Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân

Khởi điểm chịu thuế từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng

Khởi điểm chịu thuế từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng
Khởi điểm chịu thuế từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng ảnh 1

Người dân đến khai thuế ở Phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Thành Tâm.

Bộ Tài chính vừa chính thức hoàn thành dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo dự án này, dự kiến, khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, điểm mới trong dự án này là quy định về giảm trừ gia cảnh, và sau khi chiết trừ gia cảnh thì thu nhập có thể sẽ không phải chịu thuế.

Sau khi giảm trừ gia cảnh thu nhập mới phải chịu thuế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, dự luật quy định cá nhân được giảm trừ gia cảnh trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế.

Mức giảm trừ gia cảnh gồm 2 phần: đối với người nộp thuế và phần đối với người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Phần đối với người nộp thuế (thực chất là ngưỡng thu nhập chịu thuế) để đảm bảo nguyên tắc điều tiết một phần thu nhập của những người có thu nhập trên mức bình quân của xã hội (dự kiến có 2 phương án: 4 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng/tháng).

Phần đối với người phụ thuộc, mức giảm trừ gồm 3 mức: 50% đối với mỗi người phụ thuộc là người tàn tật; 40% đối với mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi; và 30% đối với mỗi người phụ thuộc khác.

Về phương án khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng/tháng, theo ông Ninh, phương án này được xây dựng dựa trên số liệu thống kê của Nhà nước và các kết quả điều tra xã hội học về thu nhập, chi tiêu của các tầng lớp dân cư đã được công bố, và dự báo theo chỉ số tăng trưởng đến năm 2009-2010.

Với mức giảm trừ là 4 triệu đồng/tháng, trường hợp người nộp thuế có hai người con phải nuôi dưỡng dưới 18 tuổi sẽ được giảm trừ là: 4 triệu đồng cho bản thân + 3,2 triệu đồng cho 2 người phụ thuộc (mỗi người con là 40% x 4 triệu đồng) = 7,2 triệu đồng. Nếu người nộp thuế có thu nhập 6 triệu đồng/tháng sẽ không phải nộp thuế.

Cũng theo ví dụ trên, trong trường hợp người có thu nhập 10 triệu đồng/tháng thì thu nhập tính thuế sẽ là 2,8 triệu đồng (10 triệu đồng – 7,2 triệu đồng), và với biểu thuế dự kiến thì số tiền thuế phải nộp là 180.000 đồng/tháng (theo quy định hiện hành thì số tiền phải nộp là 500.000 đồng/tháng).

Như vậy, phần để chi dùng của người nộp thuế bao gồm cả mức giảm trừ gia cảnh là 9,820 triệu đồng/tháng.

Về phương án 5 triệu đồng/tháng (kế thừa Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao hiện hành), nếu người nộp thuế có thu nhập 10 triệu đồng/tháng và có 2 người con phụ thuộc dưới 18 tuổi chỉ phải nộp thuế 50.000 đồng/tháng, thu nhập còn lại sau thuế là 9,950 triệu đồng.

Dự luật cũng dự kiến, mức trừ cho những người phụ thuộc không quá 10 triệu đồng/tháng (tương đương với trường hợp người nộp thuế nuôi 5-7 người).

Lãi tiền gửi tiết kiệm vượt 5 triệu đồng/tháng: đóng thuế

Cũng theo ông Ninh, những điểm mới nữa của dự án luật là đưa các khoản thu nhập hiện hành chưa phải chịu thuế vào diện chịu thuế như: từ lãi tiền gửi tiết kiệm; thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả mua bán chứng khoán); thu nhập từ thừa kế và quà tặng.

Giải thích về việc đưa thu nhập từ lãi tiền gửi vào diện chịu thuế, ông Ninh cho biết, đến nay, số người có thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm từ 4 đến 10 triệu đồng/tháng đã tăng lên đáng kể đòi hỏi có sự động viên phù hợp.

Chính vì vậy, dự luật đã dự kiến thu thuế đối với trường hợp có lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên mức tương ứng với mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế (4 – 5 triệu đồng/tháng) để đảm bảo công bằng trong động viên thu nhập của cá nhân.

Như vậy, với mức lãi suất hiện nay, chỉ những người có số tiền gửi tiết kiệm khoảng 700 triệu đồng trở lên mới thuộc diện chịu thuế.

Chẳng hạn, với giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng/tháng, một người có số tiền gửi tiết kiệm đến 600 triệu đồng, lãi khoảng 3,9 triệu đồng/tháng sẽ chưa phải nộp thuế.

Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát thu nhập cá nhân đối với loại thu nhập này, động viên một phần cho ngân sách và đảm bảo quyền đánh thuế của nước ta với cá nhân nước ngoài có thu nhập này phát sinh tại Việt Nam nên Ban soạn thảo đã đưa thu nhập chịu thuế đối với lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả kinh doanh chứng khoán).

Ngoài ra, để kiểm soát được sự chuyển dịch tài sản, vừa đảm bảo công bằng xã hội, khuyến khích mọi người lao động tự tạo ra thu nhập nên Ban soạn thảo đã đưa thu nhập chịu thuế đối với tài sản thừa kế, quà tặng là cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty.

Riêng đối với tài sản là nhà, đất chỉ đưa vào diện chịu thuế trong trường hợp người đã có nhà ở nhưng được nhận thừa kế quyền sử dụng đất và nhà.

Theo dự kiến, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm 2006, sau khi lấy ý kiến rộng rãi nhân dân sẽ thông qua vào kỳ họp nửa đầu năm 2007 và thi hành từ 1-1-2009.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục