
Ngày 28-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Lê Hoàng Quân ký Văn bản 835-CV/TU về việc thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể khẩn trương thực hiện một số việc: Quán triệt sâu rộng các chi bộ Đảng, hệ thống chính trị, đảng viên, cán bộ công chức và nhân dân về nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm, đại dịch cúm ở người.

Gà nuôi thả rong vẫn nhởn nhơ ở ấp 1 xã Vĩnh Lộc A ngoại thành TPHCM. Ảnh: Q.HÙNG
UBND TP khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp, trong đó tập trung vào việc tạm thời ngừng nuôi gia cầm ở TP, có chính sách hỗ trợ hợp lý với người nuôi chuyển sang ngành nghề khác.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp vệ sinh môi trường (tiêu độc, khử trùng), hoàn thành tiêm vaccine, giám sát chặt chẽ dịch tễ đàn gia cầm tiêm phòng. Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị bảo hộ, thuốc dự phòng, hóa chất… Các cơ sở y tế theo dõi chặt, cặp nhật, giám sát diễn biến tình hình dịch cúm trong nước và khu vực để có biện pháp xử lý kịp thời; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận và điều trị khi có đại dịch xảy ra. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường phổ biến, tuyên truyền đến mọi người dân về hiểm họa dịch cúm gia cầm.
Trước đó, ngày 26-10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải có Chỉ thị số 31 về tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng ngừa và đối phó dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người với tinh thần và nỗ lực cao nhất, khẩn trương nhất. Hạn chót đến hết ngày 15-11, các hộ và cơ sở gia cầm tập trung xuất bán hết chuồng, không nuôi trở lại. Đình chỉ tham quan chim cảnh tại các khu vui chơi và đình chỉ kinh doanh chim cảnh. Chủ tịch UBND quận – huyện chịu trách nhiệm nếu còn trường hợp nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn.
* Ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã ký ban hành Quyết định số 2976 yêu cầu tạm dừng nhập khẩu tất cả các loại gia cầm, chim cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam từ ngày 1-11-2005 đến ngày 31-3-2006.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Bùi Quang Anh đã tổ chức cuộc gặp nhanh với báo chí để thông báo tình hình dịch cúm H5N1. Hiện nay Việt Nam đã nhập 140 triệu liều vaccine chống cúm của Trung Quốc và đã tiêm phòng 70 triệu liều cho 46 tỉnh, thành phố. Dự kiến đến ngày 3-11, sẽ tiếp tục nhập thêm đợt vaccine mới về để tổ chức tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia cầm.
Vẫn theo lời ông Bùi Quang Anh, hiện nay, nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm rất cao; đặc biệt là ở vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, các địa phương vẫn rất chủ quan trong công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng, vận chuyển gia cầm. Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương phải tập trung triển khai đồng bộ kế hoạch hành động khẩn cấp chống dịch. Khi xảy ra dịch, phải tổ chức tiêu hủy ngay và thực hiện vệ sinh tại chỗ, triệt để ngăn chặn việc đưa gia cầm ở vùng nhiễm bệnh đến nơi khác.
ĐÔNG NGHI
Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị: Hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp người nhiễm virus cúm A Ngày 28-10, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị - về triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương làm tốt công việc sau: Bí thư cấp ủy phải đích thân lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết không để dịch cúm gia cầm (H5N1) tái phát trên quy mô rộng trong vụ đông-xuân năm 2005 – 2006, tiến đến khống chế cơ bản dịch cúm gia cầm ở nước ta, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp người nhiễm virus cúm A (H5N1). Triển khai công tác thông tin, tuyên truyền một cách sâu rộng đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm hiện nay trong nước và trên thế giới; về nguy cơ có thể xảy ra đại dịch cúm trên người trong thời gian tới. Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm phải thực hiện đồng bộ với công tác quy hoạch, tổ chức, sắp xếp lại ngành chăn nuôi, hệ thống giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với người chăn nuôi nhằm huy động toàn dân tham gia phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tham gia, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nông dân về khả năng xảy ra đại dịch cúm ở người; tham gia kiểm tra, giám sát công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; phát hiện và báo cáo kịp thời trường hợp dịch bệnh xảy ra; vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ nhân lực, vật lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch. |
Sẽ thành lập quỹ ứng phó toàn cầu Ngày 28-10, Chính phủ Trung Quốc thông báo đang triển khai chế thử hàng loạt vaccine, trong đó có vaccine làm tê liệt hoạt động virus H5N2 Al. Những vaccine này, có thể áp dụng tiêm ngừa đối với nhiều loại gia cầm. Tập đoàn Dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) đã thông báo tạm ngừng phân phối thuốc trị cúm Tamiflu cho khu vực tư nhân của Mỹ, chừng nào có dấu hiệu bùng nổ dịch cúm theo mùa ở nước này. Quyết định trên nhằm quản lý tốt việc phân phối thuốc Tamiflu trong bối cảnh nhu cầu tăng cao mà năng lực sản xuất có hạn. Cùng ngày 27-10, Thượng viện Mỹ đã thông qua khoản chi bổ sung 8 tỷ USD cho kế hoạch ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan ở Mỹ. Tại Dublin (Ireland), Chính phủ đã cấm các cuộc triển lãm chim cảnh và cấm chợ gia cầm hoạt động. Đầu tháng 11 tới, tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ diễn ra hội nghị quốc tế để thảo luận việc thành lập quỹ ứng phó với cúm gia cầm, phối hợp toàn cầu khả năng ứng phó và khắc phục những thiếu sót trong hệ thống y tế và thú y. Tại Indonesia đã phát hiện một vài trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm. Các chuyên gia nghi ngờ khả năng những động vật khác có thể làm lây lan bệnh dịch. N.M. (tổng hợp) |