Triều cường gây ngập sâu trên diện rộng

Thiệt hại ngày càng nặng

Thiệt hại ngày càng nặng

Thành phố mỗi năm tốn hàng chục tỷ đồng đểå gia cố đê bao, nạo vét kênh rạch. Thế nhưng, cứ vào mùa mưa hay lúc triều cường, đê bao lại vỡ, đường giao thông biến thành sông gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

  • Thiệt hại tiền tỷ
Thiệt hại ngày càng nặng ảnh 1

Thủy triều gây ngập ở bán đảo Thanh Đa.
Ảnh: Q. HÙNG

Ba ngày qua, hàng trăm nhà dân và hàng chục hécta rau muống, hoa màu ở ấp 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn ngập chìm trong biển nước do triều cường lên quá cao gây vỡ đê bao. Gia súc như heo, bò phải đưa đi gởi nơi khác.

Chiều 7-11, khá đông người dân vẫn hối hả đắp lại những đoạn đê bị vỡ và bất lực nhìn biển nước tràn vào nhà. Ông Nguyễn Văn Hai Ngàn than thở: “Kiểu này chắc phải mua ghe, chứ xe máy làm sao đi? Chú thấy đấy, nước ngập đến đầu gối như thế, xe nào chạy được. Khổ thật! Ruộng rau muống và lài bị nước ngập trắng hết rồi, hàng chục triệu đồng trôi mất”.

Ông cho biết thêm, hôm trước, đoạn bờ bao gần 2m bị vỡ, nước tuôn thẳng vào nhà bà Quýt cuốn trôi vật dụng trong nhà và cả trăm bao cám heo. Mấy con heo thì nổi lềnh bềnh trên mặt nước, may mà bắt lại được. Anh Nguyễn Minh Hùng ở ấp 3 cho biết, đoạn đê bao từ rạch Tra xuống cầu Kinh đang được thi công, nhưng tiến hành rất chậm.

Còn ở ấp 3 này, dân cư đông đúc, nhưng chẳng nghe nói gì đến việc gia cố bờ bao. Cứ đến tháng này trở đi là các loại cây ăn trái đều rụng lá. Hàng chục hécta vườn cây ăn trái, hoa màu có giá trị kinh tế cao ở xã Nhị Bình đều bị thiệt hại. Điều khiến bà con nông dân xã Nhị Bình lo lắng là hàng chục hécta lài đang có nguy cơ mất trắng. Đây là loại cây trồng nuôi sống bà con nơi đây.

Ở quận 12, hàng trăm mét bờ bao dọc sông Sài Gòn thuộc phường Thạnh Lộc và An Phú Đông bị vỡ và sạt lở. Các bờ bao rạch Bà Cam, rạch Giao Khẩu, rạch Trùm Bích, rạch Quản... bị nước tràn qua, gây thiệt hại không nhỏ.

Tại phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức), bờ bao rạch Đĩa tại tổ 8, khu phố 4, dài 6m, đã bị vỡ, ảnh hưởng đến hơn 50 hộ dân. Nước tràn qua nhiều đoạn bờ bao sông Sài Gòn và làm vỡ thêm một đoạn bờ bao rạch Bà Tâm nằm trong khu vực dự án của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, gây ngập úng cục bộ gần 0,5m khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ dân nơi đây khó khăn.

Còn ở phường Linh Đông, Tam Phú, nước tràn qua gây ngập sâu 0,4 - 0,5m khoảng 3ha đất canh tác, cuốn trôi hàng ngàn chậu mai kiểng, ngập tràn ao cá... Ông Nguyễn Văn Phong, tổ 7, khu phố 2, phường Tam Phú tiếc đứt ruột vì 3 ao cá tra nuôi gần cả năm nay hòa lẫn với con sông.

  • Ngập ngày càng nhiều

Tại nhiều khu vực huyện Nhà Bè, triều cường đã tràn và làm vỡ bờ bao nhiều vuông nuôi tôm cá. Triều cường gây ngập sâu ở diện rộng làm đường giao thông hư hỏng, cây ăn trái và hoa màu chết, gây ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh.

