Bão số 7 đổ bộ vào biển Đông

Sức gió giật trên cấp 14

Miền Trung: Cấp bách đối phó với bão số 7
Sức gió giật trên cấp 14

Thành lập Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7
Bộ Y tế: Sẵn sàng cứu chữa nạn nhân không thu phí
Miền Trung: Cấp bách đối phó với bão số 7

  • Thành lập Ban chỉ huy tiền phương
Sức gió giật trên cấp 14 ảnh 1

Ngư dân phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để tránh bão.
Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Chiều qua 30-10, cơn bão số 7 (Cimaron) đã vượt qua đảo Luzong (Philippines) vào biển Đông. Hồi 19 giờ tối 30-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 118,1 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật trên cấp 14.

Dự báo, sáng nay (31-10) bão số 7 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km và có khả năng mạnh thêm; chiều nay (31-10), tâm bão có vị trí ở vào khoảng 17,0 độ vĩ Bắc; 115,5 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa biển Đông có gió bão mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật trên cấp 14, sóng biển cao từ 10 đến 12m. Biển động dữ dội.

Dự báo, đến ngày mai (1-11), bão số 7 sẽ di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 đến 15km. Vào 16 giờ chiều ngày 1-11, tâm bão có vị trí ở vào khoảng 16,9 độ vĩ Bắc; 113,2 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông. Vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 - 300km tính từ tâm bão; cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100km tính từ tâm bão.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 7, sáng qua 30-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên họp khẩn cấp của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương để chỉ đạo các biện pháp đối phó khẩn cấp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, cơn bão số 7 có thể mạnh hơn bão số 6 vừa qua, có vùng ảnh hưởng rộng từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng chống bão số 7 khẩn trương và có hiệu quả.

Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án sơ tán dân và trong ngày 1-11 phải cơ bản sơ tán xong hết dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 17 giờ; đảm bảo không để dân đói rét, không có chỗ ở; triển khai ngay các phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
Thành lập Ban chỉ huy tiền phương chỉ đạo phòng chống cơn bão số 7 đặt tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trực tiếp chỉ đạo gồm các bộ, ngành: Bộ NN-PTNT, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công an, Trung tâm Khí tượng - Thủy văn, Bộ Bưu chính- Viễn thông, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và 3 đoàn công tác tại Quảng Trị, Quảng Ngãi và Thừa Thiên – Huế.
  • Kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn

Cùng ngày Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thay mặt Chính phủ ký công điện khẩn số 1741/CĐ-TTg gửi Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang và các bộ, ngành liên quan chỉ đạo triển khai ngay các phương án đối phó với bão số 7.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu theo dõi sát diễn biến cơn bão số 7, tập trung lực lương, phương tiện chủ động đối phó và khắc phục hậu quả; nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi và bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn.

Các cơ quan chức năng chuẩn bị các phương án bố trí đủ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu và các vùng dân cư trên đảo; chỉ đạo các huyện, xã, thôn bản cử người trực 24/24 giờ ở các ngầm, các đoạn đường ngập lụt để bảo vệ dân; nghiêm cấm các chủ đò, phương tiện vận tải không bảo đảm an toàn hoạt động trong khi mưa bão.

Liên quan đến cơn bão số 7, hôm qua, 30-10, Bộ Y tế đã có công điện khẩn về xuất cấp cơ số thuốc phòng chống lụt bão năm 2006. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Công ty Dược TƯ 3 cấp ngay cho Sở Y tế các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa mỗi tỉnh 20 cơ số thuốc; các Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và TP Đà Nẵng mỗi tỉnh 30 cơ số thuốc.

Bộ yêu cầu công ty phải kiểm tra, đảm bảo thuốc đóng trong cơ số còn hạn dùng đến hết năm 2007 và vận chuyển, giao hàng tới các Sở Y tế trên trước ngày 1-11.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có điện khẩn gửi Sở Y tế và các bệnh viện, các viện Pasteurs, công ty dược nằm trong phạm vi ảnh hưởng của bão số 7 yêu cầu triển khai ngay các phương án về phòng chống lụt bão. Đặc biệt, bộ yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu nạn nhân do bão, lũ gây ra không được thu bất cứ khoản phí nào.

NHÓM PV

Bão số 7 gây mưa lớn ở Nam Trung bộ và Nam bộ

Chiều 30-10, Đài Khí tượng - thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, cơn bão số 7 còn ở ngoài biển Đông, nhưng ảnh hưởng đã lan tới các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ.

