
Khu vực ven sông khu vực Nam bộ ở phần hạ nguồn lại bước vào đợt triều cường mới. Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, sáng qua 16-12, mức triều đo được tại Trạm Phú An (TPHCM) là 1,3m và dự báo mức triều đợt này cao nhất chỉ khoảng 1,35 m, chưa bằng đỉnh triều năm 2002 là 1,45m. Nhưng…
- Cây mai chết mòn

Nước ngập, nhiều chủ vườn mai đã bán gốc cho các chủ mai ghép ở Thủ Đức.
Ảnh: QUỐC HÙNG
Trong bài “Phập phồng… mùa hoa Tết” số ra ngày 29-11, Báo SGGP đã đề cập đến tình trạng triều cường làm vỡ đê bao vùng trồng mai nổi tiếng ở các phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) và An Phú Đông (quận 12)...
Ngày 16-12, trở lại khu vực Hiệp Bình Chánh, Tam Phú, Tam Bình (quận Thủ Đức), chúng tôi chứng kiến cây mai trơ trụi lá, cành khô đen, trong đó một số cây đang ra nụ và trổ bông…
Một vài chủ vườn đã phải vội bán gốc cho các chủ mai ghép vì lo ngại mai chết hàng loạt. Theo ông Trương Minh Ngọc (Năm Liêm), trên 20 năm sống nhờ nghề trồng mai gốc, chưa năm nào lại thảm hại như năm nay.
Ông đã phải bán trên 200 gốc mai cho các chủ mai ghép, với giá chỉ còn 30.000-70.000 đồng/gốc. Dù sao vẫn thu lại được chút ít vốn còn hơn bị mất trắng vì 1/3 trong số 5.000 gốc mai đang khô cành rụng lá. Ông than thở: “3 năm trở lại đây cứ đến cuối năm bà con trồng mai lao đao vì triều cường”. Đến nhiều vườn mai khác tại đây chúng tôi cũng chứng kiến tình cảnh tương tự. Hầu hết mai trong tình trạng suy yếu, rụng lá, khô cành, lồi gốc.
Tuy đỡ hơn ông Năm Liêm, nhưng ông Thành cũng không khỏi than thở, vì Tết đến không biết lấy mai ở đâu để giao cho các mối. Là nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trồng mai cắt cành, nhưng ông bị thất thu không dưới 30% trong số hàng chục ngàn gốc mai. Một số nhà vườn khác như Năm Nga, H.Q, T.R.M... (với cả ngàn gốc mỗi vườn) cũng cùng chung số phận, rụng lá, èo uột.
Nhiều người cho rằng, đê bao ngày càng xuống cấp, nguồn nước bị ô nhiễm nặng khiến cây mai không chịu đựng được dẫn đến hiện tượng trên. Nhiều gốc mai giá cả triệu đồng cứ chết dần, chết mòn trước sự bất lực của chủ vườn. “Tiền vay ngân hàng sắp đến kỳ thanh toán, mai mất mùa, chết lấy gì mà trả?” - một nhà vườn ở Hiệp Bình Chánh than thở.
- Bán mía non... chạy con nước

Bị ngập liên tục, mai đã nở bông ở Thủ Đức. Ảnh: QUỐC HÙNG
Ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, khoảng 233 ha mía (chủ yếu ở ấp 1 và 2) - trong số 960ha mía trên địa bàn - chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập sâu 40cm trong nhiều ngày nên có thể bị mất trắng. Bác Trương Văn Đại (tổ 4, ấp 2) phải bán non đám mía nên chỉ được 7 triệu đồng thay vì có thể được 40 triệu đồng khi đủ chữ đường.
Những người khác “gồng” mình chờ qua con nước, nhưng xem ra khó có thể chờ đợi được nữa khi ngọn mía có biểu hiện cháy đọt (sắp chết), buộc phải tìm mối lái để bán…
Sáng qua 16-12, đê bao ở ấp 1, xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) lại vỡ. Toàn xã có diện tích tự nhiên là 854 ha, với hệ thống sông rạch chằng chịt, trong đó ấp 2 có chiều ngang khoảng 200m bị kẹp chặt giữa 2 con rạch Bà Hồng và Rõng Gòn, nên dễ bị thiệt hại nặng khi triều cao. Trong đó, nặng nhất là cánh đồng Ba Gò, Út Châu với phần lớn diện tích là đất trồng cỏ chăn nuôi, nhưng bị ngập úng nên ảnh hưởng đến nguồn thức ăn xanh của bò sữa.
Chị Trương Thị Hồng, ấp 2, thở dài: “Khốn đốn vì dịch cúm gia cầm, mới chuyển qua đào ao nuôi cá. Thấy cá lớn nhanh lòng mừng thầm. Ai dè, sau một đêm nước lớn, cá trong ao đi sạch. Giờ đây chỉ biết trông chờ vào số tiền phụ hồ của ông xã để sống qua ngày”.
Theo cán bộ phụ trách giao thông – thủy lợi xã Nhị Bình (Hóc Môn), đợt triều cường năm nay là khá bất thường. Nước triều cường thường chỉ rơi vào mồng 1 và 15-12 (ÂL) hàng tháng. Nhưng nay lại xảy ra vào ngày 19 và kéo dài đến 23 (ÂL) mà nước vẫn đứng ở mức cao, cộng với mưa to liên tiếp nên càng gây ngập sâu và lâu.
Nhưng nguyên nhân chính là do đê bao chưa hoàn chỉnh. Đơn cử như chưa thi công các dự án đê bao Bình Lợi B, Hiệp Bình Phước cũng như dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn thi công chậm và ngổn ngang chờ điều chỉnh thiết kế.
C.PHIÊN - Q.HÙNG - T.HÀ