
Sau cuộc hội đàm kéo dài gần 4 giờ với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên, ngày 23-1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Chile, Ignacio Walker Prieto đã có cuộc gặp gỡ với báo chí thông báo về những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên. Bộ trưởng Ignacio Walker Prieto cho biết:

Chuyến thăm của tôi đúng trong thời điểm lịch sử giữa hai nước chuẩn bị kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 35 năm qua, đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới, Chile rất vui mừng được chứng kiến một quá trình cải cách vững chắc đổi mới nền kinh tế - xã hội với những kết quả thật ấn tượng, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Từ những năm cuối của thập kỷ 60, Chile luôn ủng hộ Việt Nam đấu tranh đòi quyền tự quyết và độc lập dân tộc. Sự kiện cựu Tổng thống Salvador Allende, khi đó là Thượng Nghị sĩ, đã thăm Hà Nội năm 1969 và là vị khách quốc tế cuối cùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Ngay sau đó, khi trở thành Tổng thống Chile, ngài Allende đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với những quan hệ lịch sử gắn bó và những nét tương đồng trong phát triển kinh tế, Chile và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong tương lai.
- Phóng viên Báo SGGP: Hiện nay, chính sách ngoại giao của Chile có chủ trương hướng tới Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí như thế nào trong chính sách “hướng Đông” của Chile?
- Chile là một thành viên tích cực của cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương và xác định là “láng giềng” thân thiết của Việt Nam trong cộng đồng này và là đồng minh của các bạn trong APEC; thắt chặt quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chile.
Năm 2005, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Chile sang châu Á đã đạt khoảng 11 tỷ USD, bằng 36% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn cầu của Chile và đây là khu vực năng động nhất trong cán cân tăng trưởng thương mại của Chile. Tôi tin tưởng rằng với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, sự hội nhập với thị trường thế giới và đặc biệt là khả năng lao động tuyệt vời của nhân dân, Việt Nam trở thành một nhân tố nổi bật của Đông Nam Á và một bạn hàng thân thiết của Chile.
- Phóng viên Báo SGGP: Hiện kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Chile vẫn còn dựa vào đối tác thứ 3, theo hướng gián tiếp. Theo Bộ trưởng, hai bên có biện pháp gì để tăng cường quan hệ thương mại trực tiếp để có thể đạt mục tiêu 300 - 500 triệu USD vào năm 2010?
- Trên lĩnh vực song phương, Chile và Việt Nam đang thúc đẩy các mối quan hệ mới và chúng tôi mong muốn cùng chia sẻ với các bạn những kinh nghiệm trong xúc tiến thương mại song phương để tìm ra cơ chế hợp tác có hiệu quả cao nhất. Trên lĩnh vực đa phương, chúng ta cùng tham gia Diễn đàn hợp tác châu Á- Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Mỹ Latin – Đông Nam Á để cùng nhau đẩy kim ngạch thương mại lên.
Tôi có niềm tin về một con đường với sự hợp tác chặt chẽ trong tương lai trên nhiều lĩnh vực. Những tình cảm hữu nghị truyền thống, lịch sử và lâu dài giữa hai nước chúng ta sẽ hiện hữu trong sự tăng trưởng của thương mại song phương và trong các hiệp định vì lợi ích của cả đôi bên. Chile cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam các vấn đề về cải cách giáo dục, y tế, du lịch, chăm sóc cho người nghèo.
- Phóng viên Đài TNVN: Chile có chủ trương như thế nào để chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị cấp cao APEC?
- Với tư cách là nước chủ nhà APEC năm 2004, năm 2005 Chile đã cử cấp đại sứ sang Việt Nam để tư vấn tất cả những vấn đề liên quan về hội nghị này. Trong năm 2006, chúng tôi sẽ cùng với Việt Nam tổ chức hội nghị trù bị về hội nghị APEC 2006 với chủ đề phát triển bền vững. Chile sẵn sàng đáp ứng mọi đề nghị của Việt Nam về việc tổ chức hội nghị APEC. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ tổ chức thành công hội nghị APEC 2006
THÀNH NAM (ghi)
Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Chile |