Khắc phục ngay tình trạng chủ quan với bão

Khắc phục ngay tình trạng chủ quan với bão
  • Thủ tướng sẽ có hình thức kỷ luật các cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo trong việc đối phó với bão số 9
Khắc phục ngay tình trạng chủ quan với bão ảnh 1

Lực lượng phòng chống lụt bão Bình Thuận giúp dân đưa tàu, thuyền lên bờ tránh bão.

Ngày 4-12, Chính phủ và Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện yêu cầu các tỉnh ven biển: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu phải hoàn thành di dời dân và bảo đảm an toàn các khu neo đậu tàu thuyền, cơ sở vật chất trước ngày 4-12.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải là tổng chỉ huy các lực lượng của địa phương và của Trung ương đóng trên địa bàn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn để đối phó với bão số 9. Các bộ, ngành hữu quan rà soát lại việc triển khai bố trí lực lượng trên từng địa bàn để phối hợp với địa phương thực hiện tốt công tác đối phó với bão. Thủ tướng Chính phủ sẽ có hình thức kỷ luật các cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối phó với bão số 9.

- Bảo đảm sự an toàn của dân, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác ứng phó với bão số 9. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi họp bàn giải pháp ứng phó bão số 9 với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và đại diện nhiều bộ, ban, ngành chiều 4-12, tại Hà Nội. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bão số 9 bắt đầu đổ bộ vào bờ với tốc độ cao, gây nguy hiểm và làm ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Vì vậy, Chủ tịch UBND các tỉnh phải huy động tất cả lực lượng trên toàn địa bàn, kiên quyết đưa người dân vào khu vực an toàn, đồng thời cử cán bộ bảo vệ tài sản cho nhân dân. Các địa phương chủ động phòng tránh toàn diện trên các lĩnh vực: bão, lũ, mưa, lốc xoáy, sạt lở đất. Những nơi bão chưa đổ bộ vào, cần chấm dứt ngay tình trạng chủ quan, lơ là. Nơi nào còn để tái diễn tình trạng trên, không thi hành phương án phòng chống lụt bão, cán bộ lãnh đạo sẽ bị xử lý kỷ luật. Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ban, ngành có liên quan cần lên phương án cứu trợ, cứu nạn, khắc phục hậu quả, đặc biệt không được để người dân thiếu lương thực và thiếu chỗ ở. Bộ Y tế cần có phương án đề phòng bệnh dịch xảy ra sau bão.

- Tại cuộc họp giao ban sáng ngày 4-12 tại Văn phòng Thường trực Phân ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) miền Nam, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho biết: Vẫn còn một số tỉnh chủ quan với bão và sáng 4-12 Phó Thủ tướng đã gọi điện thoại gặp trực tiếp từng đồng chí chủ tịch tỉnh nhắc nhở, đôn đốc, yêu cầu không được chủ quan với cơn bão số 9 vì nó diễn ra rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rất rộng và phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do bão gây ra. Dự kiến bão sẽ đổ bộ vào đất liền trong đêm 4-12 sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó. Chính phủ cũng đang chỉ đạo quân đội dùng máy bay bay cập theo tuyến biển phát tín hiệu, dùng loa kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển phải vào nơi trú ẩn an toàn.

- Phát hiểu tại cuộc họp giao ban trực tuyến khẩn lúc 20 giờ ngày 4-12 giữa Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Phân ban PCLB miền Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải quyết liệt hơn, kiên quyết hơn trong việc đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm, dọc theo sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở. Công việc triển khai hiện nay nhìn chung là khá tốt, nhưng không được chủ quan, chú ý mưa, lốc xoáy xảy ra.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu, sau chuyến đi thực tế Bà Rịa – Vũng Tàu chiều qua (4-12) và những nơi khác trước đó đã tỏ ra lo ngại khi việc chuẩn bị ở các địa phương, dù có nhiều cố gắng trong việc triển khai, nhưng vẫn chưa thật quyết liệt, chưa ráo riết, chưa đặt ra hết các tình huống trước diễn biến phức tạp cơn bão số 9.

- Chiều 4-12, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM yêu cầu các các địa phương, sở ngành thực hiện các biện pháp khẩn cấp: triển khai ngay phương án “4 tại chỗ”, các biện pháp cấp bách, chủ động ứng phó mọi tình huống bất lợi khi bão đổ bộ vào đất liền. Dùng mọi phương tiện truyền thông để thông báo tình hình, tổ chức hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, sử dụng các bao tải cát để gia cố các mái nhà bằng tấm lợp, di dời dân tại các vùng xung yếu và sống trong nhà cửa không đảm bảo an toàn. Cảnh báo nhân dân không ra khỏi nhà, tìm nơi trú bão an toàn khi có mưa dông gió xoáy. Kiểm tra tình hình bảo vệ các công trường xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng và các khách sạn, khu du lịch để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến an toàn xã hội. UBND Cần Giờ hoàn thành việc sơ tán dân ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn trước 20 giờ ngày 4-12.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục