Thông qua tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - thoát nghèo bền vững”, chị em phụ nữ đã trao đổi kinh nghiệm, tìm mô hình thích hợp để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển hình thức tổ chức sản xuất, qua đó đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, đạt thu nhập 60 triệu - 100 triệu đồng/năm.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, có nhiều mô hình sản xuất, làm kinh tế giỏi nổi lên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua như: “Trồng rau sạch an toàn trong nhà lưới”, “Trồng ổi nữ hoàng”, “Phụ nữ khởi nghiệp đan lục bình”, “Chằm nón lá”, “Phụ nữ liên kết đan đát”, “Làm cốm gạo”, “Gia công các mặt hàng mỹ nghệ”…
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền (ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy) là hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi với mô hình trồng rau xen canh. Lúc đầu, chị tận dụng khu đất trống trồng rau, chỉ để gia đình ăn. Được hội tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã tận dụng hết các phần đất trống quanh nhà để trồng các loại rau cải xen canh như hẹ, rau má, đậu đũa… theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là không sử dụng các chất hóa học độc hại trong sản xuất.
Nguồn sản xuất này đã hỗ trợ thêm thu nhập cho gia đình 4 triệu đồng/tháng. Chị là một điển hình trong nhiều phụ nữ khu vực nông thôn thuộc Hội LHPN tỉnh tham gia mô hình “Phụ nữ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm” do Hội LHPN tỉnh phát động.
Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đang thực hiện có hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, giai đoạn 2017-2025”. Theo đó, hội đã phối hợp với Sở Công thương, Sở NN-PTNT, Liên minh Hợp tác xã (HTX), các tổ chức tín dụng… tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi để khởi sự kinh doanh; hỗ trợ thủ tục đăng ký thương hiệu, thành lập HTX, tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại TPHCM, Cần Thơ và Hậu Giang.
Qua đó, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Nhiều tổ hợp tác, HTX mà vai trò của phụ nữ là then chốt đã kết nối được đầu ra ổn định. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã thành công khi xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Mãng cầu Hậu Giang”.
Trong đó, HTX Nông nghiệp và Thương mại dịch vụ mãng cầu Thuận Hòa (huyện Long Mỹ) là một trong những đơn vị thụ hưởng. Hiện HTX có 24 xã viên là nữ. “Người dân và thành viên HTX đã gắn bó với cây mãng cầu Xiêm từ rất lâu. Chị em trong HTX rất vui vì được chính thức sử dụng nhãn hiệu.
Qua đây, chúng tôi cũng bán được nhiều sản phẩm, mang lại thu nhập thêm cho các thành viên”, bà Phạm Thị Lượng, Giám đốc HTX Thuận Hòa, vui mừng chia sẻ. Được biết, mãng cầu Xiêm 5 - 10 năm tuổi có thể đạt 100kg - 150kg/cây/năm. Bình quân, mỗi năm 1ha mãng cầu xiêm cho thu nhập trên 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã làm cầu nối quan trọng để HTX nông nghiệp Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp) ký kết với Cơ sở Vinh Phú (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ); Cơ sở đan lục bình Nguyễn Thị Loan (huyện Châu Thành) ký kết với HTX Kim Hưng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), HTX Thanh Tú (huyện Vị Thủy) ký kết với Cty TNHH Mây tre lá Thành Lộc (tỉnh Bình Dương)… Việc kết nối đã giúp các cơ sở sản xuất của chị em phụ nữ tìm đầu ra ổn định và có thu nhập bền vững.