Hạ tầng giao thông tại TPHCM

Bài 1: Gian nan đường ngoại ô

Bài 1: Gian nan đường ngoại ô

Hiện nay hầu hết con đường nội đô TPHCM đã trở nên quá tải, nạn ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Các trục đường chính ở vùng ven và ngoại thành thì hư hỏng nặng. Các công trình cải tạo, nâng cấp giao thông cứ ì ạch thi công. Trong khi đó, chỉ tính riêng nguồn vốn ngân sách, mỗi năm TPHCM chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác này.

  • Những con đường “đau khổ”
Bài 1: Gian nan đường ngoại ô ảnh 1

Những ao lầy trên đường Lê Văn Quới quận Bình Tân.

Một trong những tuyến đường “đau khổ” nhất hiện nay là đường Lê Văn Quới (quận Bình Tân). Tuyến đường đã thành ao như Báo SGGP đã từng phản ánh từ năm 2003.

Trở lại tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận cũng chẳng khác gì lúc đó. Có chăng “ao” đã sâu hơn, rộng hơn, lấn vào cả nhà dân. Cứ mỗi lần xe tải đi qua, phụ xe lại phải nhảy xuống trước, dò dẫm từng bước một để ra hiệu cho tài xế chạy tránh các “ổ voi” ngầm dưới mặt nước.

Đường Nguyễn Hữu Trí (huyện Bình Chánh) khoảng 2 km từ Chợ Đệm đến tiếp giáp tỉnh Long An hiện nay, lầy lội chưa từng thấy. Trong khi đó, cũng con đường này, nhưng đoạn thuộc địa phận tỉnh Long An thì trải nhựa phẳng lì, rộng thênh thang!…

Là một trong những tuyến đường chính của quận 12, đường Phan Văn Hớn, cũng đã xuống cấp nặng nề từ nhiều năm qua. Nắng bụi, mưa ngập, mặt đường đầy ổ gà, ổ voi ẩn sâu dưới nước “bẫy” người và phương tiện lưu thông trên đường. Thậm chí mùa khô cũng phải lội bùn lầy do nước đọng không có đường thoát.

Cách đó không xa, đường Nguyễn Ảnh Thủ, Hà Huy Giáp, tỉnh lộ 15... cũng rơi vào tình trạng như vậy. Có những đoạn đường bị cày nát, có chỗ mặt đường trũng xuống tạo thành những hố sâu đến đầu gối nên chỉ có xe tải, xe container lưu thông. “Tôi đã ở đây 4 năm. Lúc đó những tuyến đường này cũng đã hư hỏng nhưng bây giờ càng trầm trọng hơn, kéo dài suốt tuyến. Nơi đây đã xuất hiện nhiều ao nước choán hết mặt đường. Mỗi ngày có không biết bao nhiêu vụ té ngã do sụp hố” - anh Trần Đức, tài xế xe ôm tại đường Phan Văn Hớn cho hay.

Nhiều tuyến đường tại các quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Bình, huyện Bình Chánh và Nhà Bè… cũng cùng chung “số phận”: nắng bụi, mưa lầy, mặt đường đầy những ổ trâu, ổ voi. Theo báo cáo của Sở GTCC TPHCM, hàng trăm con đường trên địa bàn TPHCM đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa được duy tu, sửa chữa.

Nhiều người dân bày tỏ với chúng tôi: Hạ tầng giao thông TPHCM vẫn còn quá ngổn ngang, bộ mặt giao thông không có gì thay đổi lớn. Việc cải tạo, nâng cấp chưa có kết quả đáng kể.

  • Tiến độ chậm, chất lượng kém
Bài 1: Gian nan đường ngoại ô ảnh 2

Cầu Văn Thánh 2, sau nhiều lần sửa chữa, đường vẫn tiếp tục lún, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Có một nghịch lý: Yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất bức xúc nhưng tiến độ thi công các dự án rất ì ạch, chất lượng không đạt. Dự án mang nhiều tai tiếng nhất trong thời gian qua là Hoàng Hoa Thám – Vạn Kiếp (Bình Thạnh). Công trình này không lớn, không phức tạp và được phê duyệt dự án từ đầu năm 2001, tổng vốn đầu tư gần 176 tỷ đồng (chi phí đền bù giải tỏa hơn 155 tỷ đồng, chi phí xây lắp hơn 17,5 tỷ đồng) nhằm chỉnh trang và chống ngập đường Hoàng Hoa Thám-Vạn Kiếp.

Người dân mong đợi công trình này hoàn thành nhưng khi thi công bà con đã không biết bao nhiêu lần phản ánh về sự chậm chạp của đơn vị thi công. Sau này cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, xử phạt gắt gao thì công trình mới hoàn thành.

Dự án mở rộng đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp (đoạn từ đường Phạm Ngũ Lão đến rạch Bến Cát) dài 1.400m, được đầu tư hơn 91 tỷ đồng, lẽ ra hoàn thành hồi tháng 5-2006 nhưng đến nay vẫn là công trình dở dang.

Còn đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) dài gần 3 km, vào năm 1998 cử tri đã nhiều lần phản ánh lên HĐNDTP về tình trạng lầy lội, xuống cấp. Sở GTCC cũng đã lập dự án nâng cấp mở rộng. Sau nhiều lần trì hoãn và điều chỉnh dự án, tổng chi phí đã đội lên trên 273 tỷ đồng. “Thế nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thì biết bao giờ hoàn thành?” – anh Long, ngụ đường Phạm Văn Bạch, đặt câu hỏi.

Đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) kinh phí tu sửa đã được UBNDTP phê duyệt vào năm 2000. Theo kế hoạch thì dự án này phải hoàn thành vào tháng 6-2004 nhưng đến nay vẫn thi công dở dang.

“Với các dự án đã giám sát, thực tình tôi chưa thấy dự án nào đúng tiến độ. Việc kéo dài thực hiện dự án như vậy không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội thành phố mà còn làm mất niềm tin với nhân dân” - ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TPHCM đã nhận định như vậy.

Được biết, trong năm 2005, chỉ riêng vốn ngân sách, TPHCM đã rót hơn 1.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông. Còn năm 2006, số tiền này còn chi cao hơn rất nhiều. Một đại biểu HĐND TPHCM khác trong quá trình giám sát các dự án giao thông bộc bạch: “Nếu thời gian qua, tổng số tiền đầu tư hạ tầng tại TPHCM mà chúng ta làm khoa học, trong sạch, chắt chiu, dứt điểm và hiệu quả thì hạ tầng giao thông thành phố có kết quả gấp 5 lần hiện nay, thay vì chúng ta chỉ làm được từng đó con đường, cây cầu”.

VÂN ANH - HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục