
Đêm 30 rạng sáng 31-1-1968 (tức đêm mùng 1 rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân), cả Sài Gòn rung chuyển bởi những cuộc tấn công chớp nhoáng của các đội biệt động Sài Gòn - Gia Định vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân ngụy, Bộ tổng tham mưu ngụy. Với sự quả cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường, 88 chiến sĩ biệt động chiếm giữ các mục tiêu đầu não ngay tại sào huyệt của địch, giáng cho kẻ thù nhiều tổn thất nặng nề và gây chấn động dư luận thế giới.
“Gom” quân cho nhiệm vụ đột xuất
Còn khoảng 1 tuần lễ nữa là chiến dịch Mậu Thân mở màn, các đội biệt động đã chuẩn bị xong cả về biên chế lẫn vũ khí để chuẩn bị bước vào chiến đấu. Đến lúc này, Bộ Chỉ huy Miền đột nhiên giao thêm nhiệm vụ: cần phải đánh chiếm Đại sứ quán Mỹ, đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu vì là cơ quan đầu não chỉ huy chiến tranh của địch, là nơi tượng trưng cho quyền lực của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Đội 11 biệt động Sài Gòn – Gia Định được gấp rút thành lập. Thời gian chỉ có 6 ngày, nhưng đội đã kịp “gom” và đưa 17 cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị bảo đảm (đơn vị chuyên lo công tác chuẩn bị vũ khí cho các đơn vị khác chiến đấu) theo đường dây hợp pháp công khai cấp tốc vào nội thành ém quân. Một xe vũ khí cũng được chuyển từ vùng giáp ranh Trảng Bàng, Củ Chi vào thành phố kịp trước giờ G.

Thanh niên thành phố tìm hiểu về trận đánh của Đội 4 Biệt động Sài Gòn - Gia Định vào Đài phát thanh Sài Gòn. Ảnh: L.T.HÂN
Đúng 2 giờ sáng 31-1-1968, Đội 11 biệt động do đồng chí Ngô Thanh Vân (tự Ba Đen) làm đội trưởng áp sát mục tiêu, tiêu diệt lính gác ở cổng và dùng bộc phá đánh thủng một mảng tường để toàn đội đột nhập vào khuôn viên Đại sứ quán Mỹ. Do hàng ngũ địch rối loạn, chống trả yếu ớt nên các chiến sĩ nhanh chóng đánh chiếm từ tầng trệt lên tầng 3, thu giữ nhiều vũ khí của địch. Đồng chí Ba Đen dẫn anh em đi tìm diệt Đại sứ Mỹ Bunker nhưng y may mắn thoát hiểm do đang ở một địa điểm khác.
Một tiếng đồng hồ sau, địch điều động lực lượng hỗn hợp Mỹ, ngụy đến giải vây, dùng hỏa lực mạnh bắn vào. Sau đó, tướng Fred Weyand – Tư lệnh quân Mỹ ở vùng 3 chiến thuật – điều một bộ phận của Sư đoàn dù 101 ở miền Đông Nam bộ tiếp viện.
Cuộc chiến trở nên không cân sức cả về lực lượng lẫn hỏa lực. Ông Hoàng Đạo (biệt danh Tư Sắt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Biệt động khối vũ trang Quân khu Sài Gòn – Gia Định, người sau này được nghe đồng chí Ba Đen kể về diễn biến trận đánh) kể lại: “Đến gần 8 giờ, đơn vị bị thương vong hơn phân nửa, trong khi trực thăng của quân địch đã đổ quân được xuống sân thượng và ném từng chùm lựu đạn từ trên xuống chỗ các chiến sĩ của ta đang cầm cự.
Lần lượt từng người chiến đấu đến viên đạn cuối cùng rồi hy sinh. 9 giờ sáng, cả đội chỉ còn mình Ba Đen, lúc này đang bị thương. Chờ địch đến gần, anh giật nụ xòe trái thủ pháo với ý định mạng đổi mạng. Nhưng do không còn sức ném ra xa, anh bị ngất do sức ép của pháo và bị bắt (năm 1973, đồng chí Ba Đen được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris; sau giải phóng, đồng chí chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới và qua đời vào năm 1978 – PV). Nếu tính theo kế hoạch ban đầu là chỉ giữ trận địa trong vòng 1 giờ, các chiến sĩ của Đội 11 biệt động đã cầm cự hơn 6 tiếng đồng hồ, khiến cho 124 tên địch bị thương vong. Các chiến sĩ đã hy sinh để làm nên một chiến công vang dội”.
