Ngày 5-5, sở GD-ĐT các tỉnh, TP phía Bắc đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT) cho các trường ĐH-CĐ trên địa bàn. Ghi nhận chung tại đây cho thấy, năm nay, số lượng HSĐKDT giảm mạnh (trên 20%) so với năm 2009.
Hồ sơ dự thi giảm mạnh
Đơn cử như lượng HSĐKDT mà Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc nhận được là 25.000 HSĐKDT, giảm đến 30% so với năm 2009. Các tỉnh thành khác cũng trong tình trạng tương tự. Trong đó, Hà Nội, Thanh Hóa lượng hồ sơ giảm lên đến con số hàng chục ngàn.
Bà Tạ Song Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm nay, tổng số HSĐKDT Hà Nội nhận được là 159.660 hồ sơ (năm 2009 là 192.816 hồ sơ). Thanh Hóa cũng giảm vào khoảng 14.000 hồ sơ so với năm 2009 (tổng số HSĐKDT của Thanh Hóa năm 2010 là 92.037). Nam Định chỉ nhận tổng số hồ sơ là 57.439, giảm hơn 10.000 HSĐKDT so với năm trước. Ninh Bình nhận được 21.934 hồ sơ, giảm hơn 4.000 so với năm 2009; Bắc Giang: 37.480, giảm khoảng 8.000; Hải Phòng: 44.368, giảm khoảng 7.000...
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các tỉnh thành đều giảm hồ sơ dự thi thì Sơn La có số lượng HSĐKDT tăng hơn so với năm trước. Số lượng hồ sơ sở này nhận được năm nay là 14.470, so với tổng số 13.000 HS năm 2009.
Lý giải về tình trạng giảm hồ sơ, hầu hết các địa phương đều cho rằng, đó là do tác động của việc thu gộp cả lệ phí thi khi đăng ký dự thi cùng với việc tăng lệ phí tuyển sinh, điều này khiến thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi làm hồ sơ, dẫn đến giảm hồ sơ ảo (năm nay, Bộ GD-ĐT tăng tổng lệ phí thi từ 70.000 đồng lên 80.000 đồng/bộ đồng thời gộp cả lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi vào một lần nộp).
Lượng hồ sơ giảm mạnh là điều khiến các trường rất phấn khởi vì sẽ hạn chế thất thoát, lãng phí trong việc tổ chức thi cử. Những năm gần đây, khi tổ chức thi tuyển, hầu hết các trường đều “lỗ” do lượng hồ sơ ảo quá lớn. Cá biệt mỗi phòng thi chỉ có 1/3 thí sinh đến dự thi, trong khi tiền thuê phòng thi, chấm thi, cán bộ coi thi hàng năm đều tăng. Do vậy, lượng hồ sơ ảo giảm có thể giúp các trường đỡ lỗ trong mùa tuyển sinh năm nay, đồng thời cũng hạn chế lãng phí, tốn kém cho chính thí sinh.
Một số ý kiến hy vọng lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm sẽ làm cho tỷ lệ “chọi” của các trường giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết, việc giảm tỷ lệ chọi chỉ là trên cơ sở tính toán giữa tổng hồ sơ đăng ký dự thi và số chỉ tiêu. Khi tổng hồ sơ giảm thì tỷ lệ chọi sẽ giảm. Tuy nhiên, khi lượng hồ sơ ảo giảm thì tỷ lệ thí sinh dự thi thực sẽ cao lên. Do đó, tỷ lệ chọi thực tế chưa chắc đã giảm.
Thí sinh chuộng trường “tốp giữa”
Từ thực tế bàn giao hồ sơ, có thể nhận thấy xu hướng chọn nghề năm nay vẫn tiếp tục “nóng” khối ngành kinh tế. Đơn cử tại ĐH Thăng Long, hồ sơ khối ngành này chiếm tới trên 70% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Trong khi đó, lượng hồ sơ dự thi vào các khối ngành xã hội vẫn trong xu hướng giảm như mấy năm gần đây.
Tính chung, lượng hồ sơ khối C chỉ chiếm khoảng 5% - 6% tổng hồ sơ đăng ký. Ở Hà Nội, tỷ lệ này là 5,2%, Ninh Bình là 7%, Nam Định 4,2%, Hải Phòng chỉ có chưa đến 4,2% (trong khi đó, tỷ lệ thí sinh khối A luôn ở vị trí áp đảo: Hải Phòng 63%, Nam Định 65%, Hà Nội 55%).
Việc ít thí sinh chọn các khối ngành xã hội, sư phạm đang gây nên nỗi lo ngại cho các chuyên gia giáo dục. Thực tế, số lượng trường khối C ít, thí sinh không có nhiều sự lựa chọn, đầu ra cũng hạn chế, cơ hội tìm việc khó khăn và nhất là suy nghĩ làm việc ở các lĩnh vực xã hội thu nhập không cao đang ngăn cản thí sinh dự thi vào khối C. Ngược lại, các trường khối A, D lại đang trong xu thế tiếp tục mở nhiều ngành nghề đào tạo để “hút” thí sinh vào.
Ngoài việc giảm số hồ sơ thi, chọn khối ngành đào tạo, thực tế đăng ký dự thi năm nay cũng cho thấy các thí sinh vẫn tiếp tục “chuộng” trường tốp giữa. Trong khi các trường tốp trên dường như không có biến động nhiều so với năm trước thì lượng hồ sơ tăng vọt ở các trường có điểm chuẩn vừa phải, đặc biệt là những trường có cả 3 hệ trung cấp, cao đẳng và đại học liên thông. Điều này thể hiện tính toán của học sinh vì sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhất là việc học liên thông. Một số trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nổi bật như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Thương mại, CĐ GTVT...
Cùng với các trường tốp giữa, các trường địa phương năm nay trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều thí sinh. Đặc biệt, ở Hải Phòng, trường địa phương chính là những trường có lượng hồ sơ đăng ký cao nhất mà đứng đầu là ĐH Hải Phòng với trên 12.000 hồ sơ; ĐH Hàng hải trên 6.000; ĐH Y Hải Phòng trên 3.000; ĐHDL Hải Phòng trên 2.000. Vĩnh Phúc cũng tương tự, thí sinh của tỉnh đổ dồn thi vào các trường tỉnh nhà (CĐ SP Vĩnh Phúc: 2.561 hồ sơ; ĐH Hùng Vương: 1.232 hồ sơ; ĐHSP II: 2.090 hồ sơ)... Đây cũng là xu hướng chung trong vài mùa tuyển sinh gần đây, thể hiện việc thí sinh đã biết lượng sức mình.
Lâm Nguyên