Thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đều nhận thấy rõ vị trí, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Ở nước ta hiện nay, số DNNVV chiếm trên 96% tổng số doanh nghiệp, với các hình thức: doanh nghiệp (nhà nước, tư nhân), công ty (TNHH, cổ phần). Điều này đã cho thấy DNNVV có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.

  • Thực trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNNVV cung cấp một khối lượng lớn về sản phẩm và đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê DNNVV đóng góp 25% về GDP, chiếm 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp hàng năm. DNNVV góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 1

Dây chuyền sản xuất tivi của Công ty cổ phần điện tử Tân Bình.

Hiện nay nhu cầu tăng lao động nước ta lên tới khoảng 3,5-4 triệu lao động mỗi năm, nhưng khu vực kinh tế quốc doanh cao lắm cũng chỉ giải quyết khoảng 2 triệu lao động còn lại là các DNNVV.

DNNVV góp phần khai thác tiềm năng phong phú trong dân (thành lập cần vốn ít, thu hồi vốn nhanh, có khả năng huy động vốn nhanh, khai thác, sử dụng các tiềm năng về nguồn lao động và nguyên vật liệu tại các địa phương cũng như việc thu hút vốn).

DNNVV góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế là phương tiện quan trọng trong việc tạo lập sự cân đối giữa các vùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các thành phần kinh tế, giữa các ngành, vùng lãnh thổ và có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

DNNVV góp phần khai thác các tiềm năng phong phú trong dân (tay nghề lao động, trí tuệ, vốn, khai thác thế mạnh từng vùng); tăng nguồn hàng xuất khẩu (thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống, năng động trong việc tham gia vào các ngành sản xuất kỹ thuật cao và tăng tỷ trọng xuất khẩu).

  • Động lực phát triển từ Vinasame

Để tạo thêm động lực giúp các DNNVV phát triển, mới đây một tổ chức mang tên Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasame) đã ra đời.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, Giám đốc chi nhánh phía Nam của Vinasame, cho biết: “Vinasame được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện nhằm mục đích hợp tác, liên kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trong hiệp hội. Hiệp hội giữ vai trò là cầu nối giữa các DNNVV với các cơ quan chức năng trong việc đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước để hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách”.

Ngoài ra, Vinasame còn thúc đẩy thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực DNNVV trên thế giới trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Với mục đích và tôn chỉ nêu trên, Vinasame hoạt động rộng khắp trong phạm vi cả nước theo quy định pháp luật của nhà nước, cũng như luật pháp quốc tế. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ tư vấn các DNNVV theo quy định của pháp luật.

Cụ thể như: trao đổi các thông tin khoa học-công nghệ, sản xuất-kinh doanh trong và ngoài nước liên quan đến các lĩnh vực DNNVV; tham gia công tác tư vấn, phản biện với các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển của các DNNVV; tăng cường hội nhập với các hoạt động của các hiệp hội khác trong nước, và quốc tế; thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, thông tin báo chí, xúc tiến thương mại và kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ các hội viên mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, xúc tiến đầu tư thương mại, dịch vụ, hợp tác quốc tế...

Từ các hoạt động nêu trên, Vinasame đã góp phần tạo nên sự phát triển nhanh, bền vững cho các doanh nghiệp trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Do đó, Vinasame sẽ giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cũng như giúp đỡ các hội viên về pháp lý, tài chính, thông tin, nghiên cứu thị trường. Hỗ trợ các hội viên trong việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng, sáng chế phát minh, xây dựng và bảo hộ thương hiệu ở trong nước và quốc tế cũng như việc xây dựng các kế hoạch, giải pháp nhằm đạt tiêu chuẩn và được cấp chứng chỉ ISO, SAAP...

Ngoài ra, Vinasame còn tham gia hòa giải tranh chấp giữa các hội viên để hạn chế tối đa các thiệt hại do cạnh tranh mua bán gây ra nhằm bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp; hợp tác với tổ chức công đoàn để giải quyết tốt các mối quan hệ giữa các người sử dụng lao động với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Tin cùng chuyên mục