Giữ vững lời thề cảm tử
Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy là một trong những mục tiêu mà Bộ Chỉ huy Miền xác định là trọng yếu. Do vậy, trước giờ ra trận, toàn bộ 16 đội viên của Đội 3 Biệt động Sài Gòn – Gia Định cùng nguyện chiến đấu cảm tử để giành thắng lợi cao nhất cho cách mạng trong giờ phút lịch sử.
Ông Đinh Văn Hỷ - người phục vụ chiến đấu trong cuộc tấn công này hồi tưởng lại: “Theo kế hoạch đã định, rạng sáng 31-1-1968, cả đội hành quân trên hai xe tải loại nhẹ, trang bị 10 tiểu liên AK, 50 quả lựu đạn, 120kg thuốc nổ TNT xuất kích đánh chiếm mục tiêu. Tôi lái chiếc xe Sim-ca chở anh Nguyễn Văn Lém (tự Bảy Lớp, đội trưởng) cùng 3 người nữa. Khi đến cách Bộ tư lệnh Hải quân ngụy khoảng 50m, bị hàng rào “cự mã” chặn lại, tôi ủi xe vào thẳng hàng rào. Lúc đó chiếc xe thứ hai cũng lao thẳng đến mục tiêu, khiến địch không kịp trở tay.
Sau khi chớp nhoáng dùng bộc phá đánh sập lô-cốt đầu tiên, toàn đội xung phong đánh chiếm các nhà bên trong. Địch bất ngờ, nhưng rồi nhanh chóng chống trả quyết liệt, dùng tiểu pháo 20 ly, trung liên 12,7 ly, M79 bắn tới tấp vào các chiến sĩ biệt động. Không có được hai khẩu B40 như dự tính ban đầu (do trục trặc hiệp đồng giao nhận vào phút chót), ta không có hỏa lực để đối phó với tàu chiến địch đậu dưới sông nên bị tổn thất khá nhiều. Bị bao vây vòng trong vòng ngoài, lâm vào thế bất lợi hoàn toàn, vũ khí dần cạn kiệt, từng người một lần lượt ngã xuống nhưng các chiến sĩ vẫn ngoan cường chiến đấu, giữ vững lời thề “thà hy sinh, quyết không đầu hàng giặc” trước lúc xuất quân.
Đến 6 giờ sáng, cả đội hy sinh gần hết. Anh Bảy Lớp là người hy sinh sau cùng, bị địch bắn chết ngay trước mắt tôi. Riêng tôi may mắn bò dọc theo sông Sài Gòn, đến bến phà Thủ Thiêm rồi tìm đường trở về căn cứ ở Thủ Đức”. Sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 14 chiến sĩ của Đội 3 Biệt động Sài Gòn – Gia Định vĩnh viễn nằm lại khi tuổi xuân dâng tràn, đóng góp xương máu của mình vì giấc mơ hòa bình một ngày không xa.
Đau đáu nỗi niềm đi tìm đồng đội
Về sự kiện Đội 4 Biệt động Sài Gòn – Gia Định đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn, quân sử của địch viết: “Đặc công Cộng sản không nhiều, nhưng làm chủ tình hình tại đài phát thanh một cách mau chóng và dễ dàng. Đơn vị ở đây chạy thất tán…”. Sự cảm phục trên đã khái quát tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của đội vào buổi sáng ngày xuân năm ấy.
Trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ đã gây chấn động toàn nước Mỹ. Trong quyển sách “Tết” dày 380 trang xuất bản tại New York, nhà báo Mỹ Don Oberdoifer dành hẳn một chương nói về ảnh hưởng của trận đánh này. Trong đó có đoạn: “Tuy là một trận đánh nhỏ về số người tham gia, nhưng đã kích động mạnh mẽ công chúng Mỹ về chính trị và tâm lý. Sứ quán Mỹ nơi ngọn cờ sao và vạch chính thức cắm trên lãnh thổ Việt Nam, là điểm tượng trưng cho mọi cố gắng và quyền lực Mỹ! Làm cho người ta nghĩ rằng các lực lượng cộng sản mạnh hơn nhiều so với mức Chính phủ Mỹ mô tả… Và như vậy chiến tranh còn lâu mới kết thúc”. |
Đội 4 được thành lập gồm 13 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 11 chiến sĩ trực tiếp tham gia trận đánh. Hầu hết anh em là người Củ Chi. Trừ đội trưởng Nguyễn Gia Lộc (tự Năm Lộc) hơn 30 tuổi, còn lại đều rất trẻ, chỉ mới 17, 18 tuổi. Chỉ cần nghĩ đến giờ phút chiếm lĩnh cơ quan phát ngôn của địch, dùng phương tiện này kêu gọi đồng bào khắp thành thị, nông thôn xông lên giành chính quyền, các chiến sĩ đã thấy lòng nôn nao khôn tả. Đến giờ xuất kích, toàn đội chia thành hai mũi.