Từ nay đến vài ngày tới có mưa và dông trên biển, gió mạnh dần lên; thời tiết toàn vùng chuyển sang hướng xấu, mưa tăng cả về diện và lượng trên đất liền, kèm theo gió giật, sấm sét, đặc biệt là các tỉnh ven biển.

Ngoài ảnh hưởng của hoàn lưu bão, Nam bộ còn chịu ảnh hưởng bởi trục rãnh thấp (từ 8-11 độ vĩ Bắc), do vậy ngày 29-10, TPHCM (huyện biển Cần Giờ) và TP Vũng Tàu đã có mưa lớn 40mm – 50mm.

Đ.P.

Miền Trung: Cấp bách đối phó với bão số 7

Sức gió giật trên cấp 14 ảnh 2

Người dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng tận dụng xà bần cho vào bao tải để chèn mái nhà trước khi bão đến. Ảnh chụp chiều 30-10. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

ĐÀ NẴNG: Lúc 17 giờ 30 ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có mặt tại Đà Nẵng để chuẩn bị cho công tác chỉ đạo phòng chống bão số 7 tại miền Trung. Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng quyết định cấp cho huyện Hòa Vang 100 triệu đồng và các quận, huyện còn lại mỗi nơi 50 triệu đồng để chuẩn bị nguồn lương thực tại chỗ, kịp thời đảm bảo cung ứng cho dân.

Bổ sung cho ngành y tế 3 máy phát điện dự phòng chuẩn bị cho công tác cấp cứu nạn nhân, mỗi quận huyện 1 máy phát điện dự phòng, đài phát thanh truyền hình 2 máy phát điện dự phòng… Bộ chỉ huy quân sự thành phố cũng đã có phương án trình Quân khu V điều 3 xe bọc thép làm công tác chống bão khi bão đổ bộ vào đất liền.

QUẢNG NAM: ông Đinh Văn Thu, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: vấn đề đang lo nhất hiện nay là việc hàng vạn gia đình ở Quảng Nam vừa cho lợp lại mái nhà bị tốc mái trong bão số 6 bằng số tiền vay mượn, tiền cứu trợ của các tổ chức, cá nhân từ thiện, nếu bão số 7 đổ bộ vào thì không biết hậu quả mà người dân gánh chịu sẽ lớn như thế nào. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam kiên quyết trong việc tổ chức di dời dân trong cơn bão này, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra (đặc biệt là thiệt hại về người).

Hồi 16 giờ 30, tỉnh Quảng Nam đã có 1.795 tàu thuyền cùng với gần 9.500 lao động ngoài biển đã vào bờ. Hiện còn 9 tàu thuyền với 85 lao động đang ở ngoài khơi , trong đó có 6 tàu chưa thể liên lạc được.

THỪA THIÊN - HUẾ: Đến chiều qua, phương án phòng chống bão số 7 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được triển khai về tất cả 150 phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, số hộ dân cần di dời có thể còn lớn hơn trong bão số 6, dự kiến hơn 12.500 hộ, do nhiều nhà dân bị sập và tốc mái hiện vẫn chưa thể khắc phục xong. Các vùng thấp trũng, sạt lở, cư dân vạn đò, ven biển, đầm phá như Thuận An, Phú Diên, Phú Thuận, Hải Dương, Vinh Hiền, Lăng Cô, Chân Mây, Lộc Thủy... đang được xác định là địa bàn xung yếu cần được đặc biệt chú ý, để tránh xảy ra tổn thất lớn về người.

Tính đến chiều qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phân bổ xong 60 bộ nhà bạt, 1.500 phao và áo cứu sinh, 50 bộ phao bè các loại... về cho các địa phương. Công ty Lương thực Bình Trị Thiên và các HTX mua bán trên địa bàn đã dự trữ 300 tấn gạo, 30 tấn mì tôm. Các huyện tiếp nhận xong 25 tấn gạo dự phòng cứu đói khi xảy ra bão.

QUẢNG NGÃI: Đối với các công trình đang xây dựng, nhất là các công trình thuộc dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án thi công trên biển như đê chắn sóng, bến cảng, nhà máy đóng tàu cũng đề ra những phương án để có biện pháp di chuyển, bảo vệ vật tư thiết bị, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cán bộ công nhân, chuyên gia đang thi công.

Tin cùng chuyên mục