Cần Giờ: Nhiều người dân không chịu di dời

Cần Giờ: Nhiều người dân không chịu di dời
Cần Giờ: Nhiều người dân không chịu di dời ảnh 1

Di dời dân ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TPHCM.

Mặc dù đã có lệnh cấm tất cả các phương tiện ra khơi, tuy nhiên vào lúc 10 giờ, chiếc tàu chở 32 người đi từ hướng đảo Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về hướng Cần Giờ, khi gần đến bến đò Cần Thạnh thì bất ngờ bị chìm.

Nhờ người dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, cứu vớt kịp thời nên không có thương vong xảy ra. Theo đại tá Phạm Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ đôi Biên phòng TPHCM, do lái tàu say rượu và không rõ luồng lạch khu vực này, mũi tàu vào vùng nước xoáy.

Huyện Cần Giờ bố trí 3 khu nhà để di dời bà con ngư dân vào tránh bão. Gồm nhà văn hóa thiếu nhi, trường học, nhà văn hóa liên đoàn lao động và 5 lều bạt của Công an, Quân đội và Bộ đội Biên phòng. UBND huyện điều động 10 xe buýt, 3 tàu của các đơn vị Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 5 đò khách của dân tập trung đưa dân vào đất liền.

9 giờ ngày 4-12, UBND huyện Cần Giờ phối hợp với các lực lượng biên phòng, thanh niên xung phong, dân quân tự vệ tập trung di dời cư dân xã Thạnh An vào đất liền (cách UBND huyện 15 km đường thủy). Tuy nhiên, đến 16 giờ mọi người vẫn không chịu lên tàu vào nơi trú bão.

16 giờ 30, chúng tôi có mặt tại xã đảo nhưng mọi người vẫn bình thản, tỏ vẻ không sợ. Tại khu vực cầu đò UBND, nhiều gia đình tụ tập ăn nhậu và hát hò rất xôm tụ. Mặc dù lực lượng di dời liên tục kêu gọi mọi người nhanh chóng lên tàu vào nơi trú bão nhưng người dân vẫn thản nhiên nói, bão biết gì đâu mà đi. Buồn quá tối nay không được xem hát rồi (ngày lễ Nghinh Ông). Ông Nguyễn Văn Lại, 77 tuổi, đang ngồi ăn cơm thấy chúng tôi đứng lại, ông nói: “Tôi khỏe lắm không đi đâu, người nào già yếu mới đi, tôi còn khỏe thì ở lại. Mà có bão gì đâu mà đi cho mệt mấy chú. Khi nào bão tới thì nhảy lên đi”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các hàng quán kinh doanh người dân vẫn buôn bán bình thường. Người già, thanh niên cho đến trẻ em tụm năm tụm bảy vui đùa ở những con đường lớn nhân dịp lễ Nghinh Ông. Khi được hỏi tại sao không chịu di dời vào nơi trú bão, chị Hồng bán hủ tiếu tỏ vẻ tiếc nuối: “Ngày này năm ngoái quán rất đông khách, nhưng sáng giờ nghe báo bão nên rất vắng người ăn, thậm chí ít hơn ngày thường. Thấy mọi người rủ nhau đi cũng ớn. Tụi nhỏ trong nhà đi từ chiều rồi, còn hai vợ chồng tui ở lại coi có bán được thêm tô nào không, mà đêm nay có ở lại chắc ngủ cũng không yên”.

18 giờ, các ban ngành, UBND xã họp khẩn cấp và thống nhất ai không tự giác di dời thì cưỡng chế để đảm bảo tính mạng người dân. Sau đó, lực lượng cứu hộ phối hợp cùng 30 xe Honda ôm để đưa những người ở xa, những người cố tình không chịu di dời đưa ra tàu chở vào đất liền. Khoảng 19 giờ mọi người cùng nhau ra bến đò Đầu Gioi để lên tàu vào nơi trú bão. Đến 19 giờ 50 phút, chuyến tàu cuối cùng chở khoảng 100 người đã rời bến Đầu Gioi, kết thúc đợt di chuyển người vào nơi tránh bão. Lúc này, người dân vẫn đổ xô kéo về bến tàu.

Ông Lê Văn Trung, Chủ tịch xã Cần Thạnh cho biết, tính đến 19 giờ 50 di dời hơn 1.000 người già và trẻ em vào nơi trú bão an toàn. Để đảm bảo cho những người ở lại nếu bão đến thì tập trung họ vào những ngôi nhà kiên cố và chùa.

Q.HÙNG – T.ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục