Thanh toán không tiền mặt: Thúc đẩy chuyển đổi số nền kinh tế

Trong khuôn khổ của Tuần lễ chuyển đổi số của TPHCM với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số” diễn ra ngày 17 và 18-10, các chuyên gia tham dự hội thảo “Chuyển đổi số thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt” đều cho rằng dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong thanh toán số - một phần không thể tách rời trong quá trình chuyển đổi số.
Khách hàng thanh toán dịch vụ mua sắm bằng mã QR
Khách hàng thanh toán dịch vụ mua sắm bằng mã QR

Dữ liệu định hình dịch vụ

Hiện thanh toán qua mã QR trở thành xu hướng thanh toán phổ biến và tỷ trọng thanh toán mã QR ngày càng tăng. Theo Napas, quý 3 vừa qua, thanh toán qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng. Trên hệ thống Payoo, thanh toán mã QR tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước. Tại quầy, thanh toán qua mã QR tăng 8% về số lượng và gần 20% về giá trị. Tỷ trọng giá trị thanh toán qua mã QR so với hình thức thanh toán khác là khoảng 20% với giao dịch tại quầy và gần 40% với giao dịch trực tuyến. Tỷ trọng này đã có sự tăng trưởng dần đều ở mỗi quý.

“Đặc biệt, nếu trước đây thanh toán qua mã QR chỉ phổ biến trong các giao dịch mua sắm, ăn uống… thì nay cũng đã phổ biến trong lĩnh vực thanh toán hóa đơn. Hiện tại, các dịch vụ hóa đơn cũng đang triển khai hình thức thanh toán qua mã QR với số lượng giao dịch mã QR tăng 2,6 lần so với quý 2 năm trước. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thanh toán QR dẫn đầu xu thế bởi hình thức này được thúc đẩy từ phía Chính phủ và được đón nhận từ doanh nghiệp, người dùng”, đại diện Payoo cho hay.

Còn ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, cho biết, hiện có khoảng 2,5 triệu người dùng thanh toán qua MoMo cho hơn 90% dịch vụ hành chính công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và 1 triệu người dùng cho các dịch vụ công. Qua thống kê, MoMo là kênh thanh toán đứng tốp 1 trên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 47% tổng số giao dịch trên Cổng theo số liệu quý 3-2023 và TPHCM đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ công, tỷ lệ lên tới 45,4% với hành chính công và 39,86% trên dịch vụ công.

Khoảng 51,3% khách hàng từ 18-27 tuổi đã chọn MoMo là phương thức thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia, và 45,8% khách hàng trẻ trong độ tuổi này cũng sử dụng MoMo để thanh toán các dịch vụ hành chính công… Dữ liệu trên cho thấy vai trò của người trẻ trong việc thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.

“Tôi tin rằng, trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là dịch vụ công, giới trẻ chính là nhóm người dùng chủ lực và là trụ cột trong việc phát triển lĩnh vực này dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất, giới trẻ có khả năng hấp thụ công nghệ nhanh chóng; thứ hai, giới trẻ thường xuyên sử dụng dịch vụ trực tuyến và thứ ba, giới trẻ có xu hướng chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và hướng dẫn người thân sử dụng. Do đó, nếu chúng ta tập trung vào khách hàng từ 18-27 tuổi, quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sẽ tiến triển nhanh hơn”, ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ.

Hướng đến chuẩn hóa dữ liệu

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho rằng dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

“Đối với ngành ngân hàng, phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng, cũng như thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Các ngân hàng trình diễn công nghệ tại sự kiện “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”

Các ngân hàng trình diễn công nghệ tại sự kiện “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”

Theo kết quả khảo sát về hoạt động thanh toán không tiền mặt của IDG Việt Nam, đến giữa tháng 5-2023, có 41% lượng giao dịch không sử dụng tiền mặt, so với 28% hồi năm 2020. Trong đó, 2 hình thức thanh toán phổ biến nhất là qua app/QR Code (66%) và thanh toán qua máy POS (1 chạm, NFC) với 14% người khảo sát đang sử dụng. Phần lớn người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiền mặt để mua bán trên sàn thương mại điện tử (87%), chuyển khoản (77%)...

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong nền kinh tế. Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính, đơn vị thanh toán trung gian đã tham gia các triển lãm, giới thiệu nhiều công nghệ mới trong ngân hàng.

Dự kiến trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng. Trong đó tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm các chính sách về kết nối, khai thác dữ liệu; đảm bảo các hệ thống ứng dụng ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, nhất là khu vực hành chính công, mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ thanh toán trực tuyến với dịch vụ liền mạch, tiện ích.

Tin cùng chuyên mục