Những số liệu thống kê về lượng sách xuất bản trong nhiều năm qua cho thấy người Việt chúng ta đọc sách không nhiều. Cụ thể con số do Bộ VH-TT-DL đưa ra nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc là bình quân mỗi năm, một người Việt chỉ đọc 0,8 quyển sách.
Một trong những nguyên nhân khiến việc đọc sách của người Việt còn hạn chế đó là chúng ta thiếu sách, hay nói cách khác thiếu sự đa dạng trong chủ đề, cũng như chủng loại sách. Đồng ý là sách hiện nay nhiều nhưng lại không đa dạng chủ đề, vì phần lớn tập trung vào loại sách dạy kỹ năng hoặc các loại sách dạy về kinh doanh, quản trị, sách văn học dành cho người trưởng thành.
Tất nhiên, một trong những chức năng quan trọng của sách là giúp con người có thêm những kiến thức, kỹ năng để giải quyết các công việc thường ngày, nhưng không chỉ có thế, sách còn phải là nơi giúp con người khám phá thêm những thực tại xã hội, tìm hiểu thêm những khía cạnh văn hóa, tâm lý của con người lẫn đời sống xã hội nữa, sách phải giúp con người có cơ hội suy tư về chính mình, suy tư về cuộc sống và những hiện tượng văn hóa, xã hội, tâm lý khác nữa.
Đọc một cuốn sách có thể giúp con người hiểu được một nền văn hóa, một xã hội, chứ không chỉ để có kỹ năng. Một cuộc nghiên cứu ở Pháp cho thấy động cơ đọc sách của hơn phân nửa giới trẻ là nhằm gia tăng trí tưởng tượng, thư giãn nhiều hơn là vì kiến thức, kỹ năng.
Một điều cũng dễ nhận thấy là nếu xét riêng về mảng sách dành cho độ tuổi vị thành niên thì hiện nay gần như là một khoảng trống vì chúng ta không có nhiều sách, nhiều tác giả viết cho nhóm tuổi này. Cần lưu ý rằng, đây là độ tuổi đang trong giai đoạn chuyển tiếp về mặt tâm sinh lý, nên cách viết, ngôn ngữ, chủ đề cũng khác với loại sách dành cho thiếu nhi hoặc giới trưởng thành. Hiện nay chúng ta có quá ít cây viết đáp ứng được nhu cầu đọc cho nhóm tuổi này.
Việc đọc sách phải được tập luyện trong một chuỗi liên tục về thời gian, từ độ tuổi thiếu nhi cho đến tuổi vị thành niên, tuổi thanh niên và tuổi trưởng thành. Thế nhưng, hiện nay chúng ta hình như chỉ có nhiều sách ở hai đoạn đầu và cuối của đời người, đó là sách cho thiếu nhi và sách cho giới trưởng thành, còn trong hai đoạn giữa là vị thành niên và thanh niên thì gần như có rất ít tác phẩm. Vậy nên rất khó để chúng ta có thể xây dựng được một thói quen đọc sách mang tính liên tục cho từng cá nhân trong xã hội.
Vì vậy, để có thể tạo được thói quen đọc sách có tính liên tục, trước hết cần xây dựng được một đội ngũ viết sách có khả năng viết về các chủ đề khác nhau cho từng nhóm tuổi trong xã hội, để mọi thành phần trong xã hội đều có thể tìm được sách phù hợp với nhu cầu, sở thích và trình độ của mình. Thật khó nói đến việc phát triển văn hóa đọc khi người muốn đọc lại không có loại sách mong muốn.
Đặc biệt phải chú trọng đến loại sách dành cho nhóm tuổi vị thành niên và thanh niên, bởi nếu ở những nhóm tuổi này thiếu sách để bồi dưỡng tinh thần, nhân cách thì các em sẽ dễ dàng sa đà vào những thú vui khác mà đôi khi không lành mạnh.
Thạc sĩ LÊ MINH TIẾN