Thanh tra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

Chuyển hồ sơ điều tra 2 vụ cố ý làm trái, làm thất thoát tài sản nhà nước

Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc thanh tra việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cho thuê tài chính tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cơ quan này đã đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho thuê tài chính và việc mua khách sạn Royal - Hoàng Gia (số 20 Hàng Tre - Hà Nội).
Chuyển hồ sơ điều tra 2 vụ cố ý làm trái, làm thất thoát tài sản nhà nước

Thanh tra Chính phủ vừa kết thúc thanh tra việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cho thuê tài chính tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Cơ quan này đã đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động cho thuê tài chính và việc mua khách sạn Royal - Hoàng Gia (số 20 Hàng Tre - Hà Nội).

  • Đầu tư, xây dựng: có thông thầu
Chuyển hồ sơ điều tra 2 vụ cố ý làm trái, làm thất thoát tài sản nhà nước ảnh 1

Việc chia tài sản sau khi bán khách sạn Hoàng Gia làm thất thoát hơn 8 tỷ đồng của Nhà nước.

Từ năm 2000 đến 2004, BIDV đã đầu tư, xây dựng 81 dự án với tổng mức đầu tư 417,1 tỷ đồng. Tổng dự toán được duyệt là 314,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nguồn tin của SGGP thì cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm vốn vẫn được xem là căn bệnh chung của lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Chẳng hạn, chất lượng thẩm định thiết kế, tổng dự toán trong quản lý đầu tư và xây dựng làm chưa tốt, nhiều dự án phải bổ sung thay đổi thiết kế làm phát sinh thêm khối lượng xây lắp… Tại 34 dự án đã quyết toán với tổng giá trị hơn 96 tỷ đồng, có hơn 4 tỷ đồng vượt dự toán, như dự án gói thầu số 68-70 Điện Biên Phủ (Hải Phòng), gói thầu ở Quảng Nam, Long An.

Có 81 dự án được chia nhỏ thành 562 gói thầu với tổng giá trị 270,5 tỷ đồng. Trong số này, chỉ có duy nhất 1 gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi; 39 gói thầu đấu thầu hạn chế; 472 gói thầu được chỉ định thầu…

Có 3 công trình, chủ đầu tư đã cho nâng giá trị hợp đồng không đúng quy định, gồm Phòng Giao dịch Tân Thanh - Lạng Sơn (405 triệu đồng), Trung tâm GD BIDV - Bình Định (242 triệu đồng), BIDV Bà Rịa -Vũng Tàu (266 triệu đồng); gói thầu BIDV - Sơn La bị phá vỡ toàn bộ kế hoạch thực hiện dự án, gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quá trình đầu tư và xây dựng, làm thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.

Đặc biệt, đoàn Thanh tra còn phát hiện có nhà thầu được mời và tham gia đấu thầu chỉ là hình thức. Điển hình như tại gói thầu Phòng giao dịch Tân Thanh, Lạng Sơn, “các nhà thầu đã thông đồng trong đấu thầu. Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu có cùng một file trong máy tính, có nội dung giống nhau, kể cả sai lỗi chính tả”.

Do có quá nhiều “vấn đề” trong tổ chức đấu thầu nên hệ quả là đấu thầu có tỷ lệ giảm giá rất thấp, từ 0% đến 0,07%. Rất ít gói thầu có kết quả đấu thầu đạt tỷ lệ giảm giá trên 1%.

  • Nợ xấu cho thuê tài chính tăng đột biến

Kết quả thanh tra cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, BIDV còn bộc lộ những yếu kém, vi phạm nguyên tắc, quy định, nhất là trong lĩnh vực cho thuê tài chính, mua bán, chuyển nhượng tài sản. Do bức xúc về trụ sở làm việc, được sự đồng ý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngày 29-8-2001, BIDV ký hợp đồng mua khách sạn Hoàng Gia với giá 38,8 tỷ đồng để làm trụ sở làm việc. Tuy nhiên, BIDV lại trả thêm (trái phép) cho người bán 1,3 tỷ đồng. Khó hiểu hơn, sau đó, thay vì đầu tư, sửa chữa để chuyển trụ sở về làm việc thì BIDV lại đi thuê hơn 16.000m2 tại Tòa tháp A-VinCom làm Hội sở chính. Hành động đi thuê này đã làm tăng chi phí mỗi năm lên đến hơn 36 tỷ đồng!

Chưa dừng ở đó, trong việc chia tài sản cho Công ty Đồng Tháp sau khi bán khách sạn Hoàng Gia (Công ty Đồng Tháp là cổ đông thành lập khách sạn Hoàng Gia) làm thất thoát hơn 8 tỷ đồng của Nhà nước. Cơ quan thanh tra đã đề nghị chuyển hồ sơ vụ này sang cơ quan điều tra xử lý.

Tuy nhiên, hoạt động cho thuê tài chính mới là lĩnh vực cần chấn chỉnh nhất, xử lý “nặng tay” nhất. Bởi nợ xấu và lãi treo trong hoạt động cho thuê tài chính ngày càng tăng, vượt tốc độ tăng trưởng tài sản và dư nợ tín dụng. Chất lượng cho thuê tài chính ngày càng giảm sút, bộc lộ yếu kém. Trong những năm 2003, 2004 và 6 tháng đầu năm 2005 những khoản nợ xấu có khả năng mất vốn tăng đột biến. Đến 30-6-2005, số dư nợ tài sản cho thuê tài chính ngoại ngành 700 tỷ đồng thì nợ quá hạn lên tới 104,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu là 99,7 tỷ đồng, các khoản nợ xấu có khả năng mất vốn lên tới 32,8 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản nợ khó thu hồi của Công ty cổ phần Du lịch Hải Long, Hải Phòng.

Một trong những nguyên nhân và cũng là trách nhiệm gây nên tình trạng trên là do cá nhân ông Nguyễn Đức Thịnh, Giám đốc Công ty cho thuê tài chính BIDV (gọi tắt là BLC). Kết quả thanh tra cho thấy ông Thịnh và một số cá nhân liên quan khi thực hiện hoạt động cho thuê tài chính có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của Nhà nước; có dấu hiệu buông lỏng quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng.

Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng cho chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật đối với ông Thịnh và một số cá nhân liên quan. Được biết, trước đó đoàn kiểm tra của Tổng giám đốc BIDV đã yêu cầu BLC có báo cáo riêng về trường hợp Công ty cổ phần Du lịch Hải Long (nợ gốc xấu 27,7 tỷ đồng, nợ lãi xấu 7,6 tỷ đồng). Thế nhưng, đến nay, BLC vẫn chưa có báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo BIDV!

CHIẾN QUỐC

Tin cùng chuyên mục