Dối dân - tội gì?

Dối dân - tội gì?
Dối dân - tội gì? ảnh 1

Điều gây “sốc” dư luận không phải là việc tăng giá xăng dầu mà là cách hành xử của những người có trách nhiệm.

Như vậy là cuối cùng Nhà nước phải quyết định tăng giá xăng dầu, trong đó xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít. Chuyện tăng giá xăng dầu là điều mà nhiều người trong thời gian qua đã dự đoán.

Đây là việc chẳng đặng đừng và người dân cũng đồng tình ủng hộ. Bởi, tuy tăng giá, nhưng 5 tháng cuối năm, Nhà nước vẫn phải bù lỗ cho xăng dầu 6.100 tỷ đồng, tính ra cả năm phải bù lỗ khoảng 12.900 tỷ đồng, nếu giá dầu thế giới vẫn duy trì ở mức 75 - 76USD/thùng như trong tháng 7-2006.

Và trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải dần thích ứng với cơ chế thị trường và phải có lộ trình để chậm lắm là đến cuối năm 2008 chấm dứt bù lỗ cho xăng dầu. Việt Nam không thể để giá xăng dầu tách biệt với các nước chung quanh, vừa gây thiệt hại cho ngân sách, vừa bị nạn chảy máu xăng dầu qua biên giới, làm mất ổn định nền kinh tế.

Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có những ngành cơ bản như vận tải, đánh bắt xa bờ, điện, than, giấy, xi măng… Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận đương đầu với giá xăng dầu trồi, sụt của thế giới, cùng tìm giải pháp để tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này.

Tuy nhiên, điều gây “sốc” dư luận không phải là việc tăng giá xăng dầu mà là cách hành xử của những người có trách nhiệm. Quyết định tăng giá xăng dầu lần này được đưa ra vào chiều 9-8-2006, nhưng trước đó chỉ hai ngày, ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Thương mại, vẫn tuyên bố với báo chí chưa điều chỉnh giá xăng dầu trong thời điểm này. Mọi người đều chưng hửng.

Vậy là người có trách nhiệm của Nhà nước cứ tuyên bố, báo chí cứ đăng và xăng dầu cứ tăng giá. Nhưng đây không phải là lần đầu. Còn nhớ,  đợt tăng giá xăng dầu lần trước trong năm 2006, tăng giá xăng thêm 1.500 đồng/lít, được Bộ trưởng Bộ Thương mại ký quyết định vào tối 27-4. Và kịch bản cũng diễn ra tương tự: Trước đó hai ngày, Vụ trưởng Hoàng Thọ Xuân cũng khẳng định chưa có chủ trương tăng giá xăng dầu vào thời điểm này vì cơ quan quản lý phải cân nhắc đến lợi ích của người tiêu dùng, xã hội với lợi ích của doanh nghiệp.

Tuyên bố được đưa ra chắc nịch, nên khi được tin tăng giá xăng dầu, báo VietNamNet đã chạy tít “Quyết định tăng giá xăng dầu bất ngờ”.

Cách hành xử đó làm nhiều người nhớ lại thời bao cấp, “đêm trước đổi mới”. Khi có tin đồn đổi tiền gây xôn xao dư luận, dân tình nháo nhào chạy chọt tìm cách tẩu tán, các cấp có trách nhiệm lại họp trấn an, tuyên bố không có chuyện đổi tiền. Thế nhưng, mở mắt ra tiền lại phải đổi. Hai mươi năm qua, cách hành xử của “đêm trước đổi mới” đó tưởng chừng đã vĩnh viễn được chấm dứt không ngờ lại tái hiện! Cách hành xử đó, hay nói trắng ra là cách lừa dối dân đó, đã gây thiệt hại về nhiều mặt và quan trọng nhất là làm mất lòng tin của dân đối với Nhà nước.

Không ít các ngành, các doanh nghiệp còn ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, đặc biệt là bao cấp xăng dầu. Vì vậy cần thẳng thắn công khai lộ trình hội nhập, trong đó có lĩnh vực xăng dầu, để người dân, các doanh nghiệp có bước đi thích hợp.

Có người đặt câu hỏi “Lừa dối dân-mang tội gì?”.

VÕ HÀN LAM

Tin cùng chuyên mục