Chiều 11-7, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2-2018.
Lưu ý về một số dấu hiệu cần được đánh giá và xử lý thận trọng, TS Nguyễn Đức Thành cho biết, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao bất thường trong khi số việc làm mới suy giảm. Lạm phát bật tăng trong quý 2, đạt mức 4,67% vào cuối tháng sáu do sự gia tăng của giá thực phẩm và xăng dầu. Trong khi đó, lạm phát lõi giữ mức ổn định 1,37%, phản ánh chính sách tiền tệ thận trọng của NHNN. Thương mại tăng trưởng chậm lại trong quý 2-2018. Chi thường xuyên tiếp tục ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chưa được cải thiện nhiều… Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, đạt 63,5 tỷ USD vào cuối quý 2, ngang với mức khuyến nghị của IMF. Tuy nhiên, dao động mạnh của tỷ giá có thể khiến NHNN phải giảm dự trữ để can thiệp bình ổn thị trường.
Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đức Thành, thị trường căn hộ trong quý 2 suy giảm ở cả hai đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, về lượng mở bán mới và lượng bán ra. TS Nguyễn Đức Thành đánh giá rủi ro về khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần có thể đẩy thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng ảm đạm hơn nữa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về dự báo mức tăng trưởng cả năm 2018, ông Thành nói: “Với mức tăng trưởng tích cực 6,79% của quý 2, và dù triển vọng kinh tế nửa sau của năm có thể thấp hơn, chúng tôi vẫn cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 là khả thi. Những tính toán mới của VEPR không sai biệt nhiều so với lần dự báo gần đây nhất (cuối tháng 4-2018), cho thấy tăng trưởng cả năm 2018 đạt 6,8%”.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh giá thực phẩm và nhiên liệu không ngừng gia tăng, nhóm nghiên cứu của VEPR nhấn mạnh để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4% cần nỗ lực hết sức của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN.
Cho rằng Việt Nam còn phải đối mặt nhiều thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm nghiên cứu của VEPR khuyến nghị: “Hiện nay, nguồn thu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các loại thuế tiêu dùng. Bất kỳ đề xuất tăng các khoản thuế tiêu dùng nào (VAT, tiêu thụ đặc biệt…) cũng cần được xem xét thận trọng vì thuế tiêu dùng tuy hiệu quả về hành thu nhưng được xem là không có tác động tốt đến công bằng trong chi tiêu. Thay vào đó, Chính phủ nên nghĩ tới việc cải cách lại các loại thuế tài sản vì hiện nay tỷ trọng đóng góp của các loại thuế này vào ngân sách còn khiêm tốn. Tuy nhiên, do các loại thuế trực thu dễ gây cảm giác “đau đớn” cho người nộp thuế. Trước khi tăng thuế, Chính phủ cần nâng cao tính minh bạch và trách nhiêm giải trình trong thu chi ngân sách để có thể thuyết phục người dân”.