Tháo nút thắt lưu thông hàng hóa

Người dân thiếu thực phẩm phải xếp hàng mua hoặc hệ thống phân phối không đáp ứng kịp và đủ nhu cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), nông dân đang vào vụ thu hoạch nông, thủy hải sản nhưng không tiêu thụ được. Đây là nghịch lý đang tồn tại mà nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa gây ra.
Saigon Co.op tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy hải sản của các HTX và nông dân
Saigon Co.op tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy hải sản của các HTX và nông dân

Nông thủy hải sản vào mùa nhưng khó bán

Thông tin từ Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, đơn cử tại tỉnh Khánh Hòa, nông dân đang vào mùa thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên gần 2 tấn sầu riêng tại đây dù giá đã giảm còn 45.000-55.000đ/kg vẫn khó tìm đầu ra. Tương tự, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của hội viên, nông dân, tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trên địa bàn TPHCM cũng gặp khó khăn đầu ra. Đơn cử, HTX nuôi trồng thủy sản Tương Lai, huyện Củ Chi còn đọng 80 tấn cá rô, cá lóc; HTX Thủy sản Cần Giờ tồn đọng gần 50 tấn khô các loại. Tại huyện Cần Giờ còn tồn khoảng 1.625 tấn nghêu ốc các loại chưa có đầu ra. Riêng huyện Bình Chánh, lượng rau, củ, quả khoảng 5 tấn/ngày cũng gặp khó đầu ra.

Ở ĐBSCL, nhiều mặt hàng nông sản như cam sành, bưởi, nhãn, chanh… đang vào mùa thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. Chỉ riêng mặt hàng cam sành của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có sản lượng gần 50.000 tấn, tỉnh Sóc Trăng đang vào mùa thu hoạch nhãn với sản lượng trên 25.000 tấn…

Trước thực tế đó, nhiều DN cho rằng, Chính phủ cần có định hướng nhanh, phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, góp phần điều tiết, ổn định thị trường. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh cho rằng, phải xem xét toàn diện tính hợp lý của công tác kiểm soát dịch bệnh hiện nay.

Trước hết, duy trì sự thông thoáng trong hoạt động lưu thông hàng hóa. Muốn vậy, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tài xế vận chuyển hàng hóa, chấm dứt tình trạng “ngăn sông cấm chợ” theo kiểu mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Với DN, ưu tiên bố trí giải pháp 1 cung đường 2 điểm đến, hỗ trợ cơ sở vật chất, chỗ ở cho công nhân DN trong trường hợp DN không có đủ cơ sở vật chất đáp ứng.

Tiếp theo, cần tính toán lại tần suất test nhanh Covid-19. Hiện với tần suất kiểm tra 3 ngày/lần là quá dày đặc và tốn kém với DN. Cần thiết 1 tuần/lần hoặc với những đơn vị đã thực hiện tốt thì 2 tuần/lần. Trường hợp nghi ngờ hoặc tăng cường kiểm soát, có thể sử dụng test nhanh thay cho kết quả RT-PCR như hiện nay.

Ở góc độ kênh phân phối hàng hóa, các DN cho rằng cần thiết tái lập hoạt động hệ thống giao hàng. Việc các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, tăng cường xử phạt cả đối tượng là người giao hàng đã khiến nhiều shipper tắt app, không nhận giao hàng; đơn đặt hàng thực phẩm không được hỗ trợ, gây đứt gãy cung ứng thị trường và khó khăn cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Từ đó, ảnh hưởng nhất định đến việc người dân chấp hành Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Gỡ khó thủ tục, trợ vốn cho doanh nghiệp

Một vấn đề khác, cần tạo cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu và giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, khảo sát ý kiến từ 3.700 DN cho thấy, nhiều DN kiến nghị cơ quan Hải quan cần có cơ chế kết nối, chia sẻ lịch sử kiểm tra hàng hóa của DN để tránh kiểm tra trùng lặp. Đặc biệt là tháo gỡ bất cập liên quan đến thủ tục xác định mã HS và tham vấn xác định trị giá hải quan.

Có cơ chế giám sát thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà DN. Đối với các cơ quan quản lý và kiểm tra chuyên ngành, DN mong muốn tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành, triệt để tiếp nhận và giải quyết thủ tục trực tuyến, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, về phía ngân hàng cần xem xét nới lỏng điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất nợ cũ và cho vay mới theo lãi suất ưu đãi, giúp DN sản xuất bớt khó khăn vốn lưu động. Trong đó, khuyến khích ngân hàng cho vay tín chấp với một số ngành khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vaccine, cơ sở điều trị, nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu. UBND TPHCM cần sớm ban hành gói hỗ trợ, giảm chi phí sản xuất như tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển cho DN. Đặc biệt, hỗ trợ DN bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do giãn cách xã hội. Có như vậy DN mới được tiếp sức để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục