các tỉnh ĐBSCL mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Lương Trào cho rằng từ nhận thức đúng cộng thêm cách làm mới quyết liệt, sáng tạo, các tỉnh ĐBSCL đã tạo được tiền đề đưa lao động đi nước ngoài làm việc. Tuy số lượng còn hạn chế nhưng nó đã góp phần thay đổi quan niệm của các gia đình nghèo phải cho con đi lấy chồng ngoại hoặc tham gia hoạt động mại dâm ở biên giới.

Tuy nhiên, để tuyển chọn lao động đạt yêu cầu của đối tác nước ngoài và tránh các rủi ro đáng tiếc, Bộ LĐTB-XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các tỉnh đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo, tổ chức tốt việc giáo dục định hướng, ngoại ngữ cho họ trước khi đi nước ngoài làm việc. Hy vọng với cách làm mới như nói trên, trong những năm tới, các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa hàng chục ngàn lao động đi nước ngoài làm việc, góp phần xóa đi bức tranh nghèo khó ở vùng sông nước. 

KHÁNH BÌNH
 

Tin cùng chuyên mục