Nạn ngập úng hiện xảy ra ở nhiều nơi, kéo dài nhiều ngày, thiệt hại năm sau nặng hơn năm trước. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa có hướng khắc phục một cách căn cơ. Thành phố hàng năm đầu tư hàng chục tỷ đồng để gia cố đê bao nhưng cứ triều cường lên là lại vỡ.

Ông Trần Văn Hùng, cán bộ phụ trách phòng chống bão lụt xã Nhị Bình - xã trũng nhất của huyện Hóc Môn - cho biết trước đây, ngoài những khúc đê trọng điểm do Nhà nước đầu tư, phần còn lại đều do người dân tự đắp, gia cố hàng năm. Khá nhiều nhánh đê bị lỗ mọt, lỗ chuột dày đặc. Chính quyền địa phương tuy biết, nhưng đành chịu, vì muốn gia cố thì phải có tiền, trong khi kinh phí thành phố rót xuống không đủ, chỉ có thể gia cố những tuyến đê bao trọng điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Huỳnh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Khai thác công trình thủy lợi quận Thủ Đức cho biết, trước mắt xí nghiệp triển khai nhanh các biện pháp nhằm giải quyết hậu quả đoạn đê bị vỡ, như tăng cường kiểm tra, gia cố, dùng máy bơm nước ra sông và điều chỉnh lại một số cống nội đồng.

Để hạn chế bớt thiệt hại do triều cường gây ra, theo ông, Trung ương cần đầu tư cho hệ thống đê bao ven biển và đê bao các con sông lớn. Ngân sách thành phố nên đầu tư cho hệ thống đê bao các con sông vừa và nhỏ còn ngân sách huyện sẽ cùng các doanh nghiệp và người dân cư trú tại địa bàn đóng góp, đầu tư cho hệ thống đê bao dọc theo các con rạch.

QUỐC HÙNG

Triều cường ở ĐBSCL
Ngập 1.400 ha mía, hàng trăm nhà dân, vỡ 18 đập lớn

Tối 6-11, triều cường trên sông Hậu dâng cao, đẩy mực nước lên 2 - 2,05m phá vỡ 18 đập lớn trên tuyến đê bao huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Thống kê sơ bộ, có tới 1.400 ha mía, hoa màu và gần 100 nhà dân bị ngập sâu từ 0,5 đến 1,4m. Ông Phạm Quang Huy, Phó ban PCLB và Tìm kiếm cứu nạn huyện Cù Lao Dung, cho biết: Đến 17 giờ chiều 7-10, chính quyền và nhân dân địa phương chỉ gia cố được 3 đập, giảm bớt phần nào thiệt hại cho dân. Toàn tuyến đê bao huyện Cù Lao Dung dài 56 km, tổng vốn đầu tư 151 tỷ đồng do Trung ương đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2000 đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Trong 2 ngày qua (ngày 6 và 7-11), TP Cần Thơ bị triều cường gây ngập úng nghiêm trọng vào buổi sáng và tối. Trong đó, mực nước trên sông Hậu đạt 2,01m (vượt báo động III là 0,31m) cao hơn đợt triều cường tháng 8 Âm lịch 0,06m. Nước tràn vào làm ngập hàng chục tuyến đường, hẻm gây ra tình trạng ô nhiễm trên diện rộng. Theo Trung tâm Dự báo KTTV Cần Thơ: Đây là đợt triều cường cao nhất từ năm 1940 đến nay, nhiều dấu hiệu khác thường so với quy luật hàng năm. Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng đã huy động lực lượng xung kích túc trực sẵn sàng, ứng cứu các tuyến đê ở các cồn trên sông Hậu trong đỉnh điểm triều cường ngày 8-11.

B.Đ. – C.H.P.

Tin cùng chuyên mục