Lúc 1 giờ 59 phút sáng 31-1-1968, mũi thứ nhất gồm 8 người do đội trưởng Năm Lộc chỉ huy đi trên chiếc xe ô tô tải nhỏ, đến trước cổng chính của đài ở số 3 đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu quận 1). Sau khi dùng thủ pháo đánh bung cổng, mũi xung kích tiến vào đánh chiếm mục tiêu. Chỉ qua 5 phút chiến đấu, các chiến sĩ chiếm được tầng 1, làm chủ khu vực đài, củng cố vị trí, sẵn sàng chờ đợi đòn phản kích của địch. Cùng lúc này, mũi thứ hai gồm 3 người do chính trị viên Đặng Xuân Tẻo (tự Ba Tẻo) phụ trách tiến thẳng ra góc đường Phan Đình Phùng – Nguyễn Bỉnh Khiêm, nổ súng vào lô cốt trại An ninh quân đội ngụy ở gần đài để kiềm chế chi viện của địch.
Để phản công, địch huy động lực lượng đến bao vây Đài phát thanh, dùng thiết giáp bắn phá dữ dội, đồng thời dùng máy bay quần đảo, kêu gọi các chiến sĩ biệt động đầu hàng. Trong tình thế nguy kịch, các chiến sĩ không hề nao núng, bám chắc trận địa, đánh trả quyết liệt khiến địch không vào được khuôn viên đài.
Tuy nhiên, cầm cự đến gần sáng, cả đội lần lượt hy sinh, chỉ còn đội trưởng Năm Lộc và đội phó Nguyễn Văn Thân (tự Bảy Rổ) tiếp tục chiến đấu. Đến 6 giờ sáng, khi quân địch tràn vào được đài, biết không thể giữ được mục tiêu lâu hơn, Năm Lộc và Bảy Rổ quyết định đánh cảm tử, dùng khối thuốc nổ 20kg phá hủy Đài phát thanh và anh dũng hy sinh, kết thúc trận đánh bi hùng kéo dài 4 giờ 31 phút. Ở phía ngoài, hai chiến sĩ của mũi thứ hai cũng trúng đạn hy sinh. Cả đội chỉ còn mình Ba Tẻo sống sót nhờ nương lách theo các bức tường, rút về cơ sở ở số 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Hơn 42 năm đã trôi qua kể từ trận đánh ngày ấy, ông Ba Tẻo vẫn đau đáu nỗi niềm đi tìm hài cốt đồng đội. Ông nói: “Ngày ấy, sau trận chiến, quân địch thu dọn chiến trường, không biết bọn chúng đưa xác anh em mình đi đâu nên giờ đây hầu như không còn hy vọng tìm được nữa. Tôi và gia đình các anh em có nhờ các nhà ngoại cảm tìm giúp nhưng đến nay mới tìm được hài cốt anh Trần Phú Cương (tự Năm Mộc). Chiến tranh qua đi, nhưng hài cốt đồng đội tôi không biết đang ở đâu…”.
***
Ngày 17-4-2010, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các đội 3, 4, 11 biệt động Sài Gòn – Gia Định được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; như một lời khẳng định: chiến công vang dội của lực lượng biệt động Sài Gòn – Gia Định trong đợt tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mãi là tượng đài bất tử trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc của quân, dân ta
-------------------
Bài viết có sử dụng tư liệu trong quyển “Lịch sử lực lượng biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định 1945 – 1975” (NXB Quân đội Nhân dân, xuất bản năm 2004) và “Biệt động Sài Gòn – Chuyện bây giờ mới kể” (NXB Tổng hợp TPHCM, xuất bản năm 2006).
ÁI CHÂN