Ngần ngừ nhiều ngày, rốt cuộc anh bạn tôi cũng quyết định chia đôi phòng ngủ trong căn hộ chung cư cũ để có một phòng riêng cho đứa con trai 14 tuổi. Và để cháu có thêm tầng “tư duy”, gia đình người bạn cũng đã cho dọn nguyên tủ sách - thứ đáng kể nhất của giới trí thức nghèo - sang phòng con mà theo lời anh “cho nó dễ bề ngâm cứu”. Khổ nỗi, vẻ mặt nhăn nhó của ông quý tử ngày về phòng mới khiến anh chị có vẻ hơi phiền não: Nó vặn vẹo: “Con đâu cần đống sách nát này. Ba má mua cho con cái Amazon Kindle là… có thể chuyển hết tủ sách của ba má trong 20 giây”.
Cũng hiểu và thương người bạn phải đeo cặp kiếng dày cộp vì anh sống ở thời mà những cuốn sách giấy đen trũi, chữ xiêu vẹo, câu được câu mất còn là người bạn đời chung thủy, một thứ Window duy nhất mở cửa ra thế giới bên ngoài. Từ Edgar Poe, Solokhov, Pasternac đến các tác giả hậu hiện đại. Rồi thì “Nghìn lẻ một đêm”, “Chiến tranh và hòa bình”, đến “Chùm nho nổi giận” và cả “Tội ác và trừng phạt”… Tôi cũng thấy mủi lòng khi mường tượng cảnh tỉnh giấc mỗi sáng ông bạn “mọt sách” không còn được vươn vai ngắm nhìn gáy sách kề bên. Và còn đâu nữa tiếng sột soạt của trang sách lần dở mỗi đêm?
Trong giới đọc sách ngày nay, người ta còn tranh cãi triền miên về có hay không sự cáo chung của sách in so với sách điện tử và đâu là ưu, khuyết của các thiết bị đọc sách mới nhất. Nhưng có một điều không thể chối cãi: các thiết bị đọc với bộ nhớ đo bằng “ghi” (Gb) sẽ là một giải pháp thay thế thư viện và các tủ sách gia đình. Chỉ còn hoài niệm, đắn đo rằng nó không thể “kể chuyện” được như sách in giấy có mùi vị của cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Và khi thiết bị đọc “bất lực” thì lúc đó những cuốn sách kiểu “truyền thống” của anh bạn tôi mới cất tiếng đưa con cháu ta vào thế giới của những điều kỳ diệu. Nhưng rất tiếc, đến giờ - thế giới mạng - hay ta quen gọi là thế giới ảo vẫn chưa tỏ dấu hiệu “bất lực” trước thế giới thật chúng ta động chạm hàng ngày. Minh chứng là sự lan tỏa của các mạng xã hội như kiểu Facebook.
Vì “bất lực” trước thứ quyền lực mới này, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội đã phải chọn giải pháp “cấm kỵ” khi học sinh lên Facebook “tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng tục, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai…”. Người ta hay nói không quản được thì cấm, song trong trường hợp trên thì phải “quản” ra sao và hạn chế thế nào trước chứng “nghiện” hay chứng “cuồng” Facebook mà cấm thì chắc chắn không cấm được.
Thật sự mà nói trong cuộc sống phức tạp thời nay, rất khó tìm nơi “một mình đi với một mình” để tìm tiếng nói chia sẻ, nói thật lòng như trên trang mạng ảo kiểu Facebook. Có thể chỉ vài câu ô, ah ngây ngô trong “trạng thái của bạn”, nhưng có ít “còm men” cũng vơi đi ít nhiều nỗi lòng khó giãi bày trong đời “thật”. Đó là ảo mà như thật và thật mà như ảo và thật, ảo như nhau. Kỳ lạ là trong hệ thống giáo dục có những lúc thầy cô cũng phải sống “ảo” khi dạy học trò cuộc sống “thật”.
Đơn cử như hồi còn học tiểu học, con gái tôi phải miêu tả ông ngoại mình theo mẫu “thật” cô gợi ý là phải có râu dài, đung đưa trong võng và khề khà nhấp rượu đế. Nhưng nó đã viết ông ngoại con là nghệ sĩ nhân dân, không có râu dài và không biết nhậu. Rốt cục là “ảo” đã thắng “thật” với bài văn tả “thật” không đạt yêu cầu như bài mẫu. Nói vậy để thấy không dễ đối phó với chứng nghiện Facebook một khi chương trình dạy học của chúng ta vẫn chỉ theo lối “tầm chương, trích cú” với lối học thuộc lòng kiến thức để trả thi theo mẫu “đề cương” và ít có giây phút “nói thật” trong môi trường sư phạm.
Nhờ internet, chúng ta có thêm kiến thức, thêm bạn bè gần xa để trải lòng. Nhưng như con dao hai lưỡi, nó có thể tăng sức mạnh và cũng có thể làm chấn thương tâm hồn. Đối với người như bạn tôi, dù vẫn “sợt mạng” và trao đổi “meo” nhưng nhắm mắt lại trong một phút tịnh tâm, anh vẫn nhớ thời mình là một cậu bé 11 tuổi đêm hôm mò mẫm lần tìm từng cuốn sách đã ố vàng và sờn gáy. Và dưới ánh đèn vàng đục, anh thấy rõ cảnh 3 chàng lính ngự lâm của Dumas đang đấu kiếm cùng các vệ sĩ của Hồng y giáo chủ De Richelieu với câu nói bất hủ “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Tiến bộ khoa học là cần thiết và không ai có thể trốn tránh nó. Nhưng ta vẫn thích dưới đèn lật từng trang sách cũ để cả thế giới ùa về… và liệu thế giới ảo có thay thế được hoàn toàn thế giới thật?
Bích An