
Tháng 5-2004, UBNDTP ban hành Quyết định 138 (QĐ 138) quy định về thủ tục giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất (GTCSDĐ) trên địa bàn TP. Quyết định này được xem như một cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực hết sức nhiêu khê về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện nay Sở Tài nguyên - Môi trường TP phải chủ trì sửa đổi lại quyết định này. Vì sao vậy, ông Trần Thế Ngọc, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cho báo SGGP biết:
Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo sửa đổi ngay thủ tục GTCSDĐ cho phù hợp với luật mới. Sau khi tham khảo Luật Đất đai, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành và ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, chúng tôi tập hợp sửa đổi, hoàn chỉnh trình UBNDTP ban hành QĐ 138.

Triển khai xây dựng khu dân cư tại quận 2.
Ảnh: Đ.V.D.
Lúc đó, Luật Đất đai chưa có hiệu lực, Nghị định 181 (NĐ 181) chưa ban hành, như vậy có thể xem TP đã đi trước một bước trong thực hiện Luật Đất đai. Sau này, khi Chính phủ ban hành NĐ 181, xem xét lại quy trình GTCSDĐ có một số điểm chưa thống nhất với hướng dẫn của NĐ 181. Do vậy, TP phải sửa đổi lại cho phù hợp.
- Thưa ông, những vấn đề nào của QĐ 138 cần phải thay đổi?
- Cơ bản có 4 nội dung phải chỉnh sửa. Thứ nhất, NĐ 181 có đề cập đến việc trước khi triển khai dự án thì nhà đầu tư phải thuận địa điểm, đây là cơ sở lập dự án đầu tư. Điều này khác biệt với quy định trước đây là nhà đầu tư tự tìm kiếm, tham khảo thông tin rồi sau đó nộp hồ sơ đầu tư.
Thứ hai, theo QĐ 138, đối với các dự án đầu tư công trình công cộng, lợi ích quốc gia... trong đó có những dự án phát triển kinh tế hay xây dựng các khu dân cư thì nhà nước phải ra quyết định thu hồi giao đất. Các dự án còn lại thì chủ đầu tư phải tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tuy nhiên những dự án nếu có quy mô diện tích từ 10ha đất nông nghiệp trở lên hay 2ha đất phi nông nghiệp trở lên thì TP ra quyết định thu hồi. Đối chiếu với NĐ 181, thì không quy định theo quy mô diện tích lớn hay nhỏ mà tùy thuộc vào vốn đầu tư. Tức là, dự án có vốn đầu tư lớn (nhóm A) nhà nước sẽ ra quyết định thu hồi.
Thứ ba, theo QĐ 138, đối với các dự án phải tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng quá trình giải phóng mặt bằng chỉ đạt 80%, phần còn lại hầu như không thể thỏa thuận được thì TP giúp nhà đầu tư ra quyết định thu hồi, áp giá đền bù. Còn tại NĐ 181 thì không đề cập đến vấn đề này. Trên thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, hầu hết các dự án đều bị vướng giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu sửa theo NĐ 181 thì hết sức khó khăn cho nhà đầu tư, hay là vẫn giữ nguyên bằng cách vận dụng Nghị định 93/CP?
Thứ tư, vướng mắc này liên quan đến Luật Xây dựng. QĐ 138 yêu cầu, đối với tất cả dự án, khi nhà đầu tư có đất rồi mới trình duyệt quy hoạch, hay gọi là quy hoạch tổng mặt bằng. Còn NĐ 181 thì phân biệt khác, đối với những dự án không sử dụng vốn ngân sách thì không phải phê duyệt, nhưng lại ràng buộc là thực hiện thiết kế cơ sở (tức là quy hoạch tổng mặt bằng) trước rồi mới lập dự án đầu tư.
Tất nhiên, thiết kế cơ sở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Như vậy, sẽ nảy sinh trường hợp nhà đầu tư không giải phóng mặt bằng được thì quay lại sửa đổi thiết kế cơ sở, hoặc có quyết định giao đất nhưng lại chưa có đất. Thật ra, trước đây tại TP đã từng làm theo kiểu này. Nhà đầu tư than phiền vì kéo dài quá lâu - có khi cả năm trời, còn đoàn thanh tra lại đặt vấn đề tại sao quy hoạch chưa triển khai nhưng lại thay đổi liên tục?
Thứ năm, thực hiện NĐ 181, ở cấp quận huyện thì hồ sơ GTCSDĐ phải giao cho Phòng Tài nguyên - Môi trường, còn nông thôn thì nộp tại UBND xã. Tuy nhiên, tại TP có một số Tổ nghiệp vụ hành chính công cũng làm nhiệm vụ này. Như vậy hồ sơ sẽ nộp vào đâu, trong khi nếu nộp cho Tổ nghiệp vụ hành chính công thì cũng phải chuyển lại cho Phòng Tài nguyên - Môi trường.
- Dự kiến khi nào sẽ hoàn chỉnh quy trình GTCSDĐ mới?
- Hiện nay chúng tôi đang tập hợp ý kiến của các cơ quan chức năng, tiếp tục hiệu chỉnh tất cả những vấn đề nêu trên, trình UBNDTP trong tuần này. Tất nhiên, trước đây và kể cả hiện nay việc triển khai thủ tục GTCSDĐ vẫn thực hiện theo Luật Đất đai và NĐ 181.
Sắp tới, thực hiện theo Luật, sẽ thành lập Phòng Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì đòi hỏi TP phải ban hành GTCSDĐ mới cho phù hợp. UBNDTP đã có quyết định thành lập Phòng Tài nguyên - Môi trường của 24 quận huyện. Bắt đầu từ hôm nay (17-1) Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp Sở Nội vụ và UBND các quận huyện triển khai công tác này!
LƯƠNG THIỆN thực